Nữ sinh đạt Giải Nhì Quốc gia môn Lịch sử: 'Luôn nhớ dân ta phải biết sử ta'

Trang Nhung hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ quốc tế (Học viện Ngoại giao).

“Dân ta phải biết sử ta”

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, lịch sử với mình nên là một trong những yếu tố nền tảng trong nhận thức của mỗi người, bao gồm cả người trẻ”.

Xem thêm: Bữa trưa văn phòng thân quen với thịt kho đậu hũ

Đó là tâm sự đầu tiên của Trang Nhung khi chia sẻ với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về chủ đề lịch sử. Với cô nàng, hiểu biết lịch sử có tầm quan trọng lớn đối với người trẻ. Trải qua Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2023 - 2024 và đạt được Giải Nhì môn Lịch sử, Trang Nhung nhận ra lịch sử là cách tốt nhất để con người tiếp cận được với phần sâu lắng nhất trong tâm hồn mình.

Trang Nhung là gương mặt truyền cảm hứng tại Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, Quốc gia và đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Nghệ An.

“Lịch sử thường được hiểu là những gì thuộc về một quá khứ xa xăm nên nhiều người dễ lầm tưởng mà bỏ quên.”, Trang Nhung nhận định, “Nhưng thực tế, hiểu biết về lịch sử còn là sự tích lũy tri thức về cuộc sống xung quanh cho đến ngày nay. Như vậy, người trẻ có thể nhìn về lịch sử con người cả triệu năm trước, nhưng cũng có thể nhìn thấy những gì gần gũi nhất, đó là quá khứ phản chiếu dáng hình thế hệ ông bà, cha mẹ… mỗi người”.

Để trả lời cho câu hỏi “Tại sao dân ta phải biết sử ta”, Trang Nhung liên tưởng tới những nhận định khác nhau về khái niệm “Lịch sử”. Theo lời kể của Trang Nhung, câu nói của văn hào Victor Hugo được đặt ra trong buổi học chuyên đầu tiên đã giúp cô nàng có cái nhìn khách quan và định hình toàn bộ chặng đường theo đuổi lịch sử: “Câu nói đó là “Lịch sử là gì, lịch sử là tiếng vọng của quá khứ lên tương lai, là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ”. Lịch sử là những gì đã qua, song những bài học kinh nghiệm vẫn còn được đúc rút”.

“Nói cách khác, dân ta phải biết sử ta vì những bài học kinh nghiệm quý giá đó không bao giờ quên được. Vấn đề đặt ra với người trẻ - những người mang sứ mệnh làm chủ đất nước và làm chủ chính cuộc đời mình - chính là chúng ta có thể kế thừa bài học giá trị của ông cha cho sự phát triển của chính bản thân, và còn nỗ lực phấn đấu để đóng góp cho cộng đồng, xã hội, để nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông, để lịch sử tiếp tục được phản chiếu trong nếp nghĩ, lối cư xử văn hóa, trong bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống và để vươn mình hội nhập với bản sắc Việt Nam”.

Một cách tiếp cận lịch sử “thú vị”

Nghĩ đến việc học lịch sử, không ít người cảm thấy “nổi da gà” vì tưởng tượng hình ảnh những chồng sách và băng thời gian miên man chi chít chữ và số… Lịch sử gắn với thế giới và sự kiện, nhưng mê cung sự kiện có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, học lịch sử không phải sa vào mê cung mà là từ trong mê cung đó ta tìm ra mối liên hệ, quy luật, bài học.

Trang Nhung bộc bạch: “Nhận thức lịch sử thực sự trở thành cầu nối quá khứ - hiện tại và định hướng tương lai: sẽ thế nào nếu một dân tộc không biết về nguồn gốc, sẽ thế nào khi chúng ta chẳng thể biết mình là ai và từ đâu đến? Hòa bình, hạnh phúc hôm nay được viết nên từ máu và nước mắt của quá khứ”.

