Sinh viên Bách Khoa Hà Nội đặt hoa tri ân thế hệ đi trước trong lễ tốt nghiệp

Ngày 28 và 29.9, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp cho hơn 4.300 sinh viên. Dịp này, khi đi qua khu đài tưởng niệm "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ Quốc" trong khuôn viên trường, có thể thấy hàng trăm bó hoa tươi được xếp gọn gàng, kéo dài vài mét từ chân tượng đài, tràn ra lối đi.

Đây là những bó hoa của các tân cử nhân, tân thạc sĩ, kỹ sư Bách khoa thay lời tri ân với các thế hệ đi trước.

Những bó hoa đặt ngay ngắn dưới chân đài tượng niệm "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ Quốc" vào hai ngày lễ tốt nghiệp vừa qua (Ảnh: Trang Nhung)

Xem thêm: Bão số 3 đã qua nhiều ngày, rau xanh ở chợ dân sinh, siêu thị vì sao vẫn đắt đỏ?

Khu tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ Quốc" là nơi tưởng niệm các thế hệ sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” bảo vệ Tổ Quốc. Tượng đài được xây dựng vào tháng 10 năm 2006, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội.

Dưới tượng đài là lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổ Quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đặt hoa dưới đài tưởng niệm vào lễ tốt nghiệp hàng năm (Ảnh: NTCC)

Mới trở thành sinh viên năm nhất, Dương Vi Đức, Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường vô cùng bất ngờ khi biết đến truyền thống này. Lần đầu tiên nhìn thấy những bó hoa xinh đẹp dưới tượng đài sinh viên xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ vào lễ tốt nghiệp, nam sinh không khỏi bồi hồi.

Xem thêm: Báo Công lý đoạt giải tại cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 2024

"Ban đầu em thấy lạ nên có tìm hiểu từ anh chị khóa trên thì được biết đây là truyền thống lâu đời của sinh viên Bách khoa. Em càng xúc động hơn nữa khi hiểu về lịch sử và ý nghĩa của tượng đài", Đức kể.

Theo Đức, hành động này không chỉ thể hiện lòng biết ơn, tri ân những người đã hy sinh để bảo vệ đất nước, mà còn là lời nhắc nhở giới trẻ về giá trị của độc lập tự do mà thế hệ trước đã phải đánh đổi bằng xương máu.

"Chính điều này đã truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp bước chúng em nuôi dưỡng truyền thống "uống nước, nhớ nguồn", trở thành một công dân giàu lòng biết ơn và yêu đất nước", Vi Đức khẳng định.

Minh Dương, Kỹ sư Trường Điện - Điện tử cho biết, đây là truyền thống có từ lâu đời của rất nhiều thế hệ sinh viên Bách khoa, thực hiện trên tinh thần tự giác, không do trường phát động.

Từ khi học năm nhất, cậu đã được giới thiệu về nét đẹp này và tâm niệm sẽ thực hiện vào lễ tốt nghiệp của mình. Giữ đúng lời hứa, buổi lễ vừa kết thúc, Dương và bạn bè đã chủ động xếp hoa gọn gàng dưới chân tượng đài.

"Ra đi mang nặng lời thề, chưa thắng giặc Mỹ chưa về Bách Khoa" là khẩu hiệu mỗi lần nhắc đến, sinh viên trường vô cùng tự hào. Em cũng vậy. Hành động đặt hoa tuy không lớn lao, nhưng là tình cảm, lòng biết ơn của mỗi người con Bách khoa đối với các cựu sinh viên đi trước đã tạm gác việc học để ra tiền tuyến", Dương bày tỏ.

Hành động đặt hoa dưới đài tưởng niệm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đối với người có công với đất nước (Ảnh: NTCC)

Hình ảnh những bó hoa xếp ngay ngắn dưới tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ Quốc" sau khi lan tỏa trên mạng đã thu hút nhiều yêu thích, tương tác. Một bạn trẻ bình luận, dù học trường khác, nhưng hành động của sinh viên Bách Khoa đã tạo nên làn sóng tích cực, truyền cảm hứng cho giới trẻ trên toàn quốc học tập và noi gương.

"Không phô trương, cầu kỳ, chỉ một việc làm nhỏ thôi nhưng thể hiện sự sâu sắc trong suy nghĩ và lòng yêu nước, biết ơn của người trẻ", một tài khoản khác nhận xét.

Trang Nhung