Nóng trong tuần: Ổn định dạy học sau bão lũ, lưu ý các khoản thu đầu năm học

Học sinh lớp 1, lớp 2 được thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, Lào Cai) cõng đến trường. Ảnh: NTCC.

Ổn định dạy học sau bão lũ

Tuần qua, sau cơn bão số 3 với nhiều thiệt hại nặng nề, các cơ sở giáo dục đã có những giải pháp để tái thiết trường lớp, nhanh chóng ổn định nền nếp học tập.

Xem thêm: Top 5 cây cảnh hút tài lộc, nhà giàu thường đặt trong phòng khách

Bộ GD&ĐT tiếp tục có những chỉ đạo về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ; có văn bản yêu cầu hỗ trợ học phí cho học sinh, thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với sinh viên bị thiệt hại bởi thiên tai.

Trong tuần, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục đến chia sẻ, động viên và hỗ trợ ngành Giáo dục địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Cụ thể, để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

Trong đó lưu ý rà soát, có phương án phù hợp để đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập; đối với những học sinh phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.

Các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) dọn dẹp trường lớp sau khi nước rút. Ảnh: Đức Hạnh.

Huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên và học sinh các nhà trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng học sinh phải nghỉ học. Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ I và cả năm học theo kế hoạch giáo dục chung của địa phương và cả nước.

Cơn bão số 3 (bão YAGI) và mưa lũ sau bão vừa qua đã ảnh hưởng rất nặng nề đến nhiều tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục căn cứ mức độ thiệt hại của người dân, xem xét, quyết định hỗ trợ học phí, không thu học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật hiện hành để chia sẻ, hỗ trợ phụ huynh và học sinh, đặc biệt đối với học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai.

Bộ GD&ĐT đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên; hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục Phú Thọ.

Trong tuần, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng đoàn công tác Bộ (GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến thăm, động viên và hỗ trợ ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Tại đây, Thứ trưởng đã tới thăm các thầy cô giáo, các em học sinh Trường Mầm non Hiền Lương, Trường Tiểu học Động Lâm và Trường THCS Hiền Lương, thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 3 của tỉnh Phú Thọ.

Thay mặt Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục Phú Thọ số tiền 500 triệu đồng.

Dịp này, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 300 bộ sách giáo khoa; Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà trao tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập cho ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ.

Hỗ trợ học phí, không thu dồn đầu năm

Trước thiệt hại lớn do cơn bão số 3 gây ra tại nhiều tỉnh, thành ngay thời điểm đầu năm học 2024-2025, để tránh áp lực đối với cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có công văn quán triệt các nhà trường thực hiện nghiêm quy định về công khai học phí, các khoản thu khác được quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 19/07/2024 của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, đặc biệt chú trọng trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc tổ chức nghiêm túc, trực tiếp chủ trì cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của trường đầu năm học để công khai, giải trình về các khoản thu, nhất là các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục; các khoản thu từ hoạt động dạy thêm, học thêm; dạy liên kết; thu hộ, mua hộ;…

Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55.

Chia sẻ với những khó khăn của nhân dân sau bão số 3, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh để khắc phục hậu quả do bão. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ khác phải thực hiện đúng quy định của Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT và Công văn số 6341của UBND thành phố về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 16.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục rà soát, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, miễn, giảm các khoản thu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giãn, hoãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp một lần đối với các khoản thu theo tháng, học kỳ; không tổ chức thu nhiều khoản trong cùng một thời điểm.

Các cơ sở giáo dục tư thục thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai giá dịch vụ; công khai, thỏa thuận học phí và các khoản thu của nhà trường với phụ huynh học sinh. Tuyệt đối không tự ý, tùy tiện tăng mức thu học phí và các khoản thu khác. Đồng thời, tích cực, trách nhiệm trong thực hiện các chế độ hỗ trợ, miễn giảm đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Hải Phòng, các trường thống nhất cao việc không vận động nguồn tài trợ từ phụ huynh sau bão số 3.

Xem thêm: Cận cảnh Ukraine tập kích kho đạn quy mô lớn của Nga

Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng Tờ trình về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025.

Theo Tờ trình, trong 9 tháng của năm học 2024-2025, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 100% mức thu học phí công lập theo quy định tại Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Học sinh tiểu học trường tư thục được hỗ trợ bằng mức học phí đối với học sinh THCS trường tư thục.

Với chính sách này sẽ có gần 244.000 học sinh của gần 165.000 hộ gia đình được hưởng hỗ trợ. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm học 2024-2025 khoảng 167 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025 và thực hiện ngay một số biện pháp khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024 - 2025 và tiếp tục thực hiện ngay một số biện pháp khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.

Trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm trong bối cảnh nhiều gia đình, học sinh gặp khó khăn, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Có phương án hỗ trợ các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh và gia đình chịu ảnh hưởng thiệt hại từ cơn bão số 3.

Đảm bảo có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác, không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường…

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024.

Phát động Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2024

Lễ phát động Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024 được tổ chức chiều 19/9 tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức bắt đầu từ năm 2018 nhằm tôn vinh, phổ biến kinh nghiệm của những giáo viên chủ nhiệm lớp có tình cảm, việc làm, thành tích tốt đẹp thông qua việc khuyến khích học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh viết về những kỷ niệm sâu sắc của họ đối với giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp.

Nội dung các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Cụ thể, tác phẩm thể hiện những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả).

Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề. Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 31/10/2024. Tác phẩm dự thi gửi vào email: [email protected].

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức: "Cuộc thi viết này không chỉ là một sân chơi văn học, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa để khơi dậy những cảm xúc chân thật nhất trong lòng mỗi chúng ta".

Tại Lễ phát động Cuộc thi, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức chia sẻ, trong hành trình của mỗi con người, chúng ta may mắn được gặp gỡ những người thầy, người cô với trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ bến.

Các thầy, cô đã không chỉ trao truyền cho chúng ta kiến thức mà còn dạy dỗ chúng ta về những giá trị của cuộc sống, về nhân cách và đạo đức.

“Cuộc thi viết này không chỉ là một sân chơi văn học, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa để khơi dậy những cảm xúc chân thật nhất trong lòng mỗi chúng ta.

Qua từng câu chữ, từng lời văn, chúng ta sẽ thấy hiện lên những hình ảnh đẹp đẽ về thầy cô, về những tháng năm rực rỡ tuổi học trò.” - nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.

Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ công bố Thể lệ Cuộc thi.

Tại buổi phát động, nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ đã công bố Thể lệ Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Quỳnh - Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đại diện ban giám khảo cho biết, từ năm 2018 - lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức đến nay, đã tạo hiệu ứng tích cực trong các nhà trường và cả nước.

Cuộc thi thu hút nhiều người tham gia, với số lượng bài thi năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được khắc sâu.

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thư cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, hỗ trợ, chung tay, tiếp sức cùng ngành Giáo dục khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Trong thư này, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ, sẻ chia kịp thời của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với ngành Giáo dục trong thiên tai, hoạn nạn.

Sự chung tay, tiếp sức của các cấp, các ngành và cộng đồng là động lực to lớn, động viên tinh thần, ý chí cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên trong toàn ngành quyết tâm vượt qua thời khắc khó khăn này; sớm ổn định cuộc sống và đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.

Hải Bình