Tình quân dân ở Làng Nủ

Vợ chồng ông Hoàng Văn Hòa mời BĐBP uống nước. Ảnh: Văn Chương

Nhường nhà cho bộ đội

Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nếu nhìn từ trên cao, đó là những ngôi nhà ngói mới, nhà sàn lợp bằng lá cọ nằm quanh các ngọn núi. Núi rừng xanh ngát và suốt ngày đêm vang lên âm thanh của suối nguồn róc rách đã mang lại cho đồng bào dân tộc Tày cuộc sống yên bình. Mùa Trung thu năm 2023, người dân và trẻ em nối nhau thành một đoàn dài cả cây số, rước đèn ông sao đi quanh thôn trong tiếng nhạc dập dồn, vui tươi. Còn mùa Trung thu năm nay, cả thôn chỉ có bước chân của bộ đội, dọc tuyến đường trong thôn, quần áo, dụng cụ lao động của bộ đội treo khắp các dây phơi trong các ngôi nhà.

Xem thêm: Đền Bảo Hà - điểm nhấn du lịch tâm linh vùng Tây Bắc

Trong ngôi nhà của cựu chiến binh Hoàng Văn Hòa và người em là Hoàng Văn Hùng thấp thoáng bóng dáng của BĐBP tham gia tìm kiếm người mất tích. Ngôi nhà này nằm sau lưng một ngọn đồi thấp và bên hông là một ngọn núi cao khoảng 150m. Bà Hoàng Thị Den, vợ ông Hòa hằng ngày chạy đi, chạy về ngôi nhà của mình để cùng BĐBP lo nấu thêm thức ăn, dọn dẹp nhà trong lúc cả đoàn công tác lên khu vực sạt lở ở cuối làng tìm kiếm người mất tích. Bà Đen là người dân tộc Tày, nét mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng. Bà tâm sự: "Các cháu bộ đội về làng giúp bà con nên việc gì có thể hỗ trợ được thì dân Làng Nủ đều chia sẻ hết sức”.

Tại các ngôi nhà dọc thôn Làng Nủ, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 98 và các đơn vị của Sư đoàn 316, Quân khu 2 vừa tham gia tìm kiếm, vừa thực hiện công tác dân vận theo phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương”. Hạ sĩ Hoàng Văn Thanh cho biết: “Chúng em được người dân thương yêu, nhường nhà cho ở, vì vậy được chỉ huy quán triệt nghiêm quy định về quan hệ quân dân, luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nói chuyện lễ phép với bà con. Em rất cảm động khi đi đến đâu cũng được bà con chào hỏi rất niềm nở”.

Trong ngôi nhà của ông Hoàng Văn Hùng, suốt ngày vang lên âm thanh của nước suối chảy róc rách. Ông Hùng và vợ luôn quan tâm BĐBP mỗi khi các anh đưa chó nghiệp vụ trở về để nghỉ ngơi trong ngôi nhà của mình. Ông Hùng tâm tình: “Những ngày đầu tiên tổ chức tìm kiếm người mất tích, bà con thấy thương bộ đội vì từ đầu đến chân đều lấm lem bùn đất, nhìn ai cũng phờ phạc sau một ngày tìm kiếm, nhưng có bộ đội về làng thì nhân dân đều thấy an lòng”.

Bát nước, lời chào

Xem thêm: Nông dân ở vựa rau gia vị Phạm Kha khôi phục sản xuất

Thôn Làng Nủ nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 80km, cạnh thôn là một địa danh khác chỉ gặp một lần cũng khó quên được tên, đó là thôn Pịt. Người dân tộc Tày ở nơi này đều có lời nói nhẹ nhàng, vẻ mặt hiền lành. Nếu nói chuyện thì sẽ nhận ra, chìm sâu trong ký ức của bà con mãi mãi là hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Cựu chiến binh Hoàng Thường Tín, nhập ngũ năm 1982, nguyên chiến sĩ trinh sát của Quân khu 2 vừa gặp bộ đội đã vồn vã mời chào. Ông và người thân mời cán bộ, chiến sĩ cố gắng nán lại vài phút trong ngôi nhà bên vách núi để thăm hỏi. Người vợ của ông là bà Hoàng Thị Vân nói: “Gia đình có gạo lúa thơm, giống lúa Hà Giang, mong được mời cơm các chú bộ đội”.