Đặt lịch sử trong mối tương quan giữa hiện tại và tương lai, Trang Nhung rèn luyện được góc nhìn đa chiều và phản biện.

Với Trang Nhung, việc tiếp cận lịch sử ở góc nhìn gần gũi đã giúp cô nàng cảm nhận lịch sử gắn bó và hiện diện trong từng khoảnh khắc, trong từng phương phương diện trong đời sống thường nhật.

“Như trong đợt bão lũ đau lòng vừa qua, hình tượng người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến lại lần nữa hiện lên trong hình ảnh những cô lái đò đưa đoàn cứu trợ, những đứa trẻ gửi gắm lời chúc, lời động viên hồn nhiên nhưng lại mang sức nặng của hai tiếng “đồng bào” (như lời Bác dạy “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”), là giữa thời bình nhưng gần nửa triệu quân vẫn được huy động vì “cứu giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim”, là quân dân 3 miền góp sức, góp lương vì miền Bắc, nhân dân cả nước lẫn kiều bào đau chung một nỗi đau, mất mát của đồng bào… Lịch sử dường như đã đi vào huyết quản của mỗi người Việt, bởi truyền thống từ bao đời mới hun đúc nên một dân tộc yêu nước, nhân nghĩa và đoàn kết, để tự hào khắc ghi hai tiếng Việt Nam”.

Trang Nhung và cô Lê Phương (bên phải), cô Hằng Nga (bên trái) – những giáo viên tâm huyết trong từng bài giảng, luôn tiếp thêm động lực giúp cô bạn lan tỏa tình yêu lịch sử và cống hiến cho quê hương.

Xem thêm: Tuổi 50, Thư Kỳ coi 'tuổi tác chỉ là con số' nhờ áp dụng thói quen dễ làm

Hiện nay, công chúng được tiếp cận các nguồn tư liệu lịch sử lớn, phong phú, chất lượng bao gồm: tư liệu chữ viết, hiện vật, hình ảnh… Không chỉ vậy, nguồn tư liệu vẫn còn tiếp tục được bồi đắp thêm bởi việc tìm tòi, khai quật, nghiên cứu và phản biện không ngừng nghỉ của các nhà khoa học. Trong bối cảnh đó, Trang Nhung cho biết: “Việc học môn Lịch sử sẽ trở nên đa chiều hơn về những sự kiện, nhân vật lịch sử, giúp học sinh - sinh viên có được cái nhìn khách quan song vẫn giữ tâm niệm mong muốn tìm tòi, học hỏi và bảo tồn “di sản” của thế hệ trước”.

Nguồn tư liệu vẫn đang được cập nhật song điều quan trọng là công tác đánh giá chất lượng nguồn tư liệu, nguồn tư liệu đó có thể làm sống lại lịch sử như thế nào, phải làm sao để tận dụng nguồn tư liệu đúng cách, tiếp nhận tư liệu trong một thế giới đa chiều… Thêm nữa, vấn đề bảo tồn, lưu trữ các tư liệu lịch sử vẫn luôn đặt ra những thách thức nhất định đòi hỏi nhiều công sức cũng như công nghệ, sự chú trọng của Nhà nước và toàn thể nhân dân.

Lịch sử trong bối cảnh của thời đại

Việc học Lịch sử thực sự có tác động đến các lựa chọn nghề nghiệp của Trang Nhung, trong đó có ngành học hiện tại của cô nàng là Quan hệ quốc tế. “Quá trình học Lịch sử giúp mình dần chuẩn bị được tâm thế khi đối diện với khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi việc tìm và hiểu một cách kỹ lưỡng, cẩn thận... Đương nhiên, việc được theo đuổi ngành nghề gắn với chuyên môn và sở thích của mình là điều quá tốt nhưng mình tin rằng quá trình tích lũy kiến thức, kĩ năng không bao giờ là thừa cả, luôn cố gắng tích lũy, học hỏi, rèn luyện, chuẩn bị một tâm thế “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và thêm cả cầu nguyện may mắn sẽ mỉm cười.”, Trang Nhung bày tỏ niềm hạnh phúc khi được sống trọn với đam mê Lịch sử.

