Tôi được tiếp lửa khi đọc 'Sinh năm 1972'

Chúng ta ai cũng có những khoảnh khắc bồng bột, những lần vấp ngã tưởng chừng không thể đứng dậy nổi. Những bất mãn với cuộc đời, với cha mẹ, thầy cô, trường lớp, và thậm chí là với cả xã hội. Nhưng ít ai đủ can đảm để phơi bày hết những nông nổi ấy ra giữa ánh sáng. Hầu hết, chúng ta chọn cách nói thầm thì, chúng ta chọn giấu đi.

Nhưng tác giả của Sinh năm 1972 đã có một lựa chọn khác, một sự khác biệt táo bạo. Lựa chọn khác ấy đã được thể hiện rõ qua cuốn tự truyện Sinh năm 1972 của ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books.

Trong sách, tác giả không giấu giếm những đau đớn, những nỗi thất vọng, và cả những phút yếu lòng mà ai cũng có thể từng trải qua. Từ một cậu học trò bình thường đến một người đàn ông trưởng thành, tác giả phơi bày tất cả: cả những thất bại ê chề, đố kị, lẫn những trăn trở của đời mình. Chính sự chân thật không phô trương ấy đã làm nên sức mạnh lớn lao cho cuốn sách.

Xem thêm: Quảng Nam: Phú Long Tam Kỳ Hotel & restaurant đạt chuẩn 4 sao

Người đọc, thay vì ngắm nhìn một hình mẫu hoàn hảo, sẽ nhận ra rằng người thành công này chẳng xa lạ gì, người đàn ông này giống họ hơn là họ nghĩ. Chúng ta thấy mình trong từng trang sách, trong những vấp ngã và trong nỗ lực đứng dậy, hiểu rằng không ai đạt tới đỉnh cao mà không từng trải qua đớn đau. Thậm chí, để thấu hiểu và bắt tay vào làm gì đó cho mảnh đất quê hương, người ta cũng cần phải đi qua những lần thất vọng.

Sinh năm 1972 được viết trực diện, không né tránh, nên khi đọc, chúng ta cũng vô tình đối diện với bản thân mình, thẳng thắn nhìn vào những góc khuật sâu trong tâm khảm mình.

Xem thêm: Thế mạnh tiềm năng từ vị trí của Sun City Hà Nam

Sách Sinh năm 1972.

Không chỉ được chia sẻ, tôi còn được tiếp lửa khi đọc cuốn sách. Qua tác phẩm, có thể thấy khát vọng cháy âm ỉ từ đầu tới cuối sách, đó là khát vọng trở thành cây cầu nối, đưa tri thức về Việt Nam, để giúp cho các thế hệ trẻ được đến gần hơn với tri thức nhân loại, bớt thiệt thòi và thiếu thốn tri thức.

Ngọn lửa khát vọng ấy được nỗ lực hiện thực hóa bằng rất nhiều điều. Bằng Alpha Books, bằng Read Station, bằng viện ABG, và rất nhiều điều nữa… Khát vọng, nếu chỉ là mơ tưởng mà không hành động, sẽ mãi chỉ là một món trang sức. Khi thực sự dấn thân, khát vọng có thể chảy sang người khác.

Quả thực, những cuốn sách như Quốc gia khởi nghiệp, Chiến lược đại dương xanh... từ Alpha Books đã mở mang trí óc tôi, giúp tôi tư duy khác đi. Thời thế có thể đổi thay, nhưng tri thức luôn là nền tảng của mọi sự phát triển, và sách là chiếc chìa khóa vàng của kho tàng tri thức ấy. Thật không hình dung ra cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu sách? Không dám tưởng tượng cái sự mông muội khủng khiếp đó, nên tôi vẫn cứ đọc, đọc và thầm cảm ơn những con người đã chắt chiu làm ra từng cuốn sách nhỏ.

Tôi đọc Sinh năm 1972 trong những ngày đầu của hành trình reset cuộc đời, và bỗng dưng thấy cần phải cảm ơn người đã viết ra nó.

Không ai tránh khỏi những lúc nông nổi dại khờ. Nhưng nếu như chúng ta thật tâm vun đắp cuộc đời, rồi thì chúng ta sẽ tìm ra cách để bước đi vững chãi. Sẽ thực là uổng phí nếu ta không sống hết mình với cuộc đời, và theo lời tác giả, thì nếu mình không tham, không dốt, cũng không lười, thì hãy cứ làm đi.

Cứ đi, rồi sẽ đến.

Nguyễn Thị Oanh