Tranh Hà Nội vẽ trên những tờ vé số

Họa sĩ Ngọc Linh (tên thật Vi Văn Bích) là một trong những họa sĩ khóa mỹ thuật đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam sau cách mạng và là người học trò đặc biệt của họa sĩ Bùi Trang Chước.

Có một “Hà Nội thu nhỏ bỏ túi”

Cuốn sách tranh Hà Nội Tôi Yêu - Hanoi My Love của ông giới thiệu tới công chúng bộ tiểu họa 140 bức về phong cảnh, phố xá Hà Nội vẽ vào năm 1991 (năm họa sĩ 60 tuổi, còn rất sung mãn trong sự nghiệp hội họa).

Xem thêm: Chính thức ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu

Những bức này được học sĩ Ngọc Linh trực họa bằng sơn dầu, vẽ trên bề mặt bé xíu của những tờ xổ số tiết kiệm kích thước 7 x 10 cm và 10 x 14 cm, mang tới cho độc giả yêu nghệ thuật, yêu thành phố thủ đô một “Hà Nội thu nhỏ bỏ túi”.

Họa sĩ Ngọc Linh và cuốn sách tranh Hà Nội Tôi Yêu - Hanoi My Love. Ảnh: FBNV.

Loạt tranh này cũng là nguồn hứng khởi sâu đậm và tư liệu độc đáo để ông sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm Hà Nội tôi yêu được công chúng và giới phê bình tưởng thưởng nhiệt liệt hồi năm 1995.

Hà Nội Tôi Yêu - Hanoi My Love được gia đình họa sĩ Ngọc Linh gọi là bộ sách ông - cháu. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi cháu ngoại của họa sĩ đã xin những tấm vé số cuối ngày về cho ông đóng thành quyển ký họa nhỏ hơn lòng bàn tay.

Nhà văn Mai Thục trong một lần trò chuyện đã ghi lại lời của họa sĩ Ngọc Linh giải thích tại sao có bộ tiểu họa này: “Hồi ấy cháu ngoại Nguyễn Hồng Anh 7 tuổi của Linh học trường Quang Trung, quen mẹ bạn bán xổ số tiết kiệm in trên giấy lụa, một mặt in hình các thiếu nữ đẹp của Hà Nội. Cháu mang về mấy cái vé hỏi mình: “Ông ơi! Ông có thích cái này không?.

Họa sĩ nhìn thấy giấy lụa thì quá thích. Mình bảo “Xin cho ông một trăm tờ”. Mình đóng những tấm vé số ấy thành quyển vẽ, đạp xe quanh phố, thấy chỗ yêu mến thì vẽ. Vẽ sơn dầu. Vẽ chơi. Nhưng càng vẽ càng thấy mê, vẽ luôn cả hai mặt xổ số, vẽ chồng lên cả hình thiếu nữ”, họa sĩ Ngọc Linh kể.

Những bức tiểu họa về Hà Nội in trong sách (kích thước bằng với những tờ vé số). Ảnh: FBNV.

Hà Nội giờ lại có “Phố Linh”

Xem thêm: Nga lần đầu phóng liền 3 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal vào một mục tiêu ở Ukraine

Cũng theo nhà văn Mai Thục, trong một lần đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ trên tầng hai một cửa hàng bán váy cưới ở 96A Bà Triệu, bà bị hút vào 140 bức sơn dầu “Hà Nội tôi yêu”.

Nữ nhà văn cho biết vẽ tranh sơn dầu khổ bé là rất khó. Tuy nhiên, bà phải thán phục, say mê trước những nét vẽ điêu luyện, nét vẽ rất nhỏ nhưng sắc sảo, nét nào ra nét đấy, khỏe khoắn, chân thực, có thần, tả thực cảnh phố phường, tỏa muôn sắc màu của Hà Nội, gợi cảm xúc sâu lắng u hoài, nhớ thương thời gian đã mất, không gian đã thay màu.

