Thu miền đất Tổ

Thu Hà Nội như một phép màu hô biến những tâm hồn dù cằn cỗi tới mấy cũng hóa thành thi sĩ trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó. Và mùa thu diệu kỳ ấy đã khiến tôi dẫu rời xa rồi nhưng còn nặng lòng vương vấn.

Nơi ở mới, công việc mới, sống cùng những thành viên mới trong gia đình nhà chồng đã khiến tôi chỉ ước lòng mình được nhẹ nhàng như những chiếc lá vàng rơi nghiêng trên con phố Hà Nội thu.

Ảnh minh họa.

Xem thêm: Tình người sau cơn bão và những tấm lòng 'lá lành đùm lá rách'

Cảm xúc là thứ khó che giấu. Chưa một lần tôi nói ra miệng chữ buồn hay chán nhưng mẹ chồng và chồng tôi dường như hiểu rõ lòng tôi. Một chiều đầu thu lúc mặt trời dần buông, mẹ rủ vợ chồng tôi ra Bạch Hạc - nơi ngã ba sông Thao, sông Lô, sông Đà. Bà kể về tục đóng thuyền, tục cúng Hà Bá, tục lấy nước thiêng nơi hợp lưu ba dòng sông của người dân vùng này. Ba mẹ con ngồi trong chiếc lán lá cọ, uống chén trà trung du tiền chát hậu ngọt. Câu chuyện trong mưa đi từ Đông sang Tây, từ hạ sang thu rồi bất chợt, sau một nốt trầm, mẹ kể câu chuyện mẹ rất hiểu cảnh làm dâu xứ người. Nhưng trước lạ sau quen, mọi thứ rồi sẽ ổn cả. Tôi chìm đắm vào từng lời của mẹ. Tôi hít vào lồng ngực căng tràn mùi của sông nước, đất đai, cây cỏ. Tình yêu mùa thu đất Tổ trong tôi như một mầm non rẽ đất, đội vỏ hạt nhú lên kể từ thời khắc đó.

Xem thêm: Nhà văn Tống Phước Bảo đoạt giải nhất cuộc thi 'Chuyện của những dòng sông'

Mỗi sớm thu, mở cửa nhà là tôi gặp các bà, các mẹ dắt xe đạp chở đầy nong rau xanh mướt mắt đi bán rong. Người thì dăm bảy mớ rau cải, người mươi quả mướp, người chỉ vài ba thứ quả vườn nhà. Đường đi làm qua Đại Lộ Hùng Vương nồng nàn hoa sữa.

Ảnh minh họa.

Bữa sáng với bánh sắn, bánh tai hay phở cuốn - đặc sản Phú Thọ - dần quen thuộc với tôi hơn là bánh mì, bánh bao. Những dòng người đi thong thả trên đường thông thoáng không chút vội vàng. Mỗi lần dừng chờ tàu qua, người lạ người quen đứng cạnh nhau lại chào hỏi như thân quen từ lâu lắm. Công viên Văn Lang mỗi chiều tấp nập những cánh diều no gió chấp chới bay ngang ánh hoàng hôn. Tôi và chồng vẫn giữ thói quen đi dạo quanh hồ, thi thoảng thưởng thức món bún cọ tiến vua có sợi bún tinh chế từ thịt quả cọ thơm, bùi, béo ngậy. Cọ trong trang sách thuở ấu thơ chỉ là cọ xòe ô che nắng, giờ đây là đặc sản vùng đất trung du Phú Thọ, dân dã mà dễ gây nhớ gây thương, là thứ cây mà tôi có thể bắt gặp ở bất cứ huyện thị nào trên mảnh đất trung du này.

Chiều thu hôm nay, hai vợ chồng tôi đi chợ chuẩn bị đồ nấu cơm chiều. Từ ngày về tỉnh, cuộc sống chậm rãi hơn, hai vợ chồng có nhiều thời gian bên nhau hơn. Quen dần nhịp sống mới, yêu dần mùa thu đất Tổ, tôi không còn ủ dột như trời hạ sắp kéo cơn dông. Đang nhẹ bước, bỗng chồng tôi dừng lại trước một chiếc xe đạp trang trí đầy hoa dựng bên vỉa hè của một tiệm ảnh, cạnh đó là một bàn trà với những tấm lá sen gói cốm xào, cốm luộc. Rất nhiều người xếp hàng chờ chụp ảnh. Tôi mất 3 giây tư lự nhìn tấm biển chủ tiệm treo ở ghi đông xe: Mùa thu Hà Nội. Chồng tôi bảo, có nhớ mùa thu Hà Nội không, xuống làm pô ảnh? Tôi mỉm cười lắc đầu: Đang ở Phú Thọ mà, đi chụp ảnh mùa thu Phú Thọ thì đi!.

Bữa cơm tối, ba mẹ con tôi trải chiếu trên sân thượng, ăn thịt chua, rau sắn. Gió thu mát lành, se lạnh chẳng cần tới quạt điện. Những câu chuyện của mẹ chồng tôi lại tiếp tục không hồi kết. Tiếng còi xe của thành phố Việt Trì càng về muộn càng bị tiếng dế, tiếng trẻ con chơi trốn tìm ở mỗi ngõ ngách át đi.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong bài Sang thu, có câu: "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi" ngụ ý nói về sự chiêm nghiệm và trưởng thành của mỗi con người khi tới một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Và mùa thu trên miền đất Tổ của tôi năm nay cũng là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành trong tâm hồn của chính tôi. Mở lòng ra để đón nhận những điều mới mẻ, ta sẽ luôn tận hưởng được niềm vui mà trước nay chưa từng có.

Lưu Hường