Phục dựng, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai

Những năm qua, nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực tập trung triển khai quyết liệt, sâu, rộng các chính sách dân tộc trên địa bàn.

Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Khánh Hòa có hơn 72 nghìn người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Raglai chiếm khoảng 76%, là tộc người đông dân thứ hai sau người Việt ở Khánh Hòa với hơn 55 nghìn người, sinh sống tập trung ở huyện miền núi Khánh Sơn (với hơn 70% dân số của huyện) và rải rác ở một số địa phương trong tỉnh.

Nét đẹp văn hóa Raglai được tái hiện trên sân khấu lễ hội của huyện Khánh Sơn.

Xem thêm: Có gì mới tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024?

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Xem thêm: Tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong bão, lũ

Đến nay, huyện Khánh Sơn đã thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết 101 bị tại 29 thôn, tổ dân phố; hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; phục dựng 1 lễ hội truyền thống tiêu biểu (Lễ Tạ ơn cha mẹ); xây dựng 8 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.

Qua những hoạt động có ý nghĩa được triển khai trong thời gian qua trên địa bàn huyện, các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị; truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc ngày càng được củng cố, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ nay đến năm 2030, huyện tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, cụ thể như: Phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Raglai; hàng năm tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ (Đàn đá, Mã la); xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung xã Sơn Hiệp gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; xây dựng Nhà Trưng bày huyện Khánh Sơn để trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa nhằm phát huy tốt sản phẩm du lịch của địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai.

Duy trì tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ Đàn đá, Mã La, các làn điệu dân ca, hát múa dân gian truyền thống tại nhà cộng đồng các thôn trên địa bàn huyện. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Raglai chú trọng (chữ viết, trang phục truyền thống, ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống).

Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng các loại hình văn hóa truyền thống vào trong sinh hoạt cộng đồng.

Hương An