Trên chặng đường theo đuổi môn Lịch sử, Trang Nhung luôn nhận được sự cổ vũ và đồng hành từ mẹ (áo dài xanh). Đây là động lực lớn nhất để Trang Nhung không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân trong bối cảnh thời đại.

Sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các bạn trẻ như Trang Nhung ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu lịch sử, được cập nhật và đến gần hơn với những đúc kết của các nhà Sử học, hay có cơ hội được học mọi lúc, mọi nơi khi có các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông, các kênh công cụ, giúp nuôi dưỡng tình yêu cho môn học này. Tuy nhiên, cùng với đó, vấn nạn tin giả lại đặt ra một thách thức lớn không chỉ đối với việc tìm hiểu lịch sử nói riêng mà ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, khoa học…

Bàn về vấn đề lịch sử trong bối cảnh công nghệ số, Trang Nhung kiên định với lập trường của bản thân: “Mình nghĩ rằng, giữa những nguồn tin sai lệch ngày càng nhiều và lắm khi ngụy trang dưới lớp vỏ “một nửa sự thật” với những điểm mờ, mỗi chúng ta bên cạnh tâm thế sẵn sàng học hỏi cũng nên có cho mình sự sẵn sàng kiểm chứng và phản biện, phản biện ở đây không hẳn là kích động tạo nên những tranh cãi trên mạng xã hội mà là sẵn sàng đối chứng với những nghi ngờ của bản thân bởi “thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Đồng hành với sự cố gắng tìm hiểu của bản thân mỗi người dân là chính sách kiểm duyệt và giáo dục của Nhà nước, những người có chuyên môn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc, những người đang không ngừng nghiên cứu để làm rõ những điểm mờ nên mình nghĩ rằng chỉ cần chúng ta không hời hợt với luồng thông tin được tiếp nhận thì chúng ta sẽ không cô đơn trên con đường tìm về với sự thật”.

Trang Nhung và các thành viên lớp chuyên Sử - những bạn trẻ đang không ngừng học tập để xây dựng Tổ quốc và lan tỏa tình yêu lịch sử tới cộng đồng.

Là người trẻ, khi nhìn thấy thế hệ mình đang có những cách tiếp cận và lan tỏa niềm yêu lịch sử, lòng yêu nước với những phương hướng sáng tạo, chính bản thân Trang Nhung cũng thấy rất tự hào. Chính những người trẻ như cô nàng đang dần thấm thía giá trị: Nền tảng hiểu biết lịch sử nhất định là yếu tố cốt lõi để vững vàng quan điểm trong một thế giới thông tin đa chiều và dồn dập, để lòng yêu nước và những giá trị tốt đẹp của dân tộc được lan tỏa và sáng tạo đúng cách.

Một số thành tích học tập và hoạt động nổi bật:

- Giải Nhì HSG Quốc gia môn Lịch sử năm học 2023-2024;

- Giải Nhất HSG Tỉnh môn Lịch sử năm học 2023-2024;

- Đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương năm học 2022-2023;

- Chủ nhiệm Câu lạc bộ minh họa Phan Illustrator Crew Gen 3;

- Trưởng BTC chương trình “Đồi chong chóng 2023” (Chương trình thiện nguyện ngày 1/6 phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho các trẻ mắc hội chứng tự kỷ và các bệnh tương tự đang được trị liệu, giáo dục đặc biệt tại Quỹ);

- Tham gia nhiều dự án thiện nguyện khác: “Vì tiếng cười trẻ thơ 2023”, “Ơ Tết”, “Gửi chữ lên non”...

(Ảnh: NVCC)

Ngọc Khuê