Sức vóc miền biên giới Hồng Ngự

Nông dân hối hả thu hoạch lúa trên tuyến Kênh Cũ, xã Thường Phước.

Trưa hè tháng 8, không khí nhộn nhịp thu hoạch lúa trên cánh đồng dọc theo tuyến Kênh Cũ, Ấp 3, xã Thường Phước 2 như làm giảm sự oi bức vùng biên giới huyện Hồng Ngự. Bên mẫu ruộng 1 ha, lão nông Phan Văn Thu, 74 tuổi, cười mãn nguyện vì giá lúa cao, lãi nhiều sau khi đối trừ các khoản chi phí.

Ông Thu trần tình: “Nhà tôi có 7 nhân khẩu, các con đã lớn, có gia đình riêng và đi làm ăn xa. Tôi còn sức khỏe nên ở lại chăm nom vườn ruộng”. Ông Thu kể thêm, vợ chồng ông về Hồng Ngự sinh sống từ trước giải phóng. Thời son trẻ, vợ chồng ông ở tận bên kia biên giới Campuchia. Khi vùng biên giới xảy ra chiến sự, vợ chồng ông đùm túm về Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) lập nghiệp. Nhiều năm không bám trụ được, mãi đến sau 1980, khi tuyến biên giới an toàn thì ông bà dời về Kênh Cũ gầy dựng sự nghiệp đến ngày nay.

Xem thêm: Bỏ phố về trồng cây 'mới lạ', anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 40 tỷ đồng/năm

Giờ nghĩ về thời chiến tranh loạn lạc, lúc cả vùng nghèo khó, mỗi năm ảnh hưởng của ngập úng do lũ... và những đổi thay mà những người lớn tuổi như vợ chồng ông Thu không nỡ rời xa Kênh Cũ. “Hồi đó vùng này chỉ có đường mòn, nay thì có đê cao, đường ô tô thông thoáng, điện lưới đầy đủ. Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng tôi vẫn canh tác lúa, làm nông dân thời nay nhàn lắm, vì cơ giới, máy móc thay thế sức người hết. Chú thấy đó, dưới sông thì thương lái đưa ghe tải trọng lớn vào tận bờ đê thu mua, trên đồng thì máy gặt, máy chuyên chở lúa, nhân công bốc vác rôm rả”, bà Huỳnh Thị Yên, 69 tuổi, vợ ông Thu, sang sảng kể.

Phía bên kia Kênh Cũ, đối diện nhà ông Thu là cụm dân cư Nam Hang. Xưa kia, cụm dân cư này thuộc địa phận thị trấn Thường Thới Tiền, từ năm 2019, được sáp nhập về Ấp 3, xã Thường Phước 2. Cũng như tuyến Kênh Cũ, phía cụm dân cư Nam Hang ngày nay không còn vắng lặng, nghèo khó. Giờ hạ tầng kết nối, điều kiện thiết chế văn hóa đảm bảo, cả 300 hộ dân với trên 1.000 khẩu ai cũng vui vầy. Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của UBND huyện Hồng Ngự, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 65 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; các xã nỗ lực giữ vững chỉ tiêu nông thôn mới và xã Thường Phước 2 là một trong những địa phương điển hình của huyện.

Bà Trương Thị Ngọc Nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thường Phước 2, cho biết: “Thực hiện các mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ vùng biên giới, những năm qua địa phương triển khai hiệu quả, trong đó nổi bật là hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, như làm cá khô, làm mắm, kinh doanh mua bán... Từ đó, những tuyến, cụm dân cư xưa kia người dân có cuộc sống khó khăn thì nay trở nên khấm khá. Họ thay đổi tư duy, cách làm và trở thành mắt xích quan trọng trong các phong trào, chương trình dân vận ở vùng biên giới”.

Nếu như người dân ở cụm dân cư Nam Hang tràn ngập niềm vui, không khí nhộn nhịp vụ mùa bên dòng Kênh Cũ minh chứng cho sự ấm no, sung túc, thì về thị trấn Thường Thới Tiền, trung tâm huyện Hồng Ngự càng nhân lên nhiều lần.

