Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ'

Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20, Bộ Tham mưu Quân khu 1, đến thăm, tặng quà gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh, vợ Liệt sĩ Bùi Văn Kim.

Một năm sau, vợ của Liệt sĩ Kim được tuyển dụng vào Quân đội. Khi đó, tôi rất muốn viết về người vợ trẻ, song đã đợi đúng 5 năm tròn mới tìm gặp, để mong thời gian sẽ xoa dịu, làm vơi bớt nỗi đau của người ở lại. Đến hiện tại, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thị Sinh, nhân viên văn hóa thuộc Tiểu đoàn Đặc công 20, đã vững vàng trước mọi sóng gió, luôn tự hào về người chồng đã ngã xuống giữa thời bình và tiếp tục thay chồng khoác áo “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của Liệt sĩ Bùi Văn Kim ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), đón chúng tôi bằng một cơn mưa rào mùa Hạ. 5 năm về trước, cũng trong một cơn mưa tầm tã “tháng Ngâu”, Sinh ngã gục khi thấy chồng được đồng đội đưa về theo cách đặc biệt nhất, nước mắt hòa cùng nước mưa, từng giọt tan vỡ, nức nở. Vậy là vừa tròn 28 xuân xanh, Sinh góa bụa cùng hai đứa con côi cút, con trai lớn mới lên bốn và con gái tuổi rưỡi đang bập bẹ tập nói.

Xem thêm: Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: công phu, ấn tượng và rực rỡ sắc màu

Thời điểm ấy, Sinh chưa có việc làm, “một nách hai con” nên chỉ ở nhà quanh quẩn cơm nước, thỉnh thoảng phụ bố mẹ bán hàng. Một suất lương của anh Kim chia làm đôi, vừa lo cho gia đình 4 người, vừa hỗ trợ bố mẹ đẻ quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) thường xuyên đau ốm. "Giật gấu vá vai", thiếu trước hụt sau, hai vợ chồng luôn động viên nhau cùng cố gắng. Song niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, sang nhà mới được chừng hai tháng thì anh Kim hy sinh. Hai năm yêu, bốn năm tình nghĩa vợ chồng, Kim ra đi mang theo bao lo toan, trăn trở, ở lại là nỗi đau thương, mất mát của người vợ trẻ, con thơ và bố mẹ hai bên nội, ngoại không gì bù đắp nổi.

Nhớ lại thời khắc ấy, Trung tá Lý Văn Lợi, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 20, chia sẻ: Thời gian đầu, hai đứa trẻ nhớ bố khóc nhiều, vợ Kim chịu cú sốc lớn liên tiếp, bởi sau đó một thời gian bố đẻ qua đời. Vậy nên anh em không ai bảo ai thay nhau hỗ trợ, giúp đồng đội mình làm nốt những việc còn dang dở từ hỗ trợ Sinh dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, đến chăm sóc con cái, bố mẹ hai bên. Nhất là cậu con trai lớn Bùi Bảo Quốc (sinh năm 2015) của Kim đã trở thành con chung của cả đơn vị. Ngày qua ngày, cán bộ, chiến sĩ đơn vị từng bước cùng gia đình vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

“Vẫn nhớ, anh Kim mất được gần tháng thì đến Tết Trung thu, nhìn ánh mắt háo hức mong chờ quà của Quốc mà chúng tôi nghẹn lòng. Vì thế mà 5 năm qua, Trung thu nào đơn vị cũng chuẩn bị quà cho cả hai anh em và đón cu cậu đi chơi” - anh Lợi bùi ngùi nói.

Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20, Bộ Tham mưu Quân khu 1, cùng gia đình quan tâm, chăm sóc các con của Liệt sĩ Bùi Văn Kim.

Hơn một năm sau, tháng 9-2020, Sinh thay chồng tiếp tục khoác áo “Bộ đội Cụ Hồ”, khi được Bộ Quốc phòng tuyển dụng về công tác tại chính đơn vị của chồng. Sinh chia sẻ: Lúc đầu em cũng bối rối khi bước vào môi trường quân đội mang tính đặc thù, công việc chưa thạo, tất cả đều bỡ ngỡ... song em may mắn được các Đảng ủy, chỉ huy và các anh, chị trong Tiểu đoàn 20 quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo tận tình về mọi mặt.

Ngày ngày làm việc bên đồng đội của chồng, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Sinh thấy mình được an ủi phần nào, dường như có bóng dáng người chồng thân yêu luôn dõi theo, che chở. Thỉnh thoảng, ngang qua khu nhà công vụ nơi chứng kiến bao kỷ niệm của hai vợ chồng, Sinh vẫn thoáng buồn nhưng cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 20, cho biết: Trong quá trình công tác, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, công việc và động viên tinh thần. Thời gian đầu tuy gặp một số khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng đội và quyết tâm, thích ứng nhanh của bản thân đã giúp đồng chí Sinh sớm thành thạo công việc, quen dần với tác phong, nếp sống, sinh hoạt trong quân ngũ. Giờ đây, Sinh đã trở thành một nữ quân nhân "giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Tôi tạm biệt Sinh bằng một cái ôm thật chặt, nghẹn ngào lau nước mắt, còn em kìm lại nỗi đau, mắt đỏ hoe giấu những giọt long lanh vào lòng. Dẫu phải chịu bao mất mát, hy sinh, tổn thương tinh thần, nhưng thẳm sâu trong ánh nhìn của Sinh toát lên một ý chí kiên định, nghị lực phi thường.

Xem thêm: Huyện Thạch Thất dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ

Sinh bộc bạch: Em xác định sẽ bước tiếp con đường mà chồng em lựa chọn, trong hành trình này em cần phải vững vàng, cứng cỏi để nuôi dạy các con nên người, nhất là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phụ sự quan tâm của đơn vị và sự hy sinh của anh ấy.

Rời nhà Sinh sau cơn mưa nặng hạt, đất trời vừa âm u sầm sì nay bắt đầu bừng sáng, từng tia nắng nhảy nhót xuyên qua vòm lá xuống bậc thềm nơi Sinh cùng hai con chơi đùa, có lẽ trên trời cao anh Kim cũng đang mỉm cười...