Ngoài bộ trang phục truyền thống của người Tày, bà con còn có điểm nhấn trong trang phục hàng ngày, đó là con dao ngắn dắt trên lưng trong chiếc vỏ cây lồ ô. Cô gái Hoàng Kim Thục thấy bộ đội có ánh mắt tò mò nhìn con dao trên lưng thì cô nở nụ cười. Hằng ngày, Kim Thục cùng cha bê nước ra mời bộ đội uống. Ngôi nhà của Kim Thục nằm sát con đường đi ra bờ suối là tâm điểm của việc tìm kiếm. Cô gái trẻ cho biết: “Em rất thương anh em bộ đội, những ngày đầu tiên, bà con và em cùng đến giúp vận chuyển người bị thương, chôn cất trâu bò chết, hỗ trợ bộ đội. Thấy các anh dính đầy bùn đất, em và bà con ai cũng thương!”.

Bà con hỏi thăm và nắm thông tin từ cán bộ Biên phòng tại hiện trường. Ảnh: Văn Chương

Ông Chiêu Văn Si, nhà ở sát bờ suối mà giờ đây, suối đã biến thành con sông đầy bùn lầy. Hằng ngày, ông ra bờ suối và cầu mong ông trời đừng đổ mưa. Vì chỉ một đêm mưa, bùn lầy giữa sông lại giống như chiếc bánh xốp, nở to ra và ngập tới hông. Ông Si cho biết, gia đình ông và bà con thấy diện tích tìm kiếm rộng, trong khi bộ đội đã làm việc quần quật, vì vậy chỉ chờ khi bớt bùn lầy và trời nắng ráo, sẽ vận động gia đình tham gia tìm kiếm.

Từ chiều 16/9, khi nước suối đã rút và bộ đội bắt đầu đi ra được một số vị trí ở giữa con sông bùn lầy, nhân dân cùng dân quân địa phương bắt đầu lần ra dọc sông với chiếc gậy trên tay. Nhiều người dân địa phương cho biết, đã học được cách dò tìm của BĐBP, cứ lấy cây đâm xuống bùn và quan sát nước, nếu thấy màu khác lạ cùng với mùi hôi thì sẽ báo cho BĐBP đưa chó nghiệp vụ tới đánh hơi.

Chia sẻ sau mưa

Đêm ngày 15, rạng sáng 16/9, mưa to và sấm chớp rung chuyển cả núi rừng ở thôn Làng Nủ. Tại khu vực gần con suối, hiện trường vụ sạt lở, âm thanh của nước suối vang lên ầm ầm như thác đổ. Trong đêm đó, nhiều người đã thức trắng, tư thế nằm ngủ là áp tai xuống đất để lắng nghe âm thanh vụn vỡ nào đó bất thần vang lên. Mưa ở thôn Làng Nủ trong những ngày qua đã trở thành nỗi ám ảnh đến như vậy. Bởi người dân địa phương chỉ lên các ngọn núi quanh làng và cho biết, núi nào cũng lở, có nơi vết nứt rất dài và mở rộng tới 30cm.

Buổi sáng sau đêm mưa, từng nhóm bộ đội vẫn nối hàng dài tiến ra con suối. Ngay khu vực ngã 3 đầu làng, có vài người già dường như thấu hiểu nỗi lo của bộ đội nên đã động viên: "Đêm qua mưa lớn, nhưng các cháu cứ yên tâm, bà con vẫn bám trụ ở thôn Làng Nủ thì bộ đội cũng không có việc gì phải lo lắng”.

Bình minh sau đêm mưa, nhìn khuôn mặt nhiều người hiện ra sự phờ phạc mất ngủ. Tại các ngôi nhà bộ đội hạ trại, việc trực gác để bảo đảm an toàn được thực hiện chặt chẽ và hướng dự kiến sẽ di chuyển khi sạt núi đã được phổ biến rộng rãi. Đêm đó, nhiều người vẫn sẵn sàng và hành lý đều được bọc nilon. Sáng hôm đó, bà Hoàng Thị Den bước lên ngôi nhà sàn, bà đẩy củi vào bếp để bộ đội nấu nước pha mì tôm. Dường như thấu hiểu, thương bộ đội nên bà nở nụ cười và nói: “Nắng đã 2-3 ngày rồi, việc tìm kiếm người mất tích chắc sẽ thuận lợi”.

Lê Văn Chương