Sóc Trăng đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách

Kiến trúc tinh tế, cảnh quan thanh bình

Số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.449.963 lượt, đạt 81,7% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 51.903 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.323 tỷ 148 triệu đồng, đạt 82,7% kế hoạch năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phạm Văn Đâu, nhờ biết khai thác các nét văn hóa đặc thù của ba dân tộc Kinh - Khmer và Hoa, thời gian qua, Sóc Trăng luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo của người Khmer luôn là sự kiện lớn, thu hút hàng ngàn lượt du khách hàng. Các lễ hội như lễ cúng Trăng hay lễ thả đèn nước cũng được tổ chức với quy mô lớn, gắn kết cộng đồng và quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương.

Xem thêm: Top 9 thác nước đẹp mê mẩn ở Lâm Đồng

Nhiều kiến trúc tâm linh độc đáo là địa chỉ thu hút du khách của Sóc Trăng. Ảnh: VH

Sóc Trăng còn sở hữu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Som Rong, Bảo tàng Khmer... Các ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ phụng của cộng đồng Khmer mà còn trở thành những điểm đến du lịch văn hóa, hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc tinh tế và cảnh quan thanh bình. Các khu văn hóa tín ngưỡng như Giếng Tiên ở huyện Châu Thành cũng là điểm nhấn trong du lịch văn hóa của Sóc Trăng. Đây là nơi du khách có thể tìm hiểu về những câu chuyện dân gian, tín ngưỡng truyền thống, đồng thời trải nghiệm không gian tâm linh.

Từ những yếu tố trên, Sóc Trăng đã xây dựng thành công thương hiệu du lịch văn hóa độc đáo, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch bền vững và nâng cao giá trị văn hóa của địa phương.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Cồn Mỹ Phước tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế sách; kế hoạch triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; xin chủ trương triển khai thực hiện mô hình Xanh - sạch - đẹp tại điểm du lịch chùa Mahatup (chùa Dơi); xin chủ trương xây dựng Đề án đầu tư một số điểm chùa trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch.

Ngành du lịch tỉnh cũng đã thực hiện đề cương và dự toán chi tiết các đề án, dự án: “Đề án chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng năm 2030”; “Dự án phát triển du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tại huyện Mỹ Tú; “Đề án xây dựng thương hiệu du lịch Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng năm 2030”.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung mở rộng liên kết, thu hút du khách nước ngoài với các chương trình khảo sát, kết nối thị trường du lịch Ấn Độ - Sóc Trăng, tham gia Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Úc và New Zealand do Cục du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức, tiến hành đưa hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng vào vận hành. Tổ chức các lớp tập huấn: kỹ năng giao tiếp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ giao lưu du lịch; ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến du lịch tại Sóc Trăng; phương pháp xây dựng sản phẩm du lịch; kỹ năng điều hành và phối hợp trong triển khai hoạt động du lịch; lựa chọn hình ảnh chùa Som Rông, chùa Sro Lôn, điểm du lịch Tân Huê Viên để triển khai chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.

Mới đây, ngành du lịch tỉnh đã báo cáo xin chủ trương xây dựng Đề án đầu tư một số điểm chùa trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, Đề án được thực hiện đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn (2024 - 2025) và (2026 - 2030) với một số nội dung như khảo sát đánh giá tổng thể từng điểm chùa để xây dựng nội dung, đầu tư phát triển phù hợp; xây dựng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch; tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch và quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch. Dự kiến, kinh phí thực hiện khoảng 29 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh khoảng 22 tỷ đồng và nguồn vận động xã hội hóa gần 7 tỷ đồng.

Xem thêm: Đề nghị công nhận 4 hiện vật quý thời Nguyễn là Bảo vật quốc gia

Mục tiêu chính của đề án là bảo tồn các ngôi chùa cổ, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao nhận thức về di sản văn hóa. Tăng cường hạ tầng và dịch vụ để phát triển du lịch tâm linh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lễ bái, đặc biệt vào các dịp lễ hội tôn giáo như Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo; đồng thời, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương, thông qua các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, và các ngành nghề thủ công liên quan. Đề án bao gồm việc đầu tư và cải tạo nhiều điểm chùa quan trọng, gồm việc cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng các tuyến đường dẫn vào chùa, khu vực để xe và phát triển các dịch vụ du lịch xung quanh, việc đầu tư sẽ tập trung tu sửa các công trình kiến trúc đã xuống cấp và bảo tồn các di tích này.

Vũ Châu