Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Hà Nội

Từ ngày 01 - 31/10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động "Biển đảo trong lòng đồng bào. Du khách có thể tham gia vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tộc. Từ đó thêm hiểu về những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống, đặc trưng, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống.

Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động như: Trình diễn,giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam”; Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu văn hóa, du lịch Quảng Ngãi; hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; Giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi...

Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tái hiện trong chương trình.

Xem thêm: Trao giải Cuộc thi 'Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và lan tỏa': 31 tác phẩm báo chí được vinh danh

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa - Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tháng 4 năm 2013 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn.

Họ thật sự là những anh hùng mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Hai, Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.

Xem thêm: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Óc Eo

Để chuẩn bị lễ khao lề, người ta làm 5 mô hình thuyền, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả. Trước khi tổ chức lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa.

Thanh Xuân