Truyền lửa văn hóa đọc cho thế hệ trẻ từ một cuộc thi

Từ cuộc thi, các đại sứ đã truyền lửa văn hóa đọc qua từng bài thi

Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi thu hút đông đảo học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia, số lượng học sinh tham dự không ngừng tăng lên. Năm 2022, cuộc thi nhận được 1.819 bài của học sinh các cấp từ 131 trường học trong toàn tỉnh gửi dự thi thì năm 2024 này, cuộc thi nhận được 5.537 bài của học sinh các cấp từ 170 trường học trong toàn tỉnh gửi dự thi. Nhiều bài thi không đơn giản chỉ là viết ra cảm xúc về cuốn sách mình yêu thích, mà các em còn có sự sáng tạo cho sản phẩm tinh thần của mình, nhiều câu chuyện cảm động đã được chia sẻ, nhiều tác phẩm có tính giáo dục cao và giá trị nghệ thuật được lan tỏa đến cộng đồng. Các câu chuyện, bài thơ khuyến đọc đã được sáng tác để khẳng định vai trò của sách, báo và văn hóa đọc.

Nhiều bài dự thi của các em như một tác phẩm sáng tạo độc lập theo cách riêng của mình, được trình bày công phu, giống một cuốn truyện tranh, hình ảnh hình động, cuốn hút người đọc lật mở từ trang này đến trang khác. Không ít bài dự thi được đầu tư bài bản, đồ sộ, kết hợp giữa cảm nhận và trình bày sống động, giữa viết và video, tạo hình, thiết kế, đồ họa, trang trí độc đáo, mới lạ. Cuộc thi làm đa dạng hóa hình thức đọc sách và chuyển tải nó đến tất cả mọi người.

Xem thêm: Nguyên Bình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Những cuốn sách các em lựa chọn giới thiệu qua bài thi đa số phù hợp với lứa tuổi, nêu được ý nghĩa giá trị, tác dụng của tác phẩm làm thay đổi nhận thức, hành vi đối với bản thân, hướng người đọc theo hướng tích cực và lan tỏa được tình yêu đọc sách đến với cộng đồng. Cuộc thi đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong việc đọc, tìm hiểu về những cuốn sách hay, có ý nghĩa, thôi thúc các bạn trẻ đến với văn hóa đọc, để tìm hiểu những giá trị to lớn của sách.

Hơn 150 giải thưởng đã được trao, nhiều bài xuất sắc gửi cuộc thi toàn quốc và đoạt giải cao; các “đại sứ” đoạt giải vẫn tiếp tục sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người, đặc biệt là trong giới trẻ như đúng tên gọi của nó. Trong đó, em Bùi Hồ Ngọc Hân (Trường THPT Chuyên Thăng Long) đã xuất sắc đoạt giải Nhất vòng chung kết Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2022. Từ sau cuộc thi, trở thành “đại sứ”, Ngọc Hân càng ý thức hơn việc lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người, nhất là những bạn cùng trang lứa. Hiện nay, đã là sinh viên, dù có nhiều hình thức đọc sách nhưng em vẫn dành thời gian cho những trang sách giấy và thường trao đổi và thảo luận bạn bè về nội dung, chủ đề của những cuốn sách yêu thích.

Tại cuộc thi cấp tỉnh năm 2024, em Nguyễn Trần Khánh Hân (Lớp 7A9, Trường THCS Quang Trung, Đà Lạt) một lúc mang về 2 giải thưởng lớn là giải A duy nhất dành cho học sinh cấp THCS và giải chuyên đề cho thí sinh có video clip được yêu thích nhất. Với phần viết sâu sắc, em đã nêu bật được nội dung cuốn sách “Sống cho điều ý nghĩa hơn” có sức truyền cảm hứng sống cho nhiều bạn trẻ từ tấm gương Nick Vujicic - một chàng trai khuyết tật bẩm sinh, không tay, không chân nhưng đã nỗ lực viết nên câu chuyện đẹp của đời mình. Khánh Hân chia sẻ: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” giúp em định hướng tương lai của mình, thắp lên những ước mơ để không ngừng học tập vì ngày mai sau lập nghiệp, cống hiến cho quê hương.

Ông Thanh Dương Hồng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng qua nhiều năm làm giám khảo cuộc thi nhận định: Trong thời đại số với sự bùng nổ các phương tiện thông tin, giải trí, để kéo các em ra khỏi điện thoại thông minh, máy tính để đến với những trang sách là việc làm khó, nhưng rất hữu ích. Quá trình tổ chức cuộc thi và quá trình chấm điểm xét tặng giải thưởng thực sự là một hành trình giàu cảm xúc. Số lượng và chất lượng các bài thi không ngừng nâng lên qua từng cuộc thi. Khá về nội dung, đa dạng về hình thức, thể hiện sự dày công và khả năng sáng tạo của các em. Nhiều bài biết chọn lọc tư liệu, hình ảnh minh họa một cách phù hợp; việc chọn nội dung, bố cục, kết cấu câu chuyện đến hành văn, lối viết, dẫn dắt câu chuyện của các em thể hiện khá rõ. Cùng với những cảm nhận sâu sắc về cuốn sách đã đọc, nhiều bài thi được trình bày như một tác phẩm sáng tạo độc lập với cuốn sách các em đã đọc, kèm với minh họa bằng hình ảnh, tạo hình, đồ họa sống động như một tác phẩm dự thi lớn. Đặc biệt, lối tư duy, hành văn của các em đã thể hiện khả năng văn chương, qua đó phát hiện những hạt nhân năng khiếu có thể bồi dưỡng cho lực lượng những người cầm bút sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh trong tương lai.

Xem thêm: Độc đáo ẩm thực Ấn Độ tại Phan Thiết

Ông Phan Tuấn Anh - Giám đốc Thư viện Lâm Đồng chia sẻ: Ở nhiều địa phương và nhiều trường học trong tỉnh, Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã thật sự trở thành sân chơi, diễn đàn để các em học sinh thể hiện tài năng của mình, chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả và những quyển sách hay đến với bạn bè. Từ cuộc thi có thể nhận thấy lòng nhân ái, vị tha, sự quan tâm đến người khác đã được nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Nhiều em xây dựng được các kế hoạch, giải pháp, biện pháp khuyến đọc cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi và có ý nghĩa thực tiễn cao. Trong thời gian tới, cuộc thi sẽ tiếp tục được quảng bá sâu rộng đến các trường học, đến từng em học sinh, để ngày càng có nhiều hơn nữa những bài dự thi chất lượng. Từ đó thúc đẩy phong trào đọc, lan tỏa tình yêu sách, gieo những hạt mầm đọc sách từ trong các nhà trường, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng.

QUỲNH UYỂN