Nữ nhà văn cũng cho rằng 140 bức Hà Nội tôi yêu của họa sĩ Ngọc Linh đã tạo nên 4 mặt không gian mà du khách bốn phương đến Hà Nội đều muốn đi tìm về là một Hà Nội linh thiêng, một Hà Nội phố cổ, một Hà Nội phố Pháp và một Hà Nội làng ven đô.

Hà Nội linh thiêng trong tranh Ngọc Linh là cây lộc vừng chín gốc ngả mình soi nước biếc Hồ Gươm; là hồ Gươm thay màu đổi sắc sớm, trưa, chiều, tối; là hàng cây xà cừ hàng trăm tuổi; là cảnh đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, cổng vào chùa phảng phất nắng hồng; là sóng biếc hồ Gươm quyện màu xanh của hàng sấu già; là tháp bút - đài nghiên in bóng Hồ Gươm.

Bộ tiểu họa gốc Hà Nội tôi yêu. Ảnh: FBNV.

Hà Nội linh thiêng còn là những ngôi chùa u tịch pha ánh vàng cà sa, xanh lặng màu thiền. Chùa Quang Hoa hồ Thiền Quang, chùa Trấn Quốc, chùa Láng, chùa Quán Sứ... đều được vẽ trực tiếp tại chỗ, không thiếu một chi tiết, tả thực từ màu sắc đến chữ Hán. Hay là 5 bức tranh vẽ Văn Miếu sáng ánh hồng chiều thu, tràn ngập cảm xúc thiêng liêng...

Hà Nội phố cổ của Ngọc Linh là Ô Quan Chưởng xiêu nghiêng hồn thu thảo; là những phố nhỏ quanh co như ô bàn cờ ở băm sáu phố phường; là Hàng Mắm, Chả Cá, Hàng Thùng, Hàng Buồm, Hàng Giấy... lô xô màu hồng trong chiều thu...

Hà Nội phố Pháp của Ngọc Linh là những bức họa về các công trình kiến trúc Pháp chính hiệu do người Pháp xây cách đây hàng trăm năm. Những bức họa này của ông gợi về một thành phố châu Âu văn minh, một Paris huyền ảo như thần thoại trong mơ...

Hà Nội làng ven đô của Ngọc Linh là những bức họa về cổng làng Thụy Khuê nhẹ nhàng, cổ xưa như ca dao; là cây bàng trên đường Thụy Khuê được đặc tả hai nhánh gốc to, lồi lõm như năm tháng, bám chặt vào đất mà tồn tại; là chợ Bưởi mái nghiêng che vừa chạm mái đầu...

Là một trong những người biết Hà Nội tôi yêu của họa sĩ Ngọc Linh từ thai nghén đến ngày chính thức ra đời, thi sĩ Ngô Linh Ngọc cho biết qua từng trang ký họa, từng buổi lên màu, ông thực sự được ngụp mình trong mình trong nguồn suối thơ, nguồn suối nhạc của ngọn bút Ngọc Linh tươi sáng, trẻ trung, hồn hậu.

Còn họa sĩ Trịnh Lữ có những nhận xét rất tinh tế về Hà Nội tôi yêu. Trong lời giới thiệu cho bộ tiểu họa đặc biệt này, ông rằng bộ tranh là tiêu biểu nhất cho bản chất mà ông gọi là “dân gian đương đại” của Ngọc Linh. Trịnh Lữ viết: “Hà Nội đã có 'Phố Phái' - liêu xiêu như những vần thơ u ẩn. Hà Nội giờ lại có 'Phố Linh' - tung tăng như những khúc hát đồng dao”.

Có thể nói, Hà Nội Tôi Yêu - Hanoi My Love là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của họa sĩ Ngọc Linh. Thông qua bộ tranh đặc biệt này, ông muốn lan tỏa tình yêu Hà Nội, tình yêu với hội họa của mình tới tất cả bạn bè xa gần yêu quý. Và như tinh thần “một Hà Nội bỏ túi” mà ông muốn gửi gắm, bộ sách tranh nhỏ nhắn này sẽ theo bạn đọc đi muôn nơi cùng với một tình yêu thiết tha mà người họa sĩ dành cho Hà Nội.

Minh Châu