Tình làng nghĩa xóm của các Phật tử Khmer miền biên giới

Trong điều kiện sống tập trung theo phum sóc, bà con luôn tạo ra được tính gắn kết trong cộng đồng với những bản sắc riêng lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự gắn kết ấy, ngày nay vẫn được gìn giữ phát huy, thể hiện rõ nét qua đời sống thường nhật, qua sinh hoạt hội hè, lễ Tết và nhất là khi gia đình ai đó có hữu sự.

Ở Tây Ninh, người Khmer là dân tộc có mặt sớm nhất, tập trung chủ yếu ở các làng lâm phần thuộc tổng Chơn Bà Đen, Tabelyul và Khán Xuyên xưa kia. Nhưng trải qua những biến động của lịch sử, chiến tranh và điều kiện sống, nên các phum sóc có sự sát nhập, phân tách qua lại rất nhiều và có xu hướng ra dần miền biên giới.

Xem thêm: Khu kinh tế đêm Măng Đen – Sức hút mới cho du lịch Kon Tum

Hiện nay, Tây Ninh có khoảng hai mươi làng Khmer với dân số xấp xỉ mười ngàn người, đông nhất là huyện Tân Châu và Châu Thành. Đối với các làng sống tập trung, người Khmer hầu hết còn giữ được các phong tục tập quán cổ truyền và đây cũng là điều kiện để văn hóa dân tộc được giữ gìn đúng với ý nghĩa của nó – hòa nhập nhưng không hòa tan.

Trước đây là các phum sóc Khmer, nay là xóm ấp, điều dễ nhận thấy nhất là hầu hết các hộ gia đình sống quây quần theo từng dòng họ và các ngôi nhà hiếm khi làm hàng rào, hoặc nếu có cũng chỉ là rào tượng trưng mà thôi. Vấn đề này bắt nguồn từ cách tổ chức phum sóc ngày xưa. Phum là một cụm dân cư nhỏ bao gồm một số gia đình có chung quan hệ hôn nhân và huyết thống. Nhiều phum như vậy sẽ tạo thành một sóc, sóc lớn hay nhỏ tùy vào nhiều hay ít phum...

Điều đó cho thấy trong cộng đồng Khmer giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, giữa dòng họ với dòng họ là không có nhiều khoảng cách, không mạnh ai nấy sống, không có sự rời rạc, mà luôn có sự kết nối, giao lưu, hỗ trợ qua lại với nhau từ nhiều phía. Trẻ con giữa các gia đình cũng thường xuyên qua lại chơi với nhau từ nhỏ, học hỏi lẫn nhau mọi thứ, nên đến khi trưởng thành luôn có tình nghĩa xóm giềng sâu sắc với nhau.

Trong các làng Khmer, nghi lễ vòng đời quan trọng nhất là đám cưới và đám tang. Đám cưới là mời tất cả mọi gia đình, không phân biệt giàu nghèo, thân sơ. Dịp này, gia chủ thường đi nhờ cậy những người chuyên về từng loại công việc đến giúp như Achar giúp lễ, thanh niên dựng rạp, trang trí, phụ nữ nấu ăn, hai em bé đóng vai con rùa… Có thể nói nhà ai có đám cưới thì đó cũng là ngày vui chung của cả làng.

Xem thêm: Chùm ảnh: Có gì trong lễ hội bia lớn nhất thế giới ở Đức?

Đối với đám tang cũng vậy, khi gia chủ báo cho Mê Phum xong, vị này sẽ thông báo đến tất cả bà con trong làng đến hỗ trợ nhau mọi công việc. Thường thì người đi đám tang bao giờ cũng có bịch gạo, nhang đèn và ít tiền để cúng và giúp đỡ gia chủ có hữu sự. Đi đưa tang cũng vậy, cả làng cùng đi đưa. Đối với những làng có lò thiêu thì làm nghi lễ hỏa táng, tro cốt để trong ngôi tháp nhỏ xung quanh vườn chùa.

