Phát huy giá trị của làng nghề trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng - Bài 1

Đến với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, trải nghiệm các làng nghề truyền thống không chỉ là hành trình tìm về cội nguồn mà còn là dịp để tích lũy và trân trọng những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào các dân tộc Cao Bằng.

BÀI 1: TỎA SÁNG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỪ NHỮNG LÀNG NGHỀ

Trải qua quá trình hình thành và phát triển hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn mang trong mình những giá trị về văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử...

Xem thêm: Khai mạc triển lãm 3D trực tuyến 'Hỡi đồng bào Thủ đô'

Giá trị lớn từ các làng nghề

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi có lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại nơi đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.

Đặc biệt, nơi đây còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích lịch sử cách mạng, nơi gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., là nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... Bên cạnh đó là các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời được lưu truyền qua các thế hệ, thể hiện rõ nét qua các làng nghề truyền thống lên đến hàng trăm năm tuổi.

Hệ thống các làng nghề trải dài trên các địa phương từ lâu đã mang trong mình bao giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, trải qua thời gian với các giai đoạn lịch sử, các sản phẩm của các nghề truyền thống được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của đời sống xã hội với những giá trị hết sức to lớn và độc đáo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cũng như những làng nghề khác trên toàn quốc, mỗi làng nghề trên địa bàn tỉnh đều mang bản sắc riêng kết hợp với nguồn nguyên liệu của tự nhiên, mộc mạc gắn liền với cuộc sống người dân địa phương, mang màu sắc văn hóa dân tộc, nét độc đáo riêng biệt. Đặc điểm của các làng nghề chủ yếu là ở khu vực nông thôn, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân làm thêm nghề phụ, sau này nghề phụ trở nên phát triển cả về số lượng lao động, thu nhập và ngày càng có nhiều người cùng làm, nhiều người dành trọn tâm huyết nghiên cứu, phát triển những nghề đó trở thành nghệ nhân. Ông Nông Văn Lùng, xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) năm nay 91 tuổi, cho biết: Nghề làm giấy bản đã lưu truyền khoảng khoảng 300 năm. Chúng tôi theo nghề từ nhỏ, hiện nay có trách nhiệm truyền dạy lại, ngoài thời gian trồng lúa, ngô, cha con cùng nhau kế tiếp sự nghiệp cha ông để lại, làm giấy từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) gắn với các nghề thủ công truyền thống.

Toàn tỉnh hiện có 21 làng nghề truyền thống, trong đó làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó, huyện Quảng Hòa 6 làng nghề gồm: làm đường phên xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; nghề rèn xã Phúc Sen; nghề làm giấy bản xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen; nghề hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen; nghề nón lá xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do; nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do. Huyện Hà Quảng có nghề làm hương xóm Nà Kéo, xã Trường Hà; huyện Nguyên Bình có làng nghề truyền thống miến dong Phja Đén, xã Thành Công. Các làng nghề đang sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương, huy động nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các vùng.

Xem thêm: Phát hiện nhiều vàng trong thùng đồ cứu trợ tại Lào Cai: Đã tìm thấy chủ nhân

Tuy nhiên, qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, các làng nghề không ngừng thay đổi và phát triển để thích ứng với nhu cầu của thời đại, bên cạnh những kỹ thuật thủ công truyền thống, ngày nay người dân áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm làm ra kết hợp giữa truyền thống với yếu tố hiện đại mang tính thẩm mỹ, độc đáo cao hơn để phù hợp với thị hiếu của thời đại. Điển hình như nghề rèn Phúc Sen, người dân đưa máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ sức lao động như máy mài, máy đập, quạt máy; các nghề làm hương, miến, bún cũng có máy móc hỗ trợ một số quy trình sản xuất…, hỗ trợ công sức cho người lao động, rút ngắn quy trình sản xuất để người lao động tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo độ tinh xảo cho các sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề hiện nay đều tận dụng công nghệ truyền thông qua các trang mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm của làng nghề đến với công chúng.

Anh Lương Văn Lưu, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Ngày nay có máy móc hỗ trợ nên làm sản phẩm nhanh hơn, nếu trước đây làm 1 con dao mất 2 - 3 ngày, giờ đây chỉ còn 1 ngày, chúng tôi có thời gian làm cho dao sắc hơn, đẹp hơn.

