Nhiều kỳ vọng của du lịch xứ Dừa

Độc, lạ xứ Dừa…

Giờ mỗi khi nhớ lại những chuyến rong rủi miền Tây, anh bạn tôi ở Hà Nội vẫn nhắc nhiều đến lần anh được đắm mình trong không gian của miệt vườn, đặc biệt là có những trải nghiệm tuyệt vời khi được lần lượt đặt chên lên Long - Lân - Quy - Phụng (tên các cồn trên sông Tiền, ngay cạnh chân cầu Rạch Miễu). Lần đó anh được trực tiếp bơi xuồng, được thưởng thức nhiều sản vật của miền sông nước, trong đó có các sản phẩm đặc sắc từ dừa, kể cả mật ong ruồi. Và khi rời xuồng lên bờ, anh được… ngồi xe ngựa, thả hồn theo tiếng vó ngựa lộc cộc trên con đường quê mát rượi...

Khu du lịch Làng Bè ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: KDL Làng Bè.

Xem thêm: Xúc động ngày bộ đội chia tay Làng Nủ

“Giờ nếu có thời gian chừng 1 tuần quay lại miền Tây, tôi vẫn chọn Bến Tre để tiếp tục khám phá những độc đáo tại hàng chục dãy đất nằm giữa các sông lớn chảy qua địa phận tỉnh như cù lao Đất, cù lao Linh, cù lao Tâm Hiệp (Cồn Tàu), Cồn Ốc, cồn Phú Đa, Cồn Nổi, cồn Phú Bình…”, anh bộc bạch và cho biết, riêng chỉ riêng “du lịch cồn” đã là nét đặc trưng rất hấp dẫn, không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ban tặng như tại Bến Tre.

Với nhiều bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh và có cả khách… Tây, thời gian gần đây, địa điểm du lịch sinh thái “Người Giữ Rừng” ở ven biển huyện Bình Đại lại là một lựa chọn thú vị. Không phải chỉ được sống giữa rừng ngập mặn ven biển, trực tiếp bắt tôm, cua, hàu, vọp, tự tay chế biến những món do tự tay mình “săn bắt hái lượm” theo đúng khẩu vị của mình, đến đây, du khách còn hào hứng khi được tham gia chương trình rất đặc biệt, đó là trồng rừng. Cảm nhận về câu nói “1 cây chỉ là 1 cây, nhưng nhiều cây sẽ là rừng”, nhiều bạn trẻ sau đó đã quay lại đây chủ yếu để xem những cây đước do chính tay mình trồng nay đã thế nào.

Du khách thích thú khi được đắm mình trong không gian sông nước ở Bến Tre. Ảnh: Đ.H.L

Mấy hôm trước, trò chuyện với chúng tôi, chủ cơ sở du lịch này – một tri thức trẻ đã mạnh dạn “bỏ phố về rừng” Trịnh Thị Ngọc Hiện cho biết, sau nhiều năm, giờ càng thấy những tư vấn đúng đắn mà ngay từ đầu chị nhận được, đó là khai thác du lịch gắn liền với tác động tích cực cho rừng, cụ thể là vừa quản lý tốt phần rừng đang có và tiếp tục trồng lại rừng. Giờ đây, nơi đây tựa như một một nông trại sinh thái nuôi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn; cả chủ và khách cùng người dân địa phương đều tích cực thực hiện sứ mệnh quảng bá lợi ích của rừng ngập mặn thông qua các hoạt động du lịch. Với cách làm này, Người Giữ Rừng được lãnh đạo tỉnh đánh giá là sản phẩm du lịch sáng tạo, đúng hướng...

Điểm đến hấp dẫn

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”, dự kiến khai mạc trong 10/2024 tới, du lịch là một lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh sẽ mời gọi đầu tư.

Xem thêm: Thông qua dự thảo kế hoạch (lần 2) tổ chức kỷ niệm 50 năm giải phóng Phước Long

Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh trong những năm tới theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch biển; du lịch về nguồn;… Bến Tre đặc biệt chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn.

Các du khách nhí thích thú khi cùng với phụ huynh đến với khu du lịch sinh thái Người Giữ Rừng tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Lãnh đạo tỉnh cho biết đây là loại hình du lịch rất có tiềm năng phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bến Tre nói riêng bởi cảnh quan tự nhiên vùng sông nước, miệt vườn kết hợp với cảnh quan nhân sinh tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Riêng đối với khách quốc tế - những người đến từ nền văn hóa khác biệt, việc được tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp cùng nông dân là trải nghiệm lý thú trong chuyến hành trình. Việc phát triển du lịch nông nghiệp không những góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới, tận dụng được thế mạnh về văn hóa, cảnh quan, con người địa phương, thu hút du khách đến trải nghiệm, đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Theo quy hoạch, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Bến Tre tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP Bến Tre, theo hướng gắn kết giữa sản phẩm OCOP (sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương cấp xã) với phát triển du lịch. Cụ thể, hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Ở chiều ngược lại, các sản phẩm OCOP góp phần thu hút khách du lịch và mở rộng các chương trình du lịch.

Một hướng gợi mở tiếp theo đó là phát triển du lịch sinh thái gắn với trang trại nông nghiệp. Theo đó, các trang trại là địa điểm để tổ chức các chương trình tham quan, tìm hiểu và tham gia vào các quy trình tạo ra sản phẩm, từ phương pháp canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến, làm các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa bản địa. Khách du lịch có thể mua các sản vật đặc trưng sau khi khám phá vườn dừa, thu hoạch dừa; trải nghiệm gặt lúa, bắt cá tại các trang trại…

Du khách trẻ thích thú khi đến KDL Lan Vương, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Ðể đảm bảo phát triển bền vững, cần thiết tỉnh sẽ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ; tăng cường quảng bá và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Bến Tre cũng sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch MICE; du lịch đêm; du lịch tâm linh; du lịch tham quan năng lượng xanh… Lưu ý phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tổ chức hợp lý không gian phát triển du lịch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Du lịch 2017, Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025;…

Thái Bình