Thăng trầm nghề dệt đũi Nam Cao

Nghề dệt đũi thủ công có tuổi đời hơn 400 năm ở Thái Bình.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề dệt đũi ở Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) có thịnh, có suy, nhưng bao đời nay người dân nơi đây vẫn tâm huyết với nghề.

Độc đáo nghề dệt đũi thủ công

Xem thêm: Triển lãm tranh của họa sĩ nhí 3 tuổi

Là tỉnh nằm ở đồng bằng ven biển phía Nam vùng châu thổ sông Hồng, Thái Bình được biết đến không chỉ là “vựa lúa” của miền Bắc, mà còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay.

Dựa vào các tài liệu lịch sử được ghi chép lại thì ngay từ thế kỷ thứ nhất, nghề dệt đã xuất hiện ở Thái Bình, trước khi có các nghề rèn, đúc hay đan lát mây tre… Dệt đũi vốn là nghề truyền thống của làng Cao Bạt - một trong hai làng của Nam Cao.

Theo người dân nơi đây, nghề dệt đũi Nam Cao được hình thành từ hơn 400 năm trước. Lúc đầu vải đũi được dùng để may thành quần áo phục vụ nhu cầu của nhân dân và dùng trong các lễ hội. Sau này vải đũi đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Đến thời kỳ Pháp thuộc, vải đũi đã được xuất khẩu sang Pháp với số lượng lớn.

Đến những năm 80 của thế kỷ trước, đũi Nam Cao “nổi đình nổi đám”, mỗi năm tiêu thụ hàng triệu mét. Khi thị trường Đông Âu mất đi, đũi Nam Cao cũng theo đó trầm lắng xuống. Kinh tế phát triển, nhiều hộ chuyển làm nhiều nghề khác nhau, người trẻ làm trong doanh nghiệp, người già không còn làm nghề, chỉ có ít hộ duy trì dệt đũi.

Hơn 60 năm gắn bó với nghề truyền thống của làng, bà Nguyễn Thị Hòa (68 tuổi, xã Nam Cao) cho biết, đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ sự độc đáo. Đó là những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân.

Vải đũi Nam Cao có những đặc tính rất đặc biệt, trông có vẻ mộc, thô, dày nhưng thật ra rất mềm, thân thiện với da, vải thông thoáng, mặc mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông, nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô…

Để có được tấm vải đũi, theo bà Hòa người thợ phải thực hiện ít nhất 17 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Từ trồng dâu nuôi tằm, phải mất từ 22 - 25 ngày, tùy thuộc thời tiết, nắng, mưa, con tằm mới nhả tơ.

Rồi từ con tằm nhả tơ làm kén đến ươm tơ, lấy kén phải trải qua tám công đoạn mới ra được sợi đũi để dệt. Sau khi lấy kén, cho kén vào nồi luộc chín và ủ nồi kén trong trấu từ 4 - 6 giờ cho kén tơ nhừ rồi mới bỏ ra ngâm trong nước lạnh để kéo thành sợi đũi.

Để se được sợi đũi, người nghệ nhân phải ngâm kén đã chín trong chậu nước sạch. Công đoạn này phải kéo và se hoàn toàn bằng tay, một tay giữ kén, một tay kéo. Độ mảnh của sợi đũi sẽ tùy thuộc vào từng loại sản phẩm cần làm.

Sợi đũi sau khi kéo, được cuốn lại thành từng vun thì người ta vắt kiệt nước, cho vào guồng quay, sau đó mang đi phơi khô rồi đưa đi đánh ống, đánh suốt và cuối cùng là mang đi dệt. Trước khi sợi đũi mang đi dệt, người thợ còn mang đũi đi nấu thật kỹ cho sợi mềm và tơi, tránh bị đứt trong quá trình dệt.

Sau đó bó sợi đũi được mắc vào vầy và guồng. Sợi đũi được cuộn vào ống sợi theo hình hoa chuối từ đầu to tới đầu nhỏ, từ trên xuống dưới, sau đó lại được đánh thành từng cuộn nhỏ để cho vào con thoi dệt. Công đoạn tiếp theo là nối cửi hay còn gọi là khung cửi.

Công đoạn này được hiểu là nối sợi chỉ dọc vào khung cửi, đây là giai đoạn trung gian quan trọng nhất đòi hỏi người nối cửi phải có kinh nghiệm, chỉ cần một sai sót nhỏ khi nối cửi, khi dệt sẽ hỏng cả tấm đũi. Những hàng dệt được kiểm tra cẩn thận, đảm bảo độ thoáng mềm nhưng vẫn chắc chắn…

“Sợi đũi nó khác với tơ. Tơ nếu cần có thể mua được cả tạ, cả tấn, bao nhiêu cũng có nhưng sợi đũi đến làng này mua được năm chục cân chắc là khó. Cái sợi thủ công coi như đánh tay (kéo tay) là còn phải bất khuất (cự khổ) kéo không khéo nó còn rời ra từng nối một - đấy là sợi đũi.

Nói đến kéo đũi hay rút đũi, hiện nay chưa có máy móc nào thay thế được, vẫn làm hoàn toàn thủ công và cũng chỉ những người trong các thôn ở Nam Cao còn duy trì”, bà Hòa chia sẻ.

