'Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng' - Kỳ 1: Lật tẩy các luận điệu sai trái

Trong đó, mô hình “Trở về với đức tin, giữ bình yên thôn, làng” do Công an tỉnh triển khai bước đầu đạt hiệu quả, được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận và đề nghị nhân rộng trong toàn quốc.

Do bị các đối tượng FULRO lưu vong lừa phỉnh, lôi kéo nên một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tham gia hoạt động “Tin lành Đê ga”, lén lút thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Sau khi nhận diện rõ bản chất của “Tin lành Đê ga”, nhiều người đã quyết tâm đoạn tuyệt để làm lại cuộc đời, trở thành “hạt nhân” đoàn kết ở buôn làng.

Vạch rõ bộ mặt của “Tin lành Đê ga”

Xem thêm: Choáng váng với số tiền quyên góp mới nhất của vợ chồng Cường Đô La

Bữa cơm chiều chỉ có lá mì, cà đắng với cá khô do chính tay vợ nấu nhưng ông Siu Un (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) lại ăn rất ngon miệng. Đây là món ăn dân dã mà đồng bào Jrai chỉ cần bước ra vườn là có đủ nguyên liệu để chế biến. Ấy vậy mà từng có thời điểm, món ăn này trở thành giấc mơ xa xỉ đối với ông Un.

Chỉ vì trót nghe theo lời lừa phỉnh, lôi kéo của bọn FULRO lưu vong, ông xúi giục đồng bào biểu tình, gây rối, âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” để rồi phải trả giá bằng bản án 16 năm tù.

Vượt qua mặc cảm tội lỗi, ông Ksor Yung (buôn Chư Krik, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) tích cực giúp đỡ người lầm lỡ theo FULRO, “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận. Ảnh: Minh Triều

Sau hơn 4 năm thụ án tại một trại giam ở tỉnh Hà Nam, ông Un mới được vợ con lặn lội ra thăm. Vợ chồng trùng phùng, nước mắt mừng tủi chảy dài theo những câu chuyện kể về gia đình, con cái, làng quê sau bao ngày xa cách. Trước khi chia tay, ông còn thủ thỉ vào tai vợ dặn dò: “Lần sau có ra thăm nhớ mang theo món lá mì, cà đắng xào với cá khô. Tôi thèm lắm, nhiều năm nay chưa được ăn”.

Ngồi nghe chồng kể đến chi tiết này, bà Ksor H’Loi rướm nước mắt nhớ lại lúc chồng đi tù, một mình bà phải nuôi 4 đứa con.“Thương chồng nên mỗi lần ra thăm, tôi đều dắt theo 1 đứa con. Lần đầu, tôi dẫn theo đứa con gái út để nhớ mặt cha vì lúc ông rời nhà nó chỉ mới được 1 tuổi. Tôi hái lá mì rồi đem phơi khô mang ra ngoài đó rồi tìm cách nấu đem vào cho ông ăn để đỡ nhớ buôn làng”-bà H’Loi lau nước mắt kể.

Sau 15 năm thụ án, ông Un được ra tù và được thưởng thức trọn vẹn hương vị món ăn đặc trưng của làng. Hạnh phúc đơn giản là thế, vậy mà chính ông đã tự tay tước bỏ hàng chục năm trời.

Một khoảng lặng thời gian đủ dài để ông suy ngẫm về miếng “bánh vẽ” mà bọn FULRO lưu vong đã nhồi nhét vào đầu mình, từ thực tế ốm đau, bệnh tật của bản thân khi chịu cảnh tù tội, gia đình và bà con họ hàng phải gánh chịu khi tham gia hoạt động “Tin lành Đê ga”.

“Càng nghĩ, tôi càng thương vợ con vì mình mà phải chịu khổ. Vợ một mình nuôi con nhỏ, vất vả lặn lội ra thăm chồng, tôi thấy xót xa, ân hận với lầm lỗi mà mình gây ra. Những tháng ngày trong tù, ngoài vợ con đến thăm thì chẳng thấy ai đoái hoài.

Ở nhà, vợ con khó khăn cũng tự gánh chịu, chúng đâu có cho được hạt muối, củ khoai chứ nói gì đến đô la hay cuộc sống sung sướng sang giàu. Chỉ toàn là lời phỉnh dụ”-ông Un nói.

