Tìm hiểu về Hà Nội đầu thế kỷ qua tài liệu lưu trữ

Các diễn giả trong buổi ra mắt sách.

Buổi ra mắt sách có sự tham gia của nhà giáo Vũ Thế Khôi, nhà sử học Dương Trung Quốc và tác giả, TS Đào Thị Diến, cũng là cuộc trò chuyện của những người yêu Hà Nội và muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội.

Cuốn sách là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự thay đổi của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Xem thêm: Báo Pháp Luật TP.HCM khánh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh 3D

Với sự kiện mở đầu là hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882 và kết thúc là sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội năm 1945 của chính quyền thực dân Pháp, cuốn sách được chia làm hai phần chính nhằm giúp độc giả dễ dàng theo dõi được mạch nội dung của sách.

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)”. (Ảnh: Nhã Nam)

Phần I gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.

Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu Nhượng địa thành một “thành phố Pháp” (ville française), một “Paris thu nhỏ” (petit Paris) của chính quyền thực dân. Về thực chất, quá trình biến đổi này diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, sau khi Hội đồng Thành phố Hà Nội được thành lập. Để có một cái nhìn lớp lang và cụ thể, 35 bài viết này được chia làm 8 mục nhỏ: 1. Khu nhượng địa; 2. Địa giới và tổ chức hành chính thành phố; 3. Giao thông; 4. Phố và đặt tên phố; 5. Văn hóa – Xã hội; 6. Giáo dục; 7. Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử; 8. Xây dựng và mở rộng thành phố.

Ngoài 40 bài viết trên, cuốn sách còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954”.

Tác giả Đào Thị Diến ký tặng sách độc giả.

Xem thêm: Các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Đinh La Thăng không được đặc xá năm 2024

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi cho biết, cuốn sách đã đem đến cho ông những nhận thức mới về người Pháp thời kỳ đó, và giúp ông hiểu về Hà Nội nhiều hơn. Một trong những câu chuyện trong sách gây ấn tượng với ông là việc chính người Pháp phản đối việc làm con đê chống lụt ngăn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, giữ lại cảnh quan và con đường Thanh Niên như chúng ta thấy ngày nay.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, GS, NGND Vũ Dương Ninh, người thầy đáng kính của nhà nghiên cứu Đào Thị Diến khi còn học chuyên ngành Lịch sử thế giới tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đưa ra nhiều ý kiến về cuốn sách.

GS, NGND Vũ Dương Ninh cho rằng, TS Đào Thị Diến đã tìm cho mình một lối riêng bằng việc đi sâu, làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội. Trong công trình này, tác giả đã khai thác trên bình diện rộng và phân tích theo chiều sâu các nguồn tài liệu lưu trữ thời Pháp thuộc, nhờ vậy người đọc ngày nay có thể hình dung được sự hình thành một thành phố “xứ bảo hộ” dưới quyền cai trị của người Pháp.

GS Vũ Dương Ninh cho rằng, cuốn sách không chỉ cung cấp những tư liệu, số liệu thông qua các tài liệu lưu trữ, mà còn có cả những thông tin về vai trò của chính quyền thực dân đối với Hà Nội thời điểm đầu thế kỷ. Ông đưa ra thí dụ về phương pháp quản lý hành chính của người Pháp hồi đầu thế kỷ được nêu trong sách: “Có tới 2-3 lần họ đưa ra công văn sửa đi sửa lại về độ dài một đoạn phố”. Và ông nhận xét: “Tác giả có sự so sánh, tìm tòi từ những tư liệu gốc để đưa ra thông tin”.

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cuốn sách đã đi vào từng chi tiết của cuộc sống, liệt kê từng con đường, con phố. Theo ông, hiện tại số lượng sách được tiếp cận với tài liệu lưu trữ không nhiều, vì thế, đối với ông, cuốn sách này là một trong những cuốn sách đặc biệt ý nghĩa. Ý nghĩa hơn nữa khi nó được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Chia sẻ về cuốn sách, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến cho biết, “Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” được tuyển chọn từ các báo cáo khoa học và các bài viết về Hà Nội của bà đã đăng trên các báo, tạp chí và trên trang web của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Những thông tin trong cuốn sách được bà khai thác từ nhiều nguồn lưu trữ khác nhau, trong thời gian làm việc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, với bề dày nghiên cứu lịch sử và vốn tiếng Pháp.

Hồ Gươm đầu thế kỷ 20, ảnh màu trên kính của Leon Busy.

Với cuốn sách, TS Đào Thị Diến không diễn giải, không định hướng hay đưa ra những kết luận, đánh giá, mà nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại qua các tài liệu lưu trữ, từ đó mong muốn giới thiệu và truyền tải những thông tin ấy đến độc giả yêu mến Hà Nội và muốn tìm hiểu về Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến kể, là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía bắc thành Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản thủ đô (1954), tuổi thơ của bà trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn vẹn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp…, con đường dẫn tới trường Chu Văn An thân yêu đã học trong những năm cấp II rồi cấp III sau khi đi sơ tán trở về.

“Với tôi, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế, rồi vườn hoa Cửa Nam… đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ. Xin được gửi gắm trong cuốn sách này tình yêu sâu đậm với Hà Nội tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như tôi” – nhà nghiên cứu nói.

LINH KHÁNH