Thương nhớ những tên đường

(KTSG) – Sài Gòn – TPHCM, thành phố của những hối hả, xô bồ, nhưng cũng là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của những ai đã từng sinh sống và đi qua. Với tôi, Sài Gòn là nơi mà mỗi con đường không chỉ là lối đi, mà còn là trang ký ức chứa đựng những cảm xúc riêng biệt, là dấu chân của những câu chuyện. Những con đường ấy, có tên gọi thân quen, đôi khi là chính cái tên gợi nhắc về một phần lịch sử và văn hóa của thành phố này.

Hồ Con Rùa. Ảnh- Trung tâm Xúc Tiến Du lịch TPHCM

Những cái tên đường ở Sài Gòn nhiều lúc tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng cả một câu chuyện dài về quá khứ. Đường Nguyễn Huệ, từng là Đại lộ Charner dưới thời Pháp, giờ đã trở thành một trong những trục đường hiện đại và sầm uất nhất của thành phố. Hình ảnh phố đi bộ đông đúc, rực rỡ đèn hoa mỗi dịp Tết đến hay những buổi tối cuối tuần, lấp lánh ánh sáng và tiếng cười. Đường Đồng Khởi, tên cũ là Rue Catinat, là con đường lưu giữ trong mình nhiều lịch sử của Sài Gòn. Hơn một thế kỷ trước, nơi đây là biểu tượng của sự phồn hoa đô hội, nơi của các quý tộc, quan lại Pháp.

Xem thêm: Củng cố thế trận lòng dân khu vực biên giới

Xem thêm: Sử dụng Flycam tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi

Giờ đây, Đồng Khởi đã trở thành biểu tượng của nhịp sống hiện đại, nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất nét trầm mặc, cổ điển của một thời. Mỗi lần dạo bước trên con đường này, tôi không thể không ngoái nhìn thêm một lần những tiệm cà phê cũ, những cửa hàng thời trang cao cấp, và nghe tiếng đàn du dương vọng ra từ các nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Những con đường khác như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng là những con đường mà tôi luôn dành tình cảm đặc biệt. Đường Lê Lợi, nơi từng là trục chính dẫn vào khu chợ Bến Thành, biểu tượng của Sài Gòn. Cái tên Bến Thành đã gắn liền với hình ảnh của sự phát triển và giao thương sầm uất của miền Nam Việt Nam, và cũng là nơi lưu giữ những ký ức buồn vui của người dân nơi đây qua bao biến cố lịch sử. Đường Hai Bà Trưng, nghe cái tên thôi đã khiến mọi người nhớ về hai nữ anh hùng của dân tộc, phất cờ đánh giặc ngoại xâm.

Sài Gòn còn có những con đường mang tên các nhà văn, nhà thơ, những danh nhân, võ tướng Việt Nam như đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Ngô Gia Tự… đó là những con đường mà mỗi khi nhắc đến, tôi như thấy cả một dòng lịch sử đang chảy trong tâm hồn mình. Sài Gòn còn có những tên đường đã trở thành ký ức của một số người, của những buổi chiều tan học, hay những lần lang thang cùng bạn bè ở quán chè đường Kỳ Đồng, các tiệm sách cũ đường Trần Huy Liệu, các quán ăn vặt ở đường Phạm Ngọc Thạch – Hồ Con Rùa.

Còn có con đường gắn liền với những sự kiện đặc biệt trong đời với những buổi chiều hẹn hò cùng ai đó, hay cùng bạn bè ngồi dưới hiên quán nước, nhìn ngắm dòng người qua lại, chia sẻ những câu chuyện không đầu không cuối… Có lẽ, với nhiều người, cái tên của một con đường chỉ đơn thuần là chỉ dẫn, là nơi để định vị và tìm đến. Nhưng với tôi, mỗi cái tên đường ở Sài Gòn còn là dấu ấn của một phần cuộc sống, một phần tâm hồn. Dù có đi xa, dù có trở về hay không, những tên đường ấy sẽ mãi nằm trong trái tim tôi, như một phần ký ức không thể phai mờ. Thương nhớ Sài Gòn, thương nhớ những con đường đã in dấu bước chân mình, những cái tên đã cùng tôi trải qua bao mùa mưa nắng, bao thăng trầm của cuộc sống.

Nguyễn Văn Nhật Thành