Ông Siu Un (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) quyết tâm đoạn tuyệt với FULRO, “Tin lành Đê ga”, trở về sống bình yên bên gia đình. Ảnh: M.N

Cũng trải qua tù tội, ông Ksor Krok (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) mới thấm thía nhận ra mình chính là nạn nhân của các đối tượng FULRO lưu vong. Đau đớn hơn, ông bị chính anh ruột là Ksor Kơk-đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ (hiện đã chết), kẻ tự xưng là “tổng thống” của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” chỉ đạo lôi kéo, kích động đồng bào DTTS ở Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện tổ chức biểu tình, gây rối.

Thời gian thụ án 5 năm đủ để người đàn ông đã qua 71 mùa rẫy này đúc kết một điều rằng: “Nếu như trước đây, mình không dại dột nghe theo lời dụ dỗ thì bây giờ cuộc sống đỡ vất vả hơn rồi”.

Hướng ánh mắt đượm buồn về phía khoảng trống trước sân nhà, ông Krok trầm ngâm nói: “Tin lành Đê ga” chỉ là trò lừa bịp, núp bóng tôn giáo để thực hiện âm mưu phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Ở trong tù, tôi ân hận, day dứt về lỗi lầm của mình. Trước đây, vì tin và nghe theo các đối tượng phản động FULRO lưu vong nên tôi đã lầm đường lạc lối, làm khổ vợ con.

Lúc tôi đi tù, vợ con nheo nhóc, đói khổ mà tổ chức FULRO có ai quan tâm gửi cho gói mì, hạt muối đâu. Chỉ vì u mê, tin vào lời hứa viển vông mà tôi phải trả giá đắt bằng những tháng ngày tù tội, để vợ phải một mình chịu khổ, gồng gánh nuôi con.

Xem thêm: Toyota tiếp tục dẫn đầu thị trường xe hybrid

Mở rộng vòng tay đón người lầm lỡ

Ngẫm về câu chuyện buồn của mình, ông Krok quyết tâm đoạn tuyệt với FULRO, “Tin lành Đê ga”, phấn đấu cải tạo tốt để trở về sống những ngày bình yên bên gia đình. Ngày ông ra tù, bà con không chỉ rộng lòng tha thứ mà còn hỗ trợ ngày công sửa chữa nhà ở. Vợ chồng ông từ đó tích cực cải tạo vườn rẫy, tăng gia sản xuất, trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Không những chăm lo làm ăn, ông Krok còn lấy câu chuyện của mình để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO lưu vong, phân tích, khuyên giải các đối tượng đang hoạt động “Tin lành Đê ga” núp bóng dưới hình thức tu tại gia từ bỏ hành vi sai trái.

Ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake (bìa phải) cùng công an xã xuống thôn tuyên truyền, vận động các hộ dân từ bỏ Tin lành Đê ga quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chăm lo sản xuất, sống tốt đời, đẹp. Ảnh: M.N

Ông Krok nhớ lại: Giữa tháng 7-2021, một nhóm đối tượng trong làng lợi dụng ma chay, cưới hỏi để gặp gỡ, bàn bạc việc duy trì nhóm họp “Tin lành Đê ga”, đồng thời trao đổi, liên lạc và nhận chỉ đạo của các đối tượng FULRO lưu vong ở Thái Lan, Mỹ để thực hiện các hoạt động lôi kéo, chống phá buôn làng.

Nắm được thông tin này, ông Krok phối hợp với lực lượng Công an địa phương vận động, thuyết phục các đối tượng: Siu The, Siu Yun, Siu Del, Nay Tlú và Siu Phiah (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa).

“Tôi khuyên họ hãy nhìn thực tế từ bản thân tôi vì từng tin, nghe và làm theo lời của FULRO lưu vong nên phải chịu cảnh tù tội, vợ con đói khổ. Còn những ai không theo “Tin lành Đê ga”, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế thì giờ họ có nhà đẹp, con cái được học hành tử tế. Vì vậy, bà con đừng nghe theo kẻ xấu dụ dỗ. Họ chỉ lợi dụng, lừa gạt chúng ta mà thôi”-ông Krok kể.

