Thầy giáo tạo 'vòng đời mới' cho chai lọ bỏ đi

Anh Khôi hướng dẫn học trò vẽ tranh trên vật liệu tái chế.

Tái chế là tái sinh

Trong căn gác nhỏ rộng chừng 10m2 của anh Khôi, chúng tôi được thả hồn vào không gian nghệ thuật đầy màu sắc do anh tự sáng tạo và bài trí. Khác với những phòng tranh bình thường, chất liệu để anh Khôi vẽ tranh là chai lọ thủy tinh và sỏi, những thứ tưởng chừng chỉ bắt gặp ở bãi rác hoặc bãi phế liệu ngoài đường.

Xem thêm: Tối nay (28/9), trao Giải báo chí về phát triển văn hóa Hà Nội năm 2024

Anh Khôi có dáng vẻ thư sinh, hiền lành và một tâm hồn nghệ sĩ ngay từ khi còn nhỏ. Anh kể rằng, vào năm 2019 trong một lần anh đi trên đê sông Hồng bỗng thấy một bãi chai lọ bị vứt trên mặt cỏ. Anh trộm nghĩ rằng nếu chẳng may trẻ em chăn trâu hoặc ai đó không may giẫm phải thì rất nguy hiểm.

Ban đầu, anh Khôi chỉ có ý định dọn dẹp đống chai lọ đó vào bãi rác. Tuy nhiên khi ngắm nhìn kỹ chúng anh thấy đó đều là những chai lọ còn lành lặn, trông rất đẹp. “Chắc chắn nhà sản xuất cũng đã kỳ công để thiết kê ra những mẫu chai lọ này. Vì thế tôi nghĩ rằng nếu vứt đi sẽ rất phí phạm, tôi nảy ra ý tưởng sẽ vẽ tranh lên bề mặt chai và tôi đã mang tất cả chúng về nhà” - anh Khôi tâm sự.

Anh Khôi và bạn bè trong không gian trưng bày tranh trên sỏi.

Vốn có kỹ năng vẽ tranh nhưng chưa bao giờ anh Khôi thử sức vẽ tranh trên chai lọ nên anh phải lên mạng tìm hiểu thêm về cách vẽ. Quả thực, vẽ tranh trên chai lọ không hề dễ như vẽ trên tờ giấy. Anh Khôi phải học cách quét sơn lót lên chai để bề mặt bám mực vẽ sau đó mới vẽ. Khi vẽ phải có bố cục phù hợp với hình dạng của chai, tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh mang giá trị nghệ thuật.

Sau bao nhiêu ngày đêm tìm tòi, cuối cùng anh Khôi cũng hoàn thành tác phẩm tranh vẽ trên chai lọ đầu tiên. Anh tiếp tục nghiên cứu thêm một chất liệu khác là những viên sỏi. Với loại vật liệu này, phải vẽ nhiều lần sơn mới ăn màu nhưng anh Khôi vẫn kiên trì trên từng đường vẽ và dần tạo ra những viên sỏi mang một giá trị thẩm mỹ khác biệt. Quy trình để vẽ một bức tranh trên những chất liệu đặc biệt này là: phủ sơn lót trắng, phác hình, vẽ, chờ khô và phủ bóng bảo vệ.

Các chủ đề anh Khôi lựa chọn vẽ lên chai lọ, sỏi là quê hương, cảnh vật, phong cảnh thiên nhiên và cô gái Việt Nam. Anh bảo mỗi bức tranh được vẽ ra là đã tạo ra một vòng đời khác cho chiếc chai thay vì chúng bị bỏ đi trong thùng rác. Để vẽ một bức tranh, tùy thuộc vào độ khó trung bình có thể mất 1 - 2 ngày, có bức vẽ phải mất tới 5 ngày anh Khôi mới hoàn thiện.

Những chiếc chai lọ thủy tinh bỏ đi đã được tái sinh cuộc đời mới.Lan tỏa tình yêu với môi trường

Xem thêm: Đường phố Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỉ niệm 70 năm giải phóng thủ đô

Là một giáo viên Mỹ thuật yêu trẻ, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa anh Khôi thường lồng ghép những câu chuyện về tái chế rác thải trong giờ học và khiến học sinh rất hứng thú. “Các em có thể vẽ trên các chất liệu đơn giản hơn như vỏ hộp sữa, bìa các-tông và tạo ra những tấm thiệp rất đẹp tặng bố mẹ hay tạo thành những hộp bút xinh xắn bày trên bàn học tập của mình” - anh Khôi cho hay.

