Sức dân ở Bến Đền

Bỏ qua chuyện thiệt - hơn

Thôn Bến Đền chủ yếu là đồng bào công giáo cùng sinh sống. Thời gian qua, người dân đã chung sức, đoàn kết trong việc phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong việc đưa Bạch Xa “về đích” xã nông thôn mới. Qua lời giới thiệu của đồng chí Đinh Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Xa, chúng tôi tìm đến thôn Bến Đền để “mục sở thị" những đổi thay nơi đây và hiểu rõ hơn về cách họ thực hiện và duy trì thành quả nông thôn mới.

Nhà văn hóa thôn Bến Đền được nâng cấp cải tạo với đầy đủ sân thể thao, hệ thống điện, phát thanh...

Xem thêm: Kù diệu cua xanh được nuôi trên sa mạc

"Bến Đền hôm nay đã đổi thay rất nhiều" - bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng thôn Bến Đền khẳng định với chúng tôi. Vừa dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng thôn, bà Kim Anh vừa kể, thôn có 121 hộ với 427 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào công giáo. Bà con ở đây sống đoàn kết "tốt đời, đẹp đạo", tạo nên một cộng đồng vững mạnh. Nằm ven sông Lô, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tinh thần đoàn kết đã giúp người dân Bến Đền không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Trên con đường bê tông dài gần 750 m uốn lượn qua nương chè, đồi cam, đồi quế nối thôn Bến Đền và thôn Làng Chang vừa hoàn thành trong sự phấn khởi của nhân dân. Bà Kim Anh bảo, tuyến đường này không chỉ là tuyến nối liền giữa 2 thôn mà còn là con đường chuyên chở 5 ha hoa quả, chè; 15 ha rừng. Để làm tuyến đường này, 10 hộ đã sẵn sàng hiến gần 2.000 m2 đất, 300 cây cối, hoa màu các loại.

Chứng kiến hình ảnh các cháu nhỏ thảnh thơi đạp xe trên đường đi học về, xe ô tô chở hàng bon bon trên đường mới, bà Hà Thị Phin là hộ tiêu biểu hiến 500 m2 đất nâng cấp tuyến đường này không giấu được niềm vui. Bà Phin chia sẻ, trước đây, con đường cũ chỉ rộng hơn 1 m, khiến việc đi lại, giao thương vô cùng khó khăn. Các xe tải lớn không thể vào tận nơi, dẫn đến việc nông sản của bà con bị ép giá. Nên ngay khi xã có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường, bà Phin đã bàn bạc với gia đình và quyết định hiến 500 m2 đất đồi, chấp nhận mất đi 38 cây quế hơn 5 năm tuổi, 30 cây cam 8 tuổi. Không chỉ dừng lại ở việc hiến đất, gia đình bà còn đóng góp ngày công lao động để giúp xây dựng con đường. Dù biết rằng trước mắt gia đình sẽ thiệt thòi, nhưng bà Phin tin rằng sự hy sinh này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả gia đình và cộng đồng. Đường rộng hơn, xe cộ lưu thông thuận lợi, người dân sẽ dễ dàng sản xuất, buôn bán, cải thiện cuộc sống.

Giống như bà Phin, anh Nguyễn Văn Công cũng đã tự nguyện hiến 450 m2 đất vườn, nơi trồng hơn 150 cây cam và bưởi, để nâng cấp tuyến đường của thôn. Anh Công tự hào nói, ban đầu, khi biết một phần diện tích vườn, đồi cây ăn quả đang lên xanh của gia đình phải giải phóng để làm đường, anh cũng băn khoăn lắm. Nhưng sau khi được cán bộ thôn, xã vận động, tuyên truyền, anh hiểu rằng có đường bê tông không chỉ việc đi lại đỡ vất vả mà quả bưởi, quả cam, con bò, con lợn làm ra không sợ không bán được. Vì vậy, anh đã bàn với gia đình, hiến đất để thôn làm đường. Không chỉ riêng gia đình anh mà hàng chục hộ khác trong thôn cũng vui vẻ hiến đất, xây dựng nên con đường đẹp, rộng rãi hơn. Những con đường bê tông sạch đẹp mà bà con mong ước nay đã trở thành hiện thực, làm cho thôn xóm không chỉ khang trang mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết hơn.

