Nhà thờ thánh Basil (LB Nga): Kiệt tác đánh đổi bằng đôi mắt của kiến trúc sư thiên tài

Nhà thờ Thánh Basil là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới, tọa lạc ở phía nam Quảng trường Đỏ của Liên Bang Nga.

Nằm về phía nam của Quảng trường Đỏ, Nhà thờ Thánh Basil (tên gọi khác là Thánh đường Basil) là một sự pha trộn hoàn hảo giữa vẻ nguy nga, tráng lệ của một công trình tôn giáo biểu tượng, đầy sặc sỡ, như một tòa lâu đài bước ra từ trong cổ tích. Nhà thờ được khởi công vào năm 1555, đến năm 1561 mới hoàn thành.

Ban đầu, Nhà thờ Thánh Basil chỉ có 8 tòa tháp, mỗi tòa tháp tượng trưng cho một lần tấn công vào Hãn quốc Kazan. Đến năm 1588, tòa tháp thứ 9 được xây dựng ở phía Đông để làm nơi chứa hài cốt của linh mục Chính thống giáo, một trong những huyền thoại nổi tiếng của nước Nga – Vasily Blazhenny (1468 - 1552). Ông là người có khả năng tiên tri chính xác, đoán được ngày chết của nhiều người (trong đó có cả vua Ivan) và nhiều sự kiện nổi bật.

Xem thêm: Chiến sĩ tên lửa và đoàn viên tỉnh Hòa Bình vui Xuân canh trời

Quần thể Nhà thờ Thánh Basil được xây chủ yếu bằng gạch đỏ theo phong cách Byzantine ở Nga. Tòa điện chính của nhà thờ khoảng 81m được bao quanh bởi 9 tòa tháp với nhiều màu sắc sặc sỡ và 1 tháp chuông.

Các tòa tháp được bố trí đối xứng xung quanh tòa tháp chính.

Nhìn từ trên cao, nhà thờ trông như một ngôi sao tám cánh. Cấu trúc đặc biệt này mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong Thiên chúa giáo: Ngôi sao 8 cánh dẫn đường cho ánh sáng đến với loài người.

Kiến trúc bên trong của Nhà thờ thánh Basil mang phong cách trang nghiêm. Bên trong không có nhiều phòng cho các linh mục, mà gồm nhiều phòng nguyện nhỏ. Toàn bộ những bức tường trong nhà thờ được trang trí bằng những hình ảnh hoa lá với gam màu nhẹ nhàng, tinh tế cùng nhiều bức tranh tỉ mỉ, công phu.

Kiến trúc bên trong của Nhà thờ thánh Basil mang phong cách trang nghiêm, các bức tường được trang trí tỉ mỉ, tinh tế.

Họa tiết trang trí rất cầu kì, lộng lẫy.

Lịch sử về Nhà thờ Thánh Basil luôn xoay quanh những câu chuyện ly kỳ với nhiều bí ẩn. Tương truyền rằng, ban đầu, Sa hoàng Ivan IV (còn được biết đến với tên gọi là “Ivan bạo chúa”) cho xây 8 nhà thờ riêng lẻ cho từng ngày lễ kỷ niệm riêng biệt, nhưng rồi cho phá bỏ, bởi những gì xây nên không giống như trong tưởng tượng của ông. Sau đó, Sa hoàng Ivan IV giao cho Postnik Yakovlev - kiến trúc sư nổi danh ở Nga lúc bấy giờ, nghiên cứu xây dựng một nhà thờ hoành tráng, nhằm mục đích tôn vinh chiến thắng của Nga trước Hãn quốc Kazan.

Bằng sự tài hoa của mình, trong vòng 6 năm, Postnik Yakovlev đã tạo nên không chỉ là một nhà thờ to lớn đẹp đẽ, mà còn trở thành một biểu tượng mang bản sắc văn hóa của xứ sở Bạch Dương. Sau khi hoàn thành, Sa hoàng Ivan IV rất ưng ý với công trình vĩ đại này. Thế nhưng, thay vì ban thưởng cho kiến trúc sư Postnik Yakovlev, người đứng đầu đất nước Nga lúc bấy giờ đã ra lệnh làm mù hai con mắt của ông, để sau này ông không thể xây dựng thêm bất kì công trình nào khác đẹp đẽ hơn Nhà thờ Thánh Basil nữa. Chính vì vậy, nhiều người Nga cho rằng, Nhà thờ Thánh Basil là một kiệt tác đẹp nhưng thấm đẫm sự bi thương, bởi nó được đánh đổi bằng chính đôi mắt của một kiến trúc sư thiên tài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là một truyền thuyết.

Nhà thờ Thánh Basil được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (ảnh: Thanh Thảo).

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Nhà thời Thánh Basil đã hai lần suýt bị “xóa sổ”. Lần thứ nhất vào năm 1812, khi Napoleon Bonaparte chiếm đóng Matxcova. Ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của Nhà thờ Thánh Basil, Napoleon đã có ý định đưa toàn bộ khối kiến trúc này về đặt ở Paris. Tuy nhiên, khi biết ý định không thể thực hiện, Napoleon đã ra lệnh gài thuốc nổ khắp nơi để cho nổ tung công trình này, nhưng khi ngòi nổ được đốt cháy, một cơn mưa rào đổ xuống “cứu sống” Nhà thời Thánh Basil.

Lần thứ 2 vào năm 1930, khi tái quy hoạch Quảng trường Đỏ, có một ý kiến đề xuất phá bỏ Nhà thờ Thánh Basil vì cho rằng công trình này làm hỏng kiến trúc chung của khu vực và cản trở các lễ diễu hành. Trước sự phản ứng quyết liệt của giới kiến trúc sư và dân chúng, Stalin đã quyết định giữ lại nhà thờ.

Xem thêm: Làng hương thẻ nức tiếng xứ Nghệ tất bật những ngày giáp Tết

Năm 1990, Nhà thờ Thánh Basil chính thức trở thành một phần di sản văn hóa thế giới cùng điện Kremlin và Quảng trường Đỏ do UNESCO công nhận. Ngày nay, vào những dịp lễ lớn, nhà thờ St. Basil là nơi cử hành thánh lễ cho công chúng tham gia.

Tiến Hào