Ngoài đám cưới và đám tang thì lễ tảo mộ của người Khmer cũng mang tính kết nối cộng đồng rất cao. Lễ tảo mộ thường diễn ra trước Chôl Chhnăm Thmây, trong ngày này, tất cả mọi gia đình đều đến nghĩa địa để vệ sinh mộ phần của ông bà và chưng bày lễ vật để cúng bái. Các nhà sư thì đi tụng kinh cho từng khu mộ, mỗi khu mộ thường của một dòng họ, xong thì người nhà đem lễ vật như vải trùm mộ, bánh trái, nước ngọt… về chùa cho các sư dùng.

Trong dịp tảo mộ này, hầu hết con cháu dù nhỏ dù lớn của mỗi gia đình đều có mặt để cúng ông bà và nghe kinh cầu siêu của các sư tụng. Qua nghi lễ tảo mộ, người Khmer giáo dục lòng hiếu thảo, nhớ ơn ông bà tổ tiên cho các thế hệ con cháu và qua đó hiểu biết các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.

Về văn hóa lễ hội thì trong năm người Khmer có nhiều lễ như Chôl Chhnăm Thmây, cúng Neakta Srốk, Sen Đônta, Ok Ombok, cúng Thần Lúa… những làng nào có ngôi chùa thì có thêm các nghi lễ Phật giáo như Phật đản, nhập hạ, xuất hạ, dâng y Kathina… Các nghi lễ này mang tính kết nối cộng đồng rất cao. Từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí đến khâu thực hiện nghi thức lễ nghi đều được bà con tham gia một cách hết sức nhiệt tình. Những lễ hội này cũng là dịp để mọi người trong làng nghỉ ngơi, sinh hoạt vui chơi và ngồi lại với nhau trao đổi mọi công việc, kinh nghiệm làm ăn… Trai gái trong làng cũng có điều kiện để tìm hiểu nhau, chuẩn bị cho bước tiến tới hôn nhân sau này.

Một điều đặc biệt là thông qua các lễ hội, người Khmer tích hợp vào việc giáo dục con cái hết sức hiệu quả. Trẻ em luôn được theo cha mẹ tham gia vào các lễ hội, các em được tắm mình trong không khí của sắc màu lễ hội, được hiểu biết thêm các phong tục, lễ nghi và ý nghĩa của nó. Từ đó hình thành dần nhân cách như hiếu thảo, sống thiện lành, thực hành các giáo lý nhà Phật, trải nghiệm các trò chơi dân gian, tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống…

Thông qua các lễ hội, cộng đồng người Khmer càng gắn kết hơn, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật đối với bà con Khmer không hẳn là được học trong nhà trường, mà chủ yếu là do các nghệ nhân truyền dạy. Những người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật trong cộng đồng Khmer luôn ý thức gìn giữ bảo tồn các di sản văn hóa để truyền dạy cho con cháu như múa trống Chhay dăm, múa Chằn, Rô-băm, Răm-vông, chơi nhạc Ngũ âm…

Ngoài ra, các nghệ nhân, các sư còn dạy cho dân làng những nghề mang tính nghệ thuật khác như vẽ tranh tường, làm hoa văn, đắp tượng, điêu khắc gỗ… Tất cả làm nên bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer không thể nhầm lẫn vào đâu được với các dân tộc khác. Nhưng một điều cần đáng quan tâm hơn là qua việc giáo dục nghệ thuật, người Khmer bảo tồn được nguyên vẹn truyền thống của dân tộc mình, giúp mọi người biết yêu cái đẹp, luôn luôn hướng thiện và hiểu sâu hơn văn hóa Phật giáo. Bên cạnh đó là việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, để họ có thể ứng vào cuộc sống từ vật chất đến tinh thần.

Có thể nói, trong năm mươi bốn dân tộc anh em, thì người Khmer có những nét đặc biệt nhất, làm thì làm nhiệt tình hết sức, chơi thì cũng chơi hết mình, sống thì rất mực thiện lành chân thật. Những vấn đề này bắt nguồn từ việc giáo dục gia đình và giáo dục của cộng đồng, thông qua sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong phum sóc. Từ đó tạo nên bản sắc riêng, đời sống thêm phong phú nhiều mặt và luôn luôn phát triển, tiến bộ trên mỗi bước đường ở phía tương lai.

Đào Thái Sơn/Báo Giác Ngộ