Khung cửi dệt đũi thủ công hoàn toàn bằng tay được ông Nguyễn Đình Đại phục dựng.

Xem thêm: Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản góp 333 triệu đồng hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi

Các công đoạn sản xuất vải đũi đều được làm thủ công.

Thăng trầm nghề truyền thống

Là cơ sở dệt đũi Nam Cao vẫn còn lưu giữ từ đời cha ông để lại, ông Nguyễn Đình Đại (69 tuổi, xã Nam Cao) chia sẻ: “Gắn bó với nghề từ trong bụng mẹ, nghe tiếng khung cửi đã thành âm thanh thay cho lời ru, hơn ai hết, tôi hiểu rõ những thăng trầm làng nghề dệt đũi Nam Cao những năm qua”.

Ông Đại kể: Khoảng những năm 1946, bố ông là nghệ nhân Nguyễn Đình Bân, người có công mang nghề và cải biên nghề từ khung cửi thủ công sang máy bán cơ khí. Điều này đã giúp làng nghề có sự chuyển biến mạnh mẽ và đem lại năng suất cao, đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc làng Nam Cao trở thành làng nghề dệt đũi chính thức.

Đến nay, làng nghề trải qua nhiều thăng trầm. Thời kỳ thịnh vượng phát triển nhất của làng nghề là giai đoạn từ năm 1995 - 2000, làng nghề phát triển mạnh mẽ thành vùng, lan ra các xã lân cận.

Riêng Nam Cao thời điểm đó có hơn 2.000 hộ đều dệt đũi và khăn tơ tằm. Mỗi hộ gia đình gần như là một xưởng sản xuất, có từ 3 - 5 chiếc máy dệt, tổng cả xã có khoảng gần 6.000 chiếc máy vận hành hết công suất. Sản phẩm dệt ra chủ yếu được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan.

Tuy nhiên, năm 2004 khi trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của các doanh nghiệp lụa tại đây, khiến cho đũi Nam Cao bị mất thị trường, làng nghề dệt đũi Nam Cao cũng dần đi xuống.

Rồi đỉnh điểm là những năm 2010, do nền kinh tế suy thoái, làng nghề rơi vào nốt trầm buồn tưởng chừng như không thể cứu vãn được, cả làng chỉ còn 3, 4 nhà còn làm nghề, các nghệ nhân gần như đã buông bỏ với nghề.

Ông Nguyễn Đình Đại kiểm tra chất lượng thành phẩm trước khi giao khách hàng.

Đũi Nam Cao có đặc điểm sờ mát tay, mềm mịn, khi dùng mùa Đông thì ấm, mùa Hè thì thoáng mát và không gây kích ứng da.

Đau đáu tìm lối giữ nghề xưa

Đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, những người yêu nghề, yêu quê hương như ông Đại ngày đêm trăn trở với suy nghĩ làm sao có thể bảo tồn và phát triển nghề dệt đũi tơ tằm thủ công tại địa phương? Làm thế nào để người dân ở đây có thể sống được bằng chính nghề dệt đũi truyền thống?

Với mong ước của một nghệ nhân hết lòng vì quê hương, ông Đại không chỉ mong bảo tồn được nghề đũi quê mình mà các sản phẩm của đũi Nam Cao tiếp tục bay cao, bay xa đến với bạn bè quốc tế.

Đau đáu thế nên dù ở cái tuổi được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu nhưng tình yêu nghề như ngấm vào máu thịt đã hối thúc ông Đại hàng ngày vẫn cùng gia đình và người dân trong làng tìm đầu ra cho vải đũi của quê mình. Ông Đại còn xuất ngoại, trực tiếp đi các nước để học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, để vải đũi Nam Cao hoàn thiện hơn.

Không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng, ông Đại phục dựng lại những khung cửi cổ, làm nên những tấm đũi bằng cách làm truyền thống và thô sơ nhất bởi đối tượng khách hàng ông hướng tới là những người thực sự có niềm đam mê, yêu thích với lụa đũi, sẵn sàng chi trả số tiền cao để được sử dụng các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên.

Ngay cả tạo màu cho sản phẩm cũng được ông sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có như lá bàng, củ nâu… Kết nối với hội những người yêu thích lụa đũi trong và ngoài nước, những khuôn đũi của ông “hữu xạ tự nhiên hương” cứ thế được khách hàng truyền tai nhau giới thiệu, tìm đến đặt hàng.

Ông Đại cho biết, hiện nay ngoài xưởng dệt nhà ông, trong làng vẫn còn 3 - 4 cơ sở sản xuất với khoảng hơn 100 người làm nghề rút sợi đũi, hơn 50 người làm nghề dệt.

Nói về những dự định sắp tới, ông Đại cho biết, đã trải qua những năm tháng tập trung làm cốt ra nhiều sản phẩm rồi, bây giờ phải chú trọng nắm bắt xu thế để hướng đi của mình bài bản hơn. Tức là mình phải tập hợp được nghệ nhân, những người đã được “sàng lọc” bởi thời gian, có tay nghề, kỹ thuật và đam mê với nghề. Đồng thời cũng phải đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để lớp con cháu tiếp nối và gìn giữ nghề truyền thống.

Tháng 11/2023, nghề dệt đũi tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã được Bộ VH,TT&DL cấp chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào đối với mảnh đất này, là dấu mốc quan trọng trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Đình Chiến