Ngày trở về với bà con dân làng, ông Siu Un hít thở thật sâu để cảm nhận bầu không khí của tự do. Ông tự nhủ tuyệt đối sẽ không cho phép mình mắc mưu bọn FULRO lưu vong lần nữa. Thấy vợ con khốn khó, nợ nần do vay mượn từ những chuyến lặn lội thăm nuôi chồng, ông bán mảnh đất nằm sát quốc lộ để lấy tiền trả nợ.

Ông được địa phương tạo điều kiện xây nhà mới để ổn định cuộc sống. Ngoài việc thăm hỏi, động viên những lúc ốm đau, lực lượng Công an, chính quyền địa phương còn quan tâm hỗ trợ cây-con giống, tạo điều kiện cho gia đình ông vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.

“Tôi mừng lắm. Không những không kỳ thị, xa lánh mà dân làng còn mở rộng vòng tay đón người lầm lỡ như tôi trở về. Vợ chồng tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, dù không giàu nhưng cuộc sống luôn ấm áp, tràn đầy tình thương. Quan trọng hơn là được sống gần vợ, gần con cháu, những lúc ốm đau có người đỡ đần, chăm sóc. Mình làm chủ cuộc sống của mình là có tất cả rồi”-ông Un phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lợi-Bí thư, Thôn trưởng (đứng giữa) chọn cách tiếp xúc gần gũi, xem gia đình ông Siu Un như người thân trong nhà để gỡ bỏ nút thắt mặc cảm, tự ti quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tự nguyện. Ảnh: Minh Nguyễn

Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, bà Nguyễn Thị Mỹ Lợi-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake) chọn cách tiếp xúc gần gũi, xem những người từng lầm lỗi như người thân trong gia đình. Lâu dần thành thân thuộc, những người lầm lỡ cũng dần mở lòng, gỡ bỏ nút thắt mặc cảm, tự ti.

Từ giữa năm 2022 đến nay, thôn Tân Điệp 1 đã vận động được 9 hộ (36 người) từng bị các đối tượng FULRO lưu vong lôi kéo hoạt động nhóm họp “Tin lành Đê ga” với hình thức núp bóng tu tại gia quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Bà Lợi chia sẻ: “Tôi đặt vị trí mình là một người dân, người con trong thôn để tiếp xúc, lắng nghe nỗi lòng của họ rồi dần làm sáng tỏ những cái đầu mê muội, giúp họ tự nguyện từ bỏ “Tin lành Đê ga”, quay về sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy. Đơn cử như trường hợp ông Siu Un. Lúc mới trở về địa phương, ông ấy sống khép mình, ít qua lại với bà con trong thôn, luôn ân hận với lỗi lầm đã gây ra.

Sau khi từ bỏ “Tin lành Đê ga” và được trở lại sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, ông không còn tự ti, mặc cảm và tham gia sinh hoạt tôn giáo đều đặn. Không những vậy, ông còn được giao làm Chấp sự điểm nhóm Hội thánh Tin lành truyền giáo Cơ đốc ở địa phương, tham gia tổ vận động mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện”-bà Lợi phấn khởi nói.

Không chỉ gia đình, dân làng, chính quyền mở rộng vòng tay giúp đỡ, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn cũng hỗ trợ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, quay về với đức tin.

Ông Ksor Lý-Chức sắc Chi hội Tin lành truyền giáo Cơ đốc xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện) chia sẻ: Thời gian qua, ông không những đón nhận 20 hộ (120 khẩu) quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy mà còn phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền và những người uy tín giúp bà con hiểu được âm mưu, luận điệu xuyên tạc của tổ chức phản động FULRO lưu vong; giúp những người lầm lỡ gạt bỏ quá khứ, tích cực lao động sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

“Một khi những người từng lầm lỡ đã tháo gỡ được nút thắt mặc cảm, họ sẽ cùng tham gia sinh hoạt tôn giáo với tinh thần cởi mở, phấn khởi, sống tốt đời, đẹp đạo”-ông Ksor Lý nhấn mạnh.

VĨNH HOÀNG