Thương tiếc nhà báo Trần Lộc - người đàn anh trân quý

Thật may mắn khi được về công tác tại Báo SGGP những năm 1996, em được gần gũi làm việc với anh và các anh chị lúc đó - những người chúng em rất đỗi tôn kính. Nhờ được sống làm việc trong tình yêu thương dìu dắt của các anh, các chị mà lứa của chúng em mới được như ngày hôm nay.

Những ngày chân ướt chân ráo về SGGP, để hoàn tất thủ tục, tôi thường lên Phòng Tổ chức và đi ngang qua văn phòng. Ở đây tôi được gặp anh. Thời đó bậc “cha chú trưởng phòng” như anh, chúng tôi luôn coi là những “tượng đài”. Ấy vậy mà nghe tiếng tôi “trọ trẹ quê choa”, anh vồn vã thân tình làm tôi bớt sự khép nép.

Thế rồi, qua thời gian, công việc, tình cảm anh em ngày càng thân thiết chan hòa. Thỉnh thoảng anh lại gọi tôi lên để tâm sự - nói là tâm sự nhưng chủ yếu là “giáo huấn”. Đối với một “chiến binh” mới như tôi thì những thông tin, kỹ năng sống và làm nghề báo được anh truyền đạt là vô cùng quý giá. Cũng từ đó, tôi gọi anh là anh Ba - theo cách anh em trong SGGP thường gọi.

Xem thêm: 1 loại trái cây vừa tiện, vừa rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc: Khi mua, hãy thận trọng 3 việc

Nhà báo Trần Lộc trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM

Một năm sau (1997), tôi lại may mắn được làm lính trực tiếp của anh khi anh về làm Thư ký tòa soạn. Giai đoạn này, tòa soạn có 3 biên tập viên nam: anh Tấn Phong, anh Huỳnh Bình và tôi. Ba biên tập viên có may mắn được sát cánh với anh trong những ca trực xuất bản đêm. Thời đó, hình như sức khỏe anh đã có phần yếu đi - cũng đúng thôi, cả một đời làm báo ngược xuôi lăn lộn sao sức khỏe không suy giảm được.

Xem thêm: NSƯT Trần Tuấn Lin hóa thân 'anh Ba' trong vở đại nhạc kịch hoành tráng ngoài trời

Nhiều ca xuất bản đến 2 giờ sáng còn chờ tin, mệt quá anh ngả lưng tạm nơi ghế bố của phòng fax (thời đó báo còn thu nhận bài bằng fax). Đang mệt mỏi là thế nhưng khi thấy tin bài về là anh bật dậy lao vào công việc. Nhìn bàn tay anh hoạt bát thao tác trên bản thảo tôi ước: Bao giờ mình làm được như thế…

Tôi còn nhớ cái đêm 31-3-1998, khi tan ca xuất bản, đóng máy khoảng 2 giờ 30 phút, tôi phóng xe về Thủ Đức. Vừa qua cầu Sài Gòn, tôi nghe điện thoại, lật đật dừng xe (thời đó phóng viên, biên tập viên SGGP vừa được cấp điện thoại di động). Tiếng anh Ba Lộc trong điện thoại: Em đâu rồi? (anh tưởng tôi ở lại cơ quan). Tôi thưa với anh đã về đến cầu Sài Gòn.

Anh bảo: Bạn đọc vừa báo tin sập cầu Bình Điền. Nhưng em về đến đó thì cứ về đi để anh làm cho. Tôi bảo, không sao em sẽ quay lại. Anh bảo không cần thiết, anh làm luôn cũng được. Tối đó tôi cứ chập chờn không sao ngủ nổi. Tôi nghĩ về tấm lòng, tình thương của anh dành cho đàn em. Sáng hôm sau, cầm tờ báo tôi cứ áy náy vì cảm thấy có gì đó như có lỗi với anh và cảm thấy ân hận vì biết đêm đó anh rời tòa soạn lúc 5 giờ sáng.

Gần 21 năm qua, từ khi anh nghỉ hưu (năm 2003), ngoài những lần gặp gỡ tay bắt mặt mừng, anh vẫn thường xuyên điện thoại hỏi han và chỉ bảo cho tôi. Anh thực sự là nguồn cổ vũ động viên để tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn. Tình cảm ấy - luôn khắc ghi trong trái tim tôi!

Anh Ba ơi! Giờ này ngồi ở tòa soạn để viết những dòng kỷ niệm về anh mà nước mắt em tự dưng cứ trào ra. Em trân quý thế hệ làm báo các anh quá. Các anh quá nhiều thiệt thòi. Sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, thế hệ các anh đã hiến dâng cả thanh xuân cho cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước.

Đất nước hát khúc khải hoàn, trong điều kiện còn nhiều khó khăn vất vả nhưng vẫn miệt mài với nghiệp bút nghiên phụng sự Tổ quốc. Về nghỉ hưu vẫn đau đáu dõi theo sự phát triển và quan tâm thế hệ em út.

Trước giờ phút ly biệt này, đau đớn tiễn đưa anh bằng những dòng kỷ niệm - những ký ức đứt quãng. Cầu mong anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Em và các đồng nghiệp luôn kính trọng và tự hào về anh - anh Trần Lộc ạ.

HỒNG LAM