Những sản phẩm đặc sắc từ vật liệu tưởng chừng bỏ đi của anh nhân viên rà phá bom, mìn

Trả lại bình yên cho mặt đất’ là công việc mà Hoàng Thanh Tùng (23 tuổi), trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị), cùng những đồng đội thực hiện hằng ngày. Trên những mảnh đất, cánh đồng tưởng như bình yên của vùng 'đất lửa' Quảng Trị vẫn còn tiềm ẩn mối nguy hiểm từ bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Chính vì vậy, Tùng chọn trở thành nhân viên rà phá bom mìn, vừa có thu nhập, vừa góp sức cho quê hương.

Trên những mảnh đất, cánh đồng tưởng như rất bình yên của vùng "đất lửa" Quảng Trị vẫn có thể tồn tại những mối nguy hiểm từ bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Theo Tùng, do tính chất nguy hiểm của công việc rà phá bom mìn nên yêu cầu tuyển dụng rất nghiêm ngặt. Những nhân viên như Tùng phải đảm bảo sức khỏe tốt về thể lực, sự nhanh nhẹn, bền bỉ và tính tỉ mỉ. Chỉ như vậy mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của công việc rà phá bom mìn trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm và ngoài trời.

Xem thêm: Tiếng khèn Mông trên vùng đất mới

'Rà phá bom mìn là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi vậy chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Khi làm việc, cần phải tập trung cao độ, thận trọng và tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc.' Tùng chia sẻ.

Nhiều người cho rằng nhân viên rà phá bom mìn phải dạn dày mưa nắng, thô kệch và cứng rắn. Nhưng nhờ năng khiếu và sự rèn luyện trong công việc, Tùng vẫn giữ cho mình một tâm hồn bay bổng cùng đôi tay khéo léo.

Hoàng Thanh Tùng tỉ mẩn với sản phẩm sau khi thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn.

Kết thúc một ngày làm việc căng thẳng và nguy hiểm, Tùng lại dành thời gian đắm mình trong không gian riêng trước hiên nhà để thỏa sức sáng tạo. Những ngôi nhà xưa với vách tường cũ kỹ, mái nhà lợp ngói, đình làng, cây đa cổ thụ... được Tùng tái hiện sinh động qua những mô hình nhỏ.

Xem thêm: Ấm áp đêm nhạc 'Nghĩa tình phương Nam'

Lúc còn đi học, tôi mê nuôi cá thủy sinh và thích trang trí các chi tiết nhỏ cho bể cá. Sau này, khi thấy trên mạng xã hội có thú chơi sưu tầm mô hình, đặc biệt là mô hình các ngôi nhà xưa, tôi bắt đầu tìm tòi và tự học cách làm,' Tùng chia sẻ.

Từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, với đôi tay khéo léo, nam thanh niên đã tạo nên những mô hình sinh động, lưu giữ ký ức của bao người.

Nguyên liệu để tạo ra những mô hình thủ công của Tùng chủ yếu là các loại phế thải như vỏ chai nhựa, que kem, đũa gỗ... Một số vật liệu kết dính thì Tùng phải bỏ kinh phí mua thêm. Từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, với đôi tay khéo léo, Tùng đã tạo nên những mô hình sinh động, lưu giữ ký ức thời xa xưa của bao người.

'Các sản phẩm của tôi đều làm thủ công 100%, được nhào nặn, cắt tỉa và gắn bằng tay. Vì vậy, làm một mô hình nhỏ mất khoảng 1 tuần để hoàn thiện, còn mô hình lớn hơn thì mất khoảng 1 tháng. Dù mất thời gian và công sức, nhưng thỏa mãn niềm đam mê của mình, tôi cảm thấy rất vui,' Tùng chia sẻ.

Nguyên liệu phần lớn là những phế liệu tưởng chừng bỏ đi.

Ban đầu, Tùng làm các mô hình để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo và tạo bộ sưu tập riêng cho bản thân. Tuy nhiên, khi Tùng đăng tải hình ảnh sản phẩm lên mạng xã hội, anh nhận được sự đánh giá cao từ nhiều người vì các sản phẩm rất ấn tượng.

Mặc dù lúc đầu Tùng còn ngại vì sợ chất lượng và tính thẩm mỹ chưa đủ, nhưng khi nhiều người ngỏ ý mua, Tùng dần tự tin hơn. Từ đó, anh đã biến đam mê thành cơ hội kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, sản phẩm của Tùng không chỉ nhận được đơn hàng trong nước mà còn có cả đơn đặt hàng từ nước ngoài

Chàng trai biến đam mê thành cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Nhiều người nhắn tin cho mình đặt hàng. Thấy đây cũng là cơ hội kiếm tiền, mình cố gắng cân đối thời gian để vừa làm công việc rà phá bom mìn, vừa tạo ra các sản phẩm bán cho mọi người. Trong năm 2023, mình đã làm được hơn 400 sản phẩm và bán cho khách hàng trong và ngoài nước,' Tùng chia sẻ.

Viễn Phương