Xem thêm: Nóng 24h: Nhiều cựu lãnh đạo bị đề nghị truy tố trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'

Bà Giang Thị Kim Em, thị trấn Thường Thới Tiền, bày sạp khô ra bên lề đường chào bán cho du khách. Làn da sạm nắng ở tuổi ngoài 60, đôi tay gân guốc như “ngấm muối” bởi nghề cá khô. Bà Kim Em vui vẻ: “Vợ chồng tui làm nghề mua bán cá khô cả mười năm rồi. Ðây là món khô trứ danh ở Hồng Ngự".

Nhờ hỗ trợ vốn, gia đình bà Giang Kim Em khởi nghiệp hiệu quả với nghề bán cá khô

Bà Kim Em giải thích thêm: "Ðây là cá của vùng đất Hồng Ngự, ướp, phơi theo cách riêng nên vẫn giữ được vị ngọt của thịt cá, mềm dẻo và bảo quản lâu. Giờ mùa nước đang về, cá nhiều, giá đang hạ”. Nói đoạn, bà quay sang dùng kéo cắt tỉa những mẩu xương còn sót lại trên thịt cá để đóng gói, hút chân không cho khách hàng vận chuyển xa. Mỗi ngày như thế, bà Kim Em bán được vài chục ký, lãi vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài triệu đồng, nhờ vậy mà cuộc sống cũng khấm khá hơn.

Bà Kim Em là 1 trong 20 thành viên của Tổ hợp tác mua bán cá khô Thường Thới Tiền. Tham gia vào tổ hợp tác, mỗi hộ được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo chương trình hỗ trợ sinh kế khởi nghiệp. "Ðược vay tiền, có vốn, vợ chồng tôi mừng lắm. Mới hơn 1 năm nhưng giờ tôi có thể trả hết vốn, nhưng chưa tới đáo hạn nên tôi tiếp tục quay nguồn mua thêm nhiều cá nguyên liệu, mở rộng quy mô mua, bán”, bà Kim Em cho biết thêm.

Những nỗ lực vươn lên của lão nông Phạm Văn Thu, niềm vui từ trợ lực của bà Giang Thị Kim Em làm tôi sực nhớ, đầu năm 2022, anh Nguyễn Văn Linh, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Thường Thới Hậu A cũng được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không lãi suất từ Ban CHQS huyện Hồng Ngự. Anh tận dụng diện tích mặt nước ao có sẵn thả nuôi hơn 300 ngàn con cá tra giống. Anh nuôi từ 3-4 tháng xuất bán, trừ các khoản chi phí anh còn lãi hơn 30 triệu đồng.

Như để giải thích thêm, Trung tá Hồ Văn Giàu, Chính trị viên Ban CHQS huyện Hồng Ngự, thống kê: “Ban CHQS huyện nhiều năm qua triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ như: mô hình tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; mô hình vay vốn xoay vòng không tính lãi..., đã hỗ trợ cho dân quân và lực lượng dự bị động viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Không dừng lại, Ban CHQS huyện còn thành công bởi mô hình tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên trước khi nhập ngũ từ năm 2018, đến nay có trên 400 thanh niên được tặng sổ tiết kiệm (từ 5 đến 10 triệu đồng) với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng”.

15 năm huyện Hồng Ngự tái lập, cũng là khoảng thời gian Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Hồng Ngự không ngừng góp sức với quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày thêm ấm no, sung túc. Những nỗ lực cùng trợ lực từ cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang đã và đang phát huy hiệu quả nâng cao đời sống người dân vùng biên giới Hồng Ngự. Ðây thực sự là cầu nối vững chãi thể hiện ý Ðảng - lòng dân trong chinh phục nghèo khó vươn lên góp phần xây dựng quê hương biên viễn ngày thêm khởi sắc.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (địa bàn Quân khu 9) là địa bàn chiến lược, trọng điểm cực Nam của Tổ quốc, gồm 12 tỉnh, thành phố; có 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang và Ðồng Tháp, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, chiều dài đường biên giới hơn 197 km. Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới. Nhờ đó, thời gian qua kinh tế - xã hội khu vực biên giới có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, khu vực.

Phong Phú - Ngọc Hùng