Trò chuyện cùng dòng sông

Tuần tra trên sông Đồng Nai. Ảnh: Lê Dũng

Tôi nghe bạn bè nói dưới sông có con ma da, sơ hở là nó kéo chân mình xuống nước để ăn thịt. Nhìn ra mặt sông phía trước, thấy sông rộng mênh mông, bờ bên kia chỉ là một dải đất mờ mờ, tôi nghĩ hẳn dưới sông có rất nhiều ma da nên “nhúng chân” là an toàn nhất. Lần thứ nhì “tiếp xúc” với sông là khi tôi lớn hơn một chút, học năm cuối tiểu học. Tôi dại dột nghe lời bạn ra nhà thủy tạ Cầu Mát phía trước Tòa Bố rồi cả bọn rình không thấy người lớn, liền rủ nhau cất cặp vở, cởi áo để lại trên cầu, rồi nhảy ùm xuống sông tắm. Tôi không biết bơi nên chỉ lần theo đoạn cầu thang ngắn dẫn xuống sông, ngâm mình trong nước có lẫn mấy giề lục bình, mà tay vẫn giữ chặt cây sắt cầu thang.

Lần thứ ba mới là tắm thực sự. Tôi qua nhà bạn học cùng lớp ở cù lao Phố chơi. Sẵn có mặt nhiều đứa khác, “chủ nhà” rủ cùng bơi qua sông Sa Hà, nhánh sông nhỏ nay là sông Rạch Cát, để hái trộm mận trong vườn nhà Duyên Anh Đào. Tôi liều lĩnh cho bạn khoác phao vào người rồi tụi nó kéo qua sông. Tới giữa dòng nước sông lạnh quá thì một chân tôi bị “vọp bẻ”, phải kêu cứu. Thế là chuyến ăn trộm thất bại. Tôi được kéo trở lại để bóp dầu cho đỡ đau rồi được cho ăn một chén cơm rượu, đặc sản của cù lao Phố.

Xem thêm: Sách 'Hà Nội thời cận đại' hé lộ nhiều bất ngờ về Thủ đô thế kỷ 19-20

***

Những ngọn nước đầu tiên của sông Đồng Nai chảy từ Tây Nguyên xuống. Qua nhiều thác ghềnh, lại nhận thêm nước của phụ lưu là sông Bé và sông La Ngà, đến Trị An - dòng thác thứ chín thì nước sông bắt đầu chảy êm ả, xuôi dòng ra biển. Từ đây, có những cù lao đất đai màu mỡ, dân cư sinh sống thanh bình. Về phía thượng nguồn, trên đất Vĩnh Cửu, nổi tiếng là cù lao Tân Triều với đặc sản bưởi đường lá cam và nhà thờ Tân Triều. 50 năm, hai hình ảnh này đã đổi khác với đồng thời những luyến tiếc và phấn khởi. Nhà thờ Tân Triều vốn là một trong các nhà thờ được xây dựng đầu tiên ở Biên Hòa xưa, được xây dựng lại hiện đại hơn trước. Nhưng cũng chính vì thế mà ngôi thánh đường mất đi vẻ cổ kính một thời. Bưởi đường lá cam, còn được gọi là bưởi Biên Hòa, bưởi Tân Triều cũng lao đao nhiều năm vì bị đốn bỏ để thay bằng cây khác, cho đến khi lại vươn ra được thị trường nước ngoài. Nhà vườn trồng lại, phục hồi các vườn bưởi cũ và phát triển thêm nhiều vườn mới. Trong những lần về Vĩnh Cửu, tôi được đi trên những con đường nhỏ mà hai bên là vườn bưởi, mùa hoa thơm lừng, mùa trái lủng lẳng ven đường mà không ai hái trộm. Bưởi Tân Triều ngày nay không chỉ có thể ra trái vào thời điểm theo ý muốn của nhà vườn nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà còn được nghiên cứu thành công, tạo ra bưởi đường lá cam không hạt.

Cù lao Phố đang dần từ giã thế “ốc đảo” của mình để trở thành một khu đô thị.

Vùng Vĩnh Cửu cũng phát triển thêm những vườn bưởi mới, trong đó có giống bưởi da xanh, ruột hồng. Giống bưởi này có rễ ăn bàn, phù hợp với loại đất có chân (nhiều lớp đất nằm chồng lên nhau) chứ không kén đất không chân chỉ toàn phù sa như ở cù lao để rễ của bưởi đường lá cam ăn sâu xuống.

