Nhìn lại 20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam

Bên cạnh sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện các tổ chức cộng đồng, nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể về: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; hát xoan Phú Thọ; ca trù; hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc; cộng đồng thực hành nghệ thuật Diều và Nghề nặn con giống bột Xuân La (TP Hà Nội).

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, hội thảo nhằm góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; liên hệ với Luật Di sản văn hóa; chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Xem thêm: Xây dựng đường kiểm tra cột mốc: Thêm vững bước canh giữ dải biên cương (kỳ 1)

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia, quốc tế được quy định trong Công ước đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.

Tính đến nay, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 534 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp)... phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người.

Thực hiện chương trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được bổ sung, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể theo bối cảnh thực tế của Việt Nam và Công ước 2003.

Xem thêm: Lễ hội mùa Đông của Sa Pa hút khách với nhiều sản phẩm du lịch mới

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận được đưa ra, nhận diện các thách thức, những mặt tồn tại của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh phát triển, hiện đại hóa, chuyển đổi xã hội và công nghệ; qua đó chia sẻ các trường hợp điển hình về các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, với điểm nhấn là TP Hà Nội.

Phương Mai/ Báo Tin tức