Tuyến đường bê tông nối từ thôn Bến Đền đi Làng Chang mới hoàn thiện giúp người dân đi lại và thông thương hàng hóa thuận lợi.

Xem thêm: Phát triển du lịch từ làng nghề: Đánh thức tinh hoa truyền thống vươn ra thế giới

Qua đây cho thấy lời dạy của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” thực sự ý nghĩa. Để bà con thấy được lợi ích của việc mình làm và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích lâu dài, cán bộ thôn Bến Đền luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là “chìa khóa” - bà Kim Anh chia sẻ.

Hiện toàn thôn có trên 2,1 km đường bê tông; 600 m đường hoa; nhà văn hóa được nâng cấp với hệ thống điện, phát thanh đầy đủ, sân thể thao khang trang sạch đẹp... tất cả phần lớn là nhờ sự đóng góp của người dân trong thôn.

Cuộc sống mới

Đầu năm 2024, cây cầu Bạch Xa vượt sông Lô hoàn thành nối liền xã Bạch Xa với Quốc lộ 2C, các xã hai bên bờ sông Lô và vùng lân cận. Công trình này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ. Thôn Bến Đền cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tích cực này, khi hệ thống giao thông được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi hàng hóa, du lịch và phát triển kinh tế tại địa phương. Người dân trong thôn không chỉ hưởng lợi từ việc đi lại dễ dàng hơn mà còn có cơ hội mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Mô hình VACR của gia đình anh Phạm Đình Hiếu đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Anh Hiếu khoe, hiện gia đình anh đang trồng 500 gốc quế. Để tận dụng tối đa đất và nguồn thu nhập ngắn hạn, anh đã trồng xen quế với 5 mẫu chè. Bên cạnh đó, anh còn trồng 1 ha ổi và chăn nuôi 50 con lợn, cùng với 3 sào ao để nuôi cá. Cây ổi của anh cho quả quanh năm, trong khi giá lợn thương phẩm hiện đang tăng cao, giúp tăng thu nhập. Anh Hiếu ước tính tổng thu nhập năm nay từ mô hình VACR của gia đình anh có thể đạt trên 200 triệu đồng. Tư duy làm ăn thay đổi cộng với có đất vườn đồi đã thực sự làm đời sống của gia đình anh ngày càng ổn định, nâng cao.

Đồi chè của gia đình anh Phạm Đình Hiếu cho thu nhập ổn định.

Phát huy thế mạnh địa phương, đồng bào công giáo trong thôn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong sản xuất, phát triển kinh tế giúp nhau giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn thôn duy trì 13 ha cây ăn quả, 5 ha chè, 40 ha rừng, cùng hơn 3.500 con gia súc, gia cầm. Đến nay, thôn còn 12 hộ nghèo, 35 hộ khá giàu; thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; trên 95% gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa; vệ sinh môi trường được bảo đảm...

Đồng chí Đinh Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Xa, chia sẻ rằng phong trào xây dựng nông thôn mới của Nhân dân thôn Bến Đền luôn được Đảng ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Sự đoàn kết và chung tay góp sức của đồng bào công giáo thôn Bến Đền, cùng với toàn thể Nhân dân trong xã góp phần giúp Bạch Xa hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo đúng kế hoạch. Chính tinh thần đoàn kết và sự cống hiến của người dân đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Rời Bến Đền khi bóng chiều tà buông xuống, chúng tôi thấy người dân vẫn cần mẫn trên những cánh đồng, sườn đồi tạo nên như một bức tranh lấp lánh đầy sức sống. Với ý chí vươn lên và tinh thần đồng sức đồng lòng, người dân nơi đây đang hướng tới một tương lai tươi sáng...

Dương Châu