Quy tụ tiềm lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Ghi danh và ứng xử với di sản

Ghi danh di sản nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là nhiệm vụ được thể chế hóa theo Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và Luật Di sản văn hóa. Tại hội thảo “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” ngày 26.12, các đại biểu đã nêu ra những giá trị của việc ghi danh đối với sức sống của di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, hát xoan là một trường hợp đặc biệt.

Sau khi được UNESCO ghi danh, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản hát xoan. Ảnh: UBNDPT

Xem thêm: Vở diễn thực cảnh đầu tiên trên sông nước Tràng An

Năm 2011, khi xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh di sản hát xoan, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc chỉ còn 7 nghệ nhân có thể thực hành hát xoan, trong đó nhiều nghệ nhân trên 90 tuổi, thậm chí trên 100 tuổi. Sau ghi được UNESCO ghi danh, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản hát xoan, chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan với nhiều biện pháp cụ thể.

Cho đến nay, đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất chuyển từ di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang di sản đại diện của nhân loại. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, TS. Nguyễn Đắc Thủy cho biết: “Việc đưa hát xoan vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017) là sự khẳng định của quốc tế về giá trị của di sản hát xoan và đóng góp vào việc củng cố các di sản khác, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Việc hát xoan được chuyển từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện của nhân loại là kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam góp phần vào kinh nghiệm chung của quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của quốc gia về cách ứng xử đối với di sản văn hóa”.

Từ hành trình bảo tồn di sản hát xoan, PGS.TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trăn trở về di sản ca trù. Vì sao ca trù được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đến nay đã hơn 10 năm (2009 - 2023) nhưng chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp như cam kết của Việt Nam với UNESCO? PGS.TS Lê Văn Toàn chỉ ra nguyên nhân: “Vẫn còn một khoảng cách, khoảng trống chưa được thực hiện với kết quả, hiệu quả tốt, liên tục. Hơn 10 năm qua, chúng ta chưa có sự đầu tư thỏa đáng, chưa có một chính sách đặc biệt cho di sản. Để giữ được hồn cốt di sản, phải giữ được cái gốc của di sản nằm ở nghệ nhân, nhưng lực lượng này chưa thực sự được quan tâm, chưa được động viên kịp thời, đầy đủ để giúp cộng đồng, cá nhân có thể tận tâm cống hiến, phát huy hết khả năng”.

Xem thêm: TPHCM trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác ca khúc thi đua yêu nước

GS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, suy cho cùng đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc UNESCO ghi danh không phải là những giá trị nổi bật toàn cầu, tầm quốc tế mà là di sản đó có những chức năng, ý nghĩa đối với cộng đồng chủ nhân. Bởi vậy, quan trọng nhất sau ghi danh là có chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, để di sản sống trong cộng đồng, được cộng đồng trân trọng và truyền nối.

“Trong thực tiễn đời sống ở các quốc gia, sự ghi danh di sản góp phần thúc đẩy quá trình di sản hóa, làm thay đổi cũng như bồi đắp thêm ý nghĩa, giá trị cho di sản, đồng thời nâng cao nhận thức về di sản, giúp di sản được bảo tồn và phát huy tốt hơn trong đời sống cộng đồng”, GS.TS. Nguyễn Thị Hiền nói.

Sức mạnh ở cộng đồng

Từ câu chuyện ghi danh để thấy vai trò của chủ thể nắm giữ, thực hành di sản cũng như các chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Công ước 2003 nhấn mạnh cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể. Dù vậy, khi triển khai hoạt động tại cộng đồng, lựa chọn cách tiếp cận nào, kỹ thuật nào để cộng đồng chủ động tham gia bảo tồn di sản không đơn giản.

Từ kinh nghiệm thực hiện dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh, nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Sự ghi nhận vai trò và thẩm quyền văn hóa của cộng đồng trong bảo vệ di sản của chính họ đóng góp vào sự thay đổi đáng kể trong nhận thức và cách tiếp cận trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trao quyền cũng là thách thức khi chính các cá nhân, cộng đồng đối diện với di sản của họ, họ phải quyết định làm gì đối với việc bảo tồn, phát huy di sản của cha ông”.

Thực tế lấy cộng đồng làm trung tâm đặt ra vấn đề làm sao vừa tôn trọng giá trị sáng tạo, bảo lưu, trao truyền di sản văn hóa của cộng đồng, vừa hướng dẫn, định hướng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể mà không làm triệt tiêu vai trò sáng tạo của chủ thể di sản. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách, còn các tổ chức, cá nhân trong xã hội đóng vai trò then chốt.

“Chỉ dựa vào Nhà nước không thôi thì không thể làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhà nước đóng vai trò quản lý, định hướng, còn sức mạnh nằm ở cộng đồng. Cộng đồng ở đây là chủ thể nắm giữ di sản và bên cạnh họ là cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tổ chức… Bảo vệ di sản là quy tụ, phát huy được những tiềm lực ấy”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Hải Đường