Đến khi mùa Hè tới, anh Khôi nảy ra ý tưởng mở những lớp dạy vẽ tranh miễn phí trên chất liệu chai lọ thủy tinh và sỏi cho học trò. Anh cho học trò đi trải nghiệm không gian nghệ thuật của riêng mình, tỉ mỉ hướng dẫn các em vệ sinh chai lọ, vẽ các lớp sơn và cách giữ màu sơn được lâu dài, bền đẹp.

Mỗi tác phẩm các con đều vẽ bằng tình cảm trong sáng và sự cảm nhận trực quan về thế giới xung quanh. Chất liệu anh Khôi sử dụng để vẽ tranh là sơn acrylic không mùi, không hóa chất và thân thiện với môi trường cũng như người sử dụng.

Em Nguyễn Tú Anh - học sinh Trường Tiểu học Tô Hiệu chia sẻ: Con rất thích đến nhà thầy Khôi để học vẽ. Con thấy vẽ trên lọ chai khó hơn vẽ trên sỏi, ở nhà con nếu thấy lọ chai bỏ đi con sẽ mang đến cho thầy Khôi để thầy vẽ lên đó những bức tranh thật đẹp. Con rất thích vẽ và con muốn sau này trở thành cô giáo dạy Mỹ thuật giống như thầy Khôi.

: Không gian trưng bày ngoài trời tranh trên chai lọ thủy tinh của anh Khôi.

“Tôi muốn truyền đam mê tái chế cũng như vẽ tranh cho các em nhỏ trong dịp hè, điều này sẽ giúp các em hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử và tạo ra một sân chơi lành mạnh, ý nghĩa. Đồng thời, dần dần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay từ nhỏ” - anh Khôi tâm sự.

Để có nguồn chai vẽ anh Khôi đã cất công đi xin những chai lọ bỏ đi của người dân trong làng, vệ sinh sạch sẽ chai và trở thành nguồn nguyên liệu tái chế. Anh còn cầm bao tải và tự bắt xe buýt đi lên khu vực Cổ Nhuế, Tây Mỗ để xin chai lọ, mỗi lần trông anh như vậy người ta tưởng anh đã đổi nghề sang thu mua ve chai.

Bố mẹ anh cũng thường hay bảo anh Khôi như người đi thu mua đồng nát vì anh hay mang bao tải đi xin chai lọ khắp làng. Người ta thì bỏ rác đi không được, còn anh Khôi cứ nhặt mang về chất đầy một đống. Từ khi vẽ tranh trên chai lọ thủy tinh, sỏi anh Khôi đã vẽ được hơn 100 tác phẩm và đã tặng cho bạn bè, đồng nghiệp trang trí trong góc làm việc.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Khôi cho biết, hằng ngày anh đều thức dậy sớm và vẽ tranh trước khi đi làm, tối về anh cũng vẽ đến đêm muộn như một thói quen hằng ngày. “Tôi sẽ nghiên cứu để vẽ tranh trên một số chất liệu khác, đặc biệt là túi nilon cũng như đa dạng hơn đề tài tranh” - anh Khôi nói.

“Hạnh phúc nhất của tôi là được trải nghiệm đam mê của mình về bảo vệ môi trường và mang lại những tác phẩm nghệ thuật cho công chúng, gia tăng thêm giá trị nghệ thuật cho những thứ tưởng chừng đã hết công năng sử dụng” - anh Khôi tâm sự.

Anh Khôi là một giáo viên trẻ môn Mỹ thuật có chuyên môn rất tốt. Anh Khôi rất đam mê với hình thức vẽ tranh trên sỏi và chai lọ thủy tinh tuy nhiều lần thất bại nhưng anh đã kiên trì để tạo ra những tác phẩm ý nghĩa. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm, tôi đã bị hút hồn và muốn tìm hiểu. Khôi đã tặng tôi một vài bức tranh để trang trí trong phòng, qua đó tôi cũng được truyền cảm hứng về vật liệu tái chế và tình yêu môi trường” - chị Bùi Thị Mai, Thường Tín, Hà Nội

Nguyễn Duy Khánh - Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội