Những bộ phim mới về Hà Nội: Khơi vẻ đẹp đa chiều của đất và người

Phim truyền hình “Mật lệnh hoa sữa” đã đưa đến nhiều hình ảnh đẹp, vừa cổ kính, vừa hiện đại của Thủ đô.

Thêm nhiều góc nhìn về Thủ đô

“Mật lệnh hoa sữa” - bộ phim nằm trong dự án phim truyền hình dài tập “Vì tình yêu Hà Nội”, đang chiếu những tập đầu trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bộ phim dài 40 tập, do đạo diễn Nguyễn Tất Kiên dàn dựng, khai thác câu chuyện về quá trình chiến đấu không mệt mỏi với nhiều hy sinh thầm lặng khuất sau những chiến công hiển hách của những chiến sĩ công an đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Thủ đô. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu như các Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, Việt Thắng; các Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Phùng Tiến Minh, Minh Thảo, Kiều Anh; các nghệ sĩ Anh Tuấn, Minh Cúc, Huy Hoàng… cùng nhiều gương mặt trẻ như Võ Hoài Vũ, Hà Thành, Thu Thủy…

Xem thêm: Chiêm ngưỡng loạt bia đá cổ khắc 'lời vàng' của vua chúa nhà Nguyễn

Cũng dài khoảng 40 tập, bộ phim thứ hai trong dự án “Vì tình yêu Hà Nội” có tên gọi “Hà Nội trong mắt em” của đạo diễn Đào Thanh Hưng, lại khai thác câu chuyện khác về Thủ đô. Thông qua 5 cô gái trẻ có tính cách và vẻ đẹp khác nhau, bộ phim mở ra những câu chuyện đầy màu sắc, tươi mới về Hà Nội vừa hiện đại vừa cổ kính, vừa sôi động nhưng cũng có lúc trầm lắng, với những con người giản dị, ẩn hiện nét tài hoa… Phim đang dần hoàn thiện và ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Không chỉ có phim truyện, các thể loại điện ảnh khác cũng có nhiều tác phẩm mới ghi dấu ấn. Có thể kể đến bộ phim tài liệu “Hóa giải” của đạo diễn Vũ Anh Nhất, Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, vừa đoạt giải Nhất Liên hoan phim ngắn Hà Nội (giải Sao Khuê) lần thứ nhất, năm 2024. Phim dài gần 30 phút, khai thác đề tài hậu chiến, kể về nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau gần 3 thập niên, thông qua các cuộc gặp gỡ giữa các cựu phi công của hai nước. Từ đó, khán giả không chỉ thấy được sự khốc liệt của chiến tranh mà còn cảm nhận được giá trị của hòa bình. Phim cũng khắc họa nổi bật lòng nhân ái của người Hà Nội, người Việt Nam.

Ở thể loại hoạt hình, bộ phim “Nữ tướng Mê Linh” của Nghệ sĩ ưu tú Phùng Văn Hà, do Hãng Phim hoạt hình Việt Nam sản xuất, cũng gây ấn tượng với giải Nhì Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất. Với thời lượng 30 phút, bộ phim hoạt hình 3D này đem đến người xem những cảnh dựng hoành tráng, công phu, có tính sử thi, làm nổi bật hình tượng nhân vật Bà Trưng và lịch sử nước Việt.

Ngoài ra, còn một số bộ phim mới về Hà Nội khác, như “Ngày mai có nắng” (đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang), “Ký ức tháng 12 năm 1972” (đạo diễn Hoàng Dũng), “Món nợ ân tình” (đạo diễn Nguyễn Tài Văn), “Bà của Đỗ Đỏ” (đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Linh), “Bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (đạo diễn Lê Thi), “Cái nhìn” (Nguyễn Phương Hoa)… Các bộ phim đều được chiếu trên các kênh sóng truyền hình và nền tảng mạng xã hội để lan tỏa tới khán giả.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho đoàn làm phim “Hóa giải” tại Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất.

Một vùng đất đáng sống và cống hiến

Hà Nội luôn là đề tài gợi cảm hứng cho các văn nghệ sĩ, nhưng để làm nên một tác phẩm hay, hấp dẫn là thách thức không nhỏ, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh cần sự sáng tạo, hợp tác tập thể. Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên của “Mật lệnh hoa sữa” giãi bày, bộ phim này thuộc thể loại hình sự, không dễ để khoe bối cảnh, không gian đẹp về Hà Nội. Nhưng ê kíp đã nỗ lực chọn góc máy, khuôn hình để lồng ghép nhiều hình ảnh Hà Nội phát triển, đẹp đẽ mà vẫn giữ nét cổ kính vào bộ phim. Không chỉ vậy, tác phẩm còn khai thác câu chuyện về người Hà Nội...

Tham gia bộ phim “Hà Nội trong mắt em”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Lực cho hay, anh vào vai gần giống với những nhân vật tài tử mà mình từng thể hiện. Nam diễn viên nhận định, “Hà Nội trong mắt em” là một góc nhìn mới về Hà Nội đầy hiện đại, văn minh với những người trẻ năng động, thức thời.

Với bộ phim “Hóa giải”, đạo diễn Vũ Anh Nhất chia sẻ, phim khắc họa nổi bật lòng yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thông điệp đó cũng thể hiện sâu sắc danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO ghi nhận cho Hà Nội.

Qua những bộ phim mới về Hà Nội gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận, đó là tâm huyết của những người làm điện ảnh để mang đến cho khán giả những thước phim chân thực và cảm động về những con người gắn bó với từng nhịp thở của đời sống Thủ đô, tạo nên một bức tranh sinh động, chân thực về Hà Nội - một Thủ đô đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Xem thêm: Khi thanh niên chung tay xóa bỏ tập tục văn hóa có hại

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh là một lĩnh vực giàu tiềm năng, được tập trung đầu tư phát triển để không chỉ phục vụ nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân mà còn thúc đẩy du lịch và xuất khẩu văn hóa. Phó Chủ tịch Hà Minh Hải tin tưởng, những nhà làm phim tiếp tục thực hiện những tác phẩm quý về Hà Nội để lan tỏa hình ảnh Thủ đô thanh bình, thịnh vượng, kết nối toàn cầu; người dân thanh lịch văn minh, yêu chuộng hòa bình, thân thiện mến khách đến với bạn bè năm châu.

Thụy Du