Thách thức để lưu giữ và bảo tồn làng nghề

Các làng nghề mang trong mình những giá trị lớn lao về kinh tế, văn hóa - xã hội, là yếu tố đưa địa phương phát triển. Qua làng nghề truyền thống để du khách, bạn bè các địa phương khác phân biệt, nhận diện nhanh chóng nơi đó. Khi nói đến Phúc Sen rất nhiều du khách nhận biết đó là làng nghề rèn truyền thống hàng nghìn năm tuổi, làng nghề làm giấy bản, làng nghề làm hương tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) hoặc huyện Nguyên Bình là “thủ phủ” của các làng sản xuất miến dong truyền thống từ lâu đời…

Các làng nghề truyền thống còn gắn kết mạnh mẽ với những phong tục, lễ hội và nghi lễ truyền thống của dân tộc. Thông qua quá trình sản xuất và truyền đạt kỹ thuật, người làm nghề đã truyền bá và duy trì các giá trị văn hóa sâu sắc của địa phương qua các thế hệ. Trong mỗi làng nghề, từng nghề thủ công truyền thống, có thể tìm thấy những biểu tượng đặc trưng của văn hóa vùng cao như: làng nghề dệt thổ cẩm, nghề in hoa văn trên vải bằng sáp ong của đồng bào Dao Tiền, kỹ thuật thêu hoa văn trên vải của người Dao Đỏ, nghề chạm bạc, nghề nón lá, đan lát… đóng vai trò quan trọng trong văn hóa, tập quán, tín ngưỡng với những nét văn hóa đặc sắc gắn liền với đời sống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, các làng nghề truyền thống ngày càng mai một dần. Tại nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện chỉ duy trì một vài hộ giữ nghề. Nghề dệt thổ cẩm thủ công trở thành nghề truyền thống với nét văn hóa bản địa của người vùng cao trong trang phục, phụ kiện từ lễ hội đến đời sống hằng ngày từ lâu đời, giờ đây bị các sản phẩm công nghiệp lấn chiếm thị phần. Các mẫu vải công nghiệp lấy nguyên khuôn mẫu hoa văn, màu sắc của sản phẩm truyền thống, giá cả cạnh tranh; các sản phẩm quần áo, váy, khăn, túi… đều sản xuất hàng loạt, giá thấp hơn các sản phẩm của người dân tại các làng nghề sản xuất. Các sản phẩm đan lát của các làng nghề truyền thống cũng bị các sản phẩm công nghiệp thay thế, cạnh tranh như đồ nhựa thay thế các sản phẩm tre đan, nón lá; bên cạnh đó nguồn nguyên liệu tự nhiên dần cạn kiện, việc tìm nguyên liệu mất nhiều thời gian, công sức hơn. Nguyên liệu để làm giấy bản cần phải có một loại cây, theo tiếng Nùng gọi là cây mạy sla, giờ cây hiếm nên phải vào rừng sâu kiếm tìm, với nguyên liệu để làm ngói cũng phải chọn lựa từ 3 loại đất trộn lại với nhau, do khai thác nhiều nên mỗi loại đất giờ cũng phải tìm kiếm ở xa hơn.

Người dân xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) duy trì nghề đan lát truyền thống.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài hoặc các mô hình kinh doanh công nghiệp lớn khác cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lên làng nghề truyền thống. Mặt khác, thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp. Việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển cũng khó khăn hơn cho các làng nghề truyền thống.

Theo ông Nông Văn Thành, xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), hiện nay, các làng nghề chủ yếu làm thêm lúc nông nhàn, hỗ trợ thêm một phần kinh tế gia đình. Về chế độ cũng chưa có hỗ trợ cho các hộ duy trì nghề. Thời gian qua, chính quyền địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, giới thiệu du khách đến tham quan trải nghiệm tại các làng nghề, kết nối đầu ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Các nghề truyền thống cơ bản sử dụng sức lao động, với sự thể hiện tinh tế của khối óc và bàn tay khéo léo của người thợ, tuy nhiên về thu nhập chưa tương xứng nên không hấp dẫn giới trẻ tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống.

Ông Lương Tặng Né, xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa) năm nay 73 tuổi, ông theo nghề làm ngói đất nung từ nhỏ đến nay, ông chia sẻ: Hiện nay, ở xóm duy trì nghề chủ yếu là người cao tuổi, những người trẻ đều đi làm công ty; làm nghề thủ công vất vả, thu nhập không được là bao nên giới trẻ không lựa chọn nghề.

Bài cuối: Để làng nghề truyền thống vươn xa

Hồng Chuyên