Là một huyện nông thôn có dòng sông chảy ngang qua, Vĩnh Cửu đã xây dựng được nhiều địa phương thành xã nông thôn mới hoặc xã nông thôn mới nâng cao. Những con đường đất đã trở thành đường bê tông dễ dàng lưu thông nhưng những vườn bưởi thì vẫn sát đường, vẫn lúc lỉu trái…

***

Xem thêm: Diễn giả Hồ Nhật Quang: Tôi muốn đưa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vào cuộc sống đương đại

Sông Đồng Nai lại ôm lấy cù lao Phố hình con cù hay quả chuông đang hồi sinh mạnh mẽ thành một vùng sinh thái đặc biệt với sáu cây cầu cũ, mới. Về mặt hành chính, cù lao không còn là cấp xã mà đã lên phường. Hai con đường bắt chéo nhau được mở rộng là đường Đặng Văn Trơn và Đỗ Văn Thi, có chợ Hiệp Hòa, các ngôi chùa, đình cổ xen với những biệt thự hiện đại, khu chung cư cao tầng. Đường Đặng Văn Trơn nối từ cầu Hiệp Hòa mới xuyên trên đất cù lao tới cầu An Hảo dẫn ra ngã tư Vũng Tàu. Đường Đỗ Văn Thi thì từ giữa khu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và Cầu Hang nhỏ dẫn tới bến đò Kho, qua sông Cái - nhánh nhỏ của sông Đồng Nai đến phường Tam Hiệp. Trên sông Cái vẫn còn một bến đò nhỏ khác là Long Triển chở khách qua phường Tam Hiệp. Khách bây giờ ít, chủ yếu là người dân ngụ quanh bến đò không muốn đi vòng xa qua bờ bên kia.

Một cây cầu thứ sáu đang xây dựng nối phường Hiệp Hòa với phường Thống Nhất bên kia sông, hình thành thêm một trục lộ chính của Biên Hòa.

***

Nửa thế kỷ tính từ năm 1975, tôi gắn bó với dòng sông theo một cách khác. Chuyến đi trên sông dài nhất của tôi là từ bến sông trước chùa Ông ở cù lao Phố đến bến thuyền làng Bình Long thuộc huyện Vĩnh Cửu. Chuyến đi dài trên sông này là một kỷ niệm khó quên với tôi vì trên chiếc thuyền đặc biệt đó có mặt hai nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đưa nhóm viết trẻ chúng tôi đang làm việc ở Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai về quê hương của hai ông. Thuyền chui qua hai chiếc cầu sắt do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Qua Chợ Tỉnh một đoạn, không còn nhìn thấy Cồn Gáo nhỏ xíu ngày xưa đã bị dòng nước cuốn mất. Nhìn về phía trái, trên bờ hữu ngạn sông là chùa cổ Long Thiền, thuyền qua tiếp cầu Hóa An mà dân quen gọi là Cầu Mới khi ấy chưa có cây cầu thứ hai song song cầu cũ như bây giờ. Tôi nhớ hai câu thơ của nhân sĩ Lương Văn Lựu: “Cầu cũ sao kêu cầu mới mãi/ Hóa An ghi bảng lại không coi”. Nhà văn Lý Văn Sâm vốn là bạn cũ với ông Lựu bật cười nói: “Cha này viết sử thì nghiêm túc, rành mạch mà làm thơ thì lại dí dỏm lí lắc dữ”.

Chẳng bao lâu thuyền đi qua khu vực núi Bửu Long bên tả ngạn sông, nhìn thấy chùa Bửu Phong tọa lạc trên đỉnh núi mà hồi nhỏ tôi theo mẹ đi lễ phải leo qua hàng trăm bậc thang đá từ chân núi để lên chùa. Đi tiếp một đoạn sông không xa thì gặp cù lao Thạnh Hội, còn gọi là cù lao Rùa vì có hình con rùa, tiếp nữa là qua cù lao Tân Triều trước khi đến Bình Long.

Một thời gian không lâu, trên đoạn Sông Phố có hoạt động du thuyền, tương tự như đi thuyền trên sông Hương ngoài Huế. Chúng tôi “đãi khách” là nhà văn Trần Đức Tiến chuyến đi này vào một buổi tối. Du thuyền sáng đèn phản chiếu ánh sáng dưới mặt nước lung linh, lại được nghe mấy bài đờn ca tài tử. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền nhè nhẹ và thời gian trôi khá nhanh… Tiếc là ngày nay du thuyền ấy không còn hoạt động nữa.

***

Năm 2024, cơn bão số 3 Yagi từ khơi xa vào đất liền tàn phá nhiều tỉnh phía Bắc nước ta. Thảm cảnh đang được khắc phục, đồng bào cả nước chung góp của cải, tiền bạc cứu giúp đồng bào sau cơn bão dữ. Một nhà văn nổi tiếng nhắc đến những trận lụt năm Thìn như: Giáp Thìn 1904 bão vào miền Nam cướp hơn 5.000 sinh mạng, Giáp Thìn 1964 lụt miền Trung cướp hơn 2.000 sinh mạng, nay là Giáp Thìn 2024. Còn một trận lụt lớn năm Nhâm Thìn 1952 mà ông không nhắc, có thể có chủ đích chỉ nhắc đến những năm Giáp Thìn. Người gốc gác Đồng Nai, nhất là người Biên Hòa, thì không bao giờ quên trận lụt lịch sử ấy được. Năm nay, nước sông Đồng Nai cũng dâng cao phía thượng nguồn khiến vài nơi trên dòng chảy của sông có nguy cơ ngập lụt. Miệt hạ nguồn thì còn có thêm nạn triều cường. Nhưng ơn trời, chuyện xấu đã không xảy ra.

Sông ơi! Hãy chảy êm đềm, hãy cất đi những hạt phù sa giận dữ trong lòng sông bao dung, hãy giữ bình an cho sông và cho dân tôi nhé!

(Nhân những ngày bão Yagi) .

Nhà văn KHÔI VŨ