Ninh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Xác định việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững, thời gian qua, thị xã Ninh Hòa đã đầu tư trọng điểm cho lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tạo ra những giá trị mới cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn.

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây biểu diễn cồng chiêng.

Xã Ninh Đông có 5 thôn, dân số 6.651 người, trong đó hơn 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2017; năm 2024 được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Một trong những yếu tố đem lại kết quả trên là nhờ chính quyền địa phương luôn xác định yếu tố văn hóa, con người là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống thiết chế văn hóa của xã được đầu tư, xây dựng; các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, nhiều thôn có các mô hình văn hóa, cải tạo môi trường như: Đường cờ Tổ quốc, trồng hoa ven đường, thắp sáng điện đường ở các thôn Văn Định, Quang Đông, Phước Thuận, Nội Mỹ đã tạo điểm nhấn cho đường quê Ninh Đông.

Xem thêm: Ngôi chùa cổ có cây thị trăm tuổi ở Cầu Kè, Trà Vinh

Xem thêm: Hà Nội dừng bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, hội trường văn hóa xã, các thôn, sân tập thể thao, trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa tại địa phương được đầu tư đầy đủ. Những mô hình câu lạc bộ: “Gia đình phát triển bền vững”, “Cựu quân nhân”, “Không sinh con thứ 3”, “Ông bà cháu”, “5 không 3 sạch” được duy trì sinh hoạt đều đặn… “Đến năm 2023, toàn xã có 94,89% gia đình văn hóa, 1.482 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục, 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 5 năm liên tục. Những kết quả từ xây dựng NTM nâng cao là “cú hích” để chính quyền, người dân cùng bắt tay xây dựng vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Để xây dựng, phát huy những thành quả NTM, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thời gian tới, xã tiếp tục tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp”, ông Đoàn Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Đông cho biết.

Không riêng xã Ninh Đông, hầu hết 20 xã của thị xã Ninh Hòa đều xem nội dung phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng. Xã Ninh Bình được xem là điểm sáng về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xã Ninh Tây nổi bật với việc thực hiện các hoạt động truyền dạy sử dụng, trình diễn nhạc cụ mã la, cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Raglai, Ê đê; xã Ninh Phụng có nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật trong nhân dân; xã Ninh Quang có nhiều nghệ nhân hô hát bài chòi…

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất của người dân, địa phương còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Sau gần 10 năm thực hiện xây dựng NTM, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của thị xã được đầu tư trọng điểm, đạt nhiều kết quả thiết thực. Hiện trên địa bàn thị xã có 77 di tích được kiểm kê, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (Phủ đường Ninh Hòa, lăng Bà Vú, địa điểm lưu niệm tàu C235), 64 di tích cấp tỉnh và 10 di tích được khoanh vùng bảo vệ. 100% xã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao. Số lượt người dân đến tham gia các hoạt động của trung tâm ngày càng tăng. Các hoạt động văn hóa như: Hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao được duy trì tổ chức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM trên địa bàn thị xã vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần phải tháo gỡ như: Cần thực hiện tốt chủ trương kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế; đa dạng hóa các thiết chế văn hóa nông thôn, lựa chọn và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, cấp thôn, tích cực chủ động trong việc phát huy dân chủ. Đặc biệt, cần tạo được sự đồng thuận của chính cộng đồng, dòng họ, gia đình và các chủ thể văn hóa để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM; xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn…

GIANG ĐÌNH