Tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia

Quyết định nhận được sự đồng tình của người dân, bởi việc làm này thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia với đồng bào bị thiệt hại do bão lũ và đúng với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (dự kiến diễn ra vào dịp 22/12). Dù là những sự kiện lớn, quan trọng, song trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành trong cả nước vừa trải qua thiên tai và chịu nhiều mất mát, đau thương, việc dừng một số hoạt động chưa cấp thiết là điều cần thiết.

Nhiều địa phương, đơn vị cũng quyết định dừng các hoạt động mang tính hội như tỉnh Thanh Hóa dừng tổ chức phần hội trong lễ hội Lam Kinh 2024… Hay dịp Trung thu trước đó, nhiều chương trình đã dừng tổ chức để ưu tiên nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Xem thêm: Tập thơ dành cho các bé và những ai 'trẻ mãi không già' của ông bố 3 con

Ðợt thiên tai vừa qua, mặc dù có sự vào cuộc từ sớm, từ xa trong ứng phó, góp phần quan trọng giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn và để lại hậu quả nặng nề cả về người và kinh tế. Hơn thế, hậu quả của đợt mưa lũ này chưa khắc phục xong, nguy cơ từ các trận mưa lũ tiếp theo đã hiện hữu. "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, hơn bao giờ hết, câu tục ngữ thực sự có ý nghĩa ở thời điểm này. Giữa bộn bề khó khăn, đây chính là lúc sự quan tâm, tình người được thể hiện rõ nhất.

Xem thêm: Ngôi làng chung của đồng bào vùng cao Thừa Thiên Huế

Hàng triệu trái tim đồng bào cả nước vẫn đang chung nhịp đập hướng về các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Từ lãnh đạo T.Ư đến các địa phương, mỗi người dân đều đang chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực cùng người dân vùng chịu ảnh hưởng khắc phục hậu quả mưa lũ. Các đơn vị quân đội, công an, biên phòng... ngày đêm tìm cách để cứu dân trong cảnh hoang tàn do sạt lở.

Những lời kêu gọi phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác cứu trợ từ rất nhiều tổ chức, đơn vị đến cá nhân được phát đi. Những chuyến hàng lương thực, thuốc men, tiền mặt... nhanh chóng được chuyển đến người dân các vùng bị thiệt hại thông qua nhiều hình thức.

Trong những ngày qua, chúng ta đã thấy hình ảnh nhiều người không ngại khó khăn mang hàng cứu trợ đến tận tâm lũ, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người dân... Các nhà báo, cơ quan báo chí cũng liên tục truyền đi những thông điệp, hình ảnh từ vùng bão lũ để mọi người hiểu hết khó khăn nơi đây và đứng ra kết nối những tấm lòng.

Càng trong thử thách, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người Việt lại càng sáng lên, dìu nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các cá nhân, tổ chức đã và đang nhanh chóng trở thành "làn sóng" lan tỏa tấm lòng nhân ái, rộng khắp trong toàn xã hội để giúp người dân tái thiết cuộc sống và các hoạt động sản xuất.

Trở lại việc các địa phương, đơn vị dừng các hoạt động lễ, hội hoặc điều chỉnh ở tầm mức bảo đảm ý nghĩa thiết thực, hướng về người dân, càng thấy rõ hơn tinh thần sẻ chia đó. Cuộc sống phía trước của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vẫn còn ngổn ngang những chuỗi ngày vất vả, những mất mát chưa thể nguôi ngoai, nên bất cứ nguồn lực, sự chia sẻ nào vào thời điểm này đều rất đáng quý, để cùng chung sức vượt qua khó khăn và giúp cuộc sống dần ổn định trở lại. Đó là những “màn pháo hoa” đẹp nhất.

Hà Bình