Những tài danh ví, giặm vang bóng một thời trên quê hương Hà Tĩnh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, trèo non… Các lối hát, vì vậy, được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, ví phường đan, ví phường nón, ví phường củi, ví trèo non, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên… Cũng chính vì thế mà người hát không được gọi là liền anh, liền chị như dân ca quan họ mà chỉ gọi một cách dân dã, mộc mạc là o, anh, ông…

Hà Tĩnh có rất nhiều làng quê nổi danh về hát ví, giặm và việc tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản văn hóa này trong đời sống. Ảnh tư liệu

Xa xưa, trải dài từ các làng quê từ bờ Nam Bến Thủy đến mái Bắc Đèo Ngang, có rất nhiều làng hát, nổi tiếng nhất là làng Trường Lưu (Can Lộc), làng Đan Du (huyện Kỳ Anh) với những tài danh như o Nhẫn, o Cúc, o Uy, o Sạ. Họ không chỉ tham gia các cuộc hát, để lại nhiều câu hát nổi tiếng mà còn có sức hấp dẫn đối với tầng lớp tri thức, lôi cuốn những văn nhân này tham gia cuộc hát và sáng tác lời, đưa những câu hát dân ca ví, giặm lên tầm cao mới.

Xem thêm: Dấn thân trên con đường không bằng phẳng

Nằm ở chót cuối của tỉnh Hà Tĩnh, làng Đan Du (Kẻ Dua) nay thuộc xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất của ví, giặm. Người xưa tổng kết: “Đất Văn Tràng chạy cá/ Đất Trung Hạ đốt vôi/ Đất Cổ Đạm vắt nồi/ Đất Kẻ Dua bầy tôi/ Đứa nằm ngả trong nôi/ Cũng biết đàng hát giặm…”. Trên làng quê đó, đã xuất hiện những kỳ tài vang danh khắp vùng, lưu danh đến muôn sau như o Tộ, o Nộ, ông Việm, ông Liện… Và đặc biệt nhất là o Nhẫn - người đã để lại một lối hát đặc trưng gọi là ví o Nhẫn còn được truyền lại đến ngày nay.

Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm truyền dạy ví O Nhẫn cho thế hệ trẻ ở huyện Kỳ Anh. Ảnh Internet

Theo nhiều giai thoại và nhiều công trình nghiên cứu, o Nhẫn là một cô gái nhà nghèo, không được học hành, phải đi làm thuê ở nhà bá hộ. Ông bá hộ này lại mở trường chữ Hán, mời thầy về dạy nên trong quá trình làm việc, với bản chất thông minh, o đã lén học được không ít điển tích, thơ văn. Sau này, khi lớn lên, về nhà với mẹ, o Nhẫn chịu khó làm lụng giúp mẹ, nuôi em. Từ trong công việc, o có dịp tham gia các đám hát ví, giặm của làng. Lúc này, những kiến thức o từng lén học kết hợp với tư chất thông minh, khả năng ứng khẩu sắc sảo, o Nhẫn đã giành rất nhiều phần thắng ở các cuộc hát đối đáp, dù là với tao nhân mặc khách, những tài danh của các làng hát khác hay các quan nhân, nho sĩ…

Giai thoại kể lại, o Nhẫn từng thách thức: “Từ trời cao năm tấc cho đến én liệng nhạn bay/ Tả văn hữu võ, ai đến đây ta cũng không từ”. Và với tài năng của mình, o Nhẫn cũng đã trở thành lực hút để nhiều văn nhân tìm đến hát đối, trong đó đặc biệt có cụ Phan Bội Châu là bạn của cậu Cả Canh (Nguyễn Thức Canh) con của nhà nho yêu nước Nguyễn Thức Tự, người sau này đã tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Cụ Phan đến làng Đan Du không phải để hát ví nhưng vì nghe tiếng o Nhẫn nên đã nổi hứng hát đối đáp cùng o.

Xem thêm: Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự đêm nhạc nghĩa tình hướng về đồng bào vùng bão lũ

Từ các cuộc hát đối, o Nhẫn đã để lại cho làng Đan Du, cho kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 150 câu hát ví đặc sắc. Trong đó, có có những câu đối đáp rất thông minh, dí dỏm như: “Người ta bắt cáy đầy oi/ Răng em bắt được nạm cáy ròi rứa em - Lòng thương dạ nhớ thầy nho/ Chân buồn tay rụ, ai bắt cho mà đầy?”; hoặc “Nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Thuyền người ta sang cả, em cầm trào đợi ai - Mặc nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Em đợi người tri kỷ cầm trào cho em sang”; hay khi bị chọc ghẹo: “Nhất cao là núi Hoành Sơn/ Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi”, o Nhẫn đáp: “Chữ rằng nhân kiệt địa linh/ Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh anh tài”…

Trước o Nhẫn, ở làng hát ví phường vải Trường Lưu (Can Lộc) cũng có rất nhiều kỳ nữ nức tiếng khắp vùng. Theo một nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Huy Mỹ thì, hát ví phường vải Trường Lưu ban đầu chỉ là những câu ca dao dân dã, mọi người tự hát với nhau, đến đầu thế kỷ XVIII, khi Trường Lưu có Trường học Phúc Giang, tụ họp hàng trăm người, nhiều danh sĩ đất Bắc vào đây cũng đã say sưa với các đám hát phường vải. Đây cũng chính là thời kỳ đỉnh cao của hát ví phường vải.

Giai đoạn này, nổi lên các kỳ nữ như o Cúc, o Uy, O Sạ… là những người nổi tiếng thanh sắc tài duyên. Tài năng của họ trong các cuộc hát đối đáp được nhắc đến trong nhiều giai thoại. Họ không chỉ để lại cho kho tàng ví phường vải Trường Lưu nhiều câu hát ví độc đáo mà còn thu hút nhiều văn nhân, tài tử đến làng, tham gia hát và để lại nhiều câu hát còn lưu truyền đến muôn sau. Trong đó, “mặc khách” đặc biệt nhất phải kể đến Đại thi hào Nguyễn Du.

Không gian diễn xướng ví phường vải Trường Lưu được người dân Can Lộc tái hiện trên nhiều sân khấu biểu diễn. Ảnh tư liệu

Tích xưa kể lại, những năm tháng còn ở quê nhà, chàng trai phường nón Tiên Điền vì mong nhớ các kỳ nữ làng Trường Lưu nên thường lấy cớ sang thăm cháu gái (Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản - anh trai Nguyễn Du) để gặp gỡ. Có lần Nguyễn Du gặp một cô gái tên Cúc, người đẹp, giọng hay, nhưng phải một nỗi quá thì mà vẫn chưa chồng, bèn trêu: “Trăm hoa đua nở về xuân/ Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?”. O Cúc vốn dĩ là một người thông minh, bản lĩnh, bèn đối lại: “Vì chưng tham chút nhụy vàng/ Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu”, khiến cho Nguyễn Du phải bái phục.

Sau những đêm hát say sưa, cậu Chiêu Bảy đã cảm mến 2 kỳ tài của làng ví phường vải là o Uy, o Sạ mà để thương để nhớ lại rằng: “Phiên nào chợ Vịnh ra trông/ Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba”. Ấy thế mà có một độ, Nguyễn Du bặt tăm không đến làng khiến các kỳ nữ lòng thương dạ nhớ. Thấy vậy, cụ Nguyễn Huy Quýnh mới đứng ra viết bài Thác lời gái phường vải: “Tảng mai Hầu trở ra về/ Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng/ Cơi trầu chưa kịp tạ lòng/ Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời/ Trời làm chi cực bấy trời/ Cơi trầu này để còn mời được ai?/ Tím gan đổ hắt ra ngoài/ Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu/ Khi lên, đổ rối cho nhau/ Khi về, trút một gánh sầu về ngay”.

Đáp lại, Nguyễn Du đã viết bài Thác lời trai phường nón để nói về tình cảm của mình đối với các cô gái Trường Lưu, trong đó có những câu thơ rất ý nhị: “Giữa thềm tàn đuốc còn tươi/ Bã trầu chưa quét, nào người tình chung?/ Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu/ Làm chi cắc cớ lắm điều/ Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay…”.

Sau này Nguyễn Du cũng đã từng bày tỏ nỗi nhớ nhung, luyến tiếc tình cảm đằm thắm với o Uy, o Sạ qua Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ khi nghe tin 2 o đi lấy chồng: “Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu/ Vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả?/ Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng/ Hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả”.

Trải qua hàng thế kỷ, dẫu hình thức diễn xướng thay đổi nhưng dân ca ví, giặm vẫn khẳng định được sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Và những kỳ nữ như o Sạ, o Uy, o Nhẫn vẫn luôn là “tượng đài” sừng sững trong kho tàng dân ca ví, giặm của Hà Tĩnh, những câu chuyện của họ luôn truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nghệ nhân gắn bó với công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của quê hương.