Người Mông và ước vọng Gầu tào

Thầy cúng thực hành nghi lễ dựng cây nêu.

Giờ đây, khi cái bụng đã ấm, già trẻ, trai gái người Mông nơi đây đều háo hức mong chờ sẽ được gặp gỡ, hò hẹn vào mùa xuân tới khi Lễ hội Gầu tào vừa được phục dựng thành công.

Tâm linh và hiện thực

Xem thêm: Trân trọng nguồn cội

Gầu tào theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Ước vọng Gầu tào chính là cầu mong thần linh phù hộ một năm mưa thuận gió hòa để thóc lúa đầy bồ, đồng ruộng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc.

Lý giải về điều này, thầy cúng Vàng Chá Thào chia sẻ: Xưa kia, theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, khi những gia đình, dòng họ không có con cái để nối dõi tông đường hoặc những gia đình gặp nhiều điều xui xẻo trong cuộc sống thì mới làm lễ cầu khấn (lễ cầu tự) và yểm vào núi, đồi hay các tảng đá lớn phù hộ ban cho con cái, tài lộc... Qua các năm sau đó nếu điều ước của các gia đình, dòng họ thành hiện thực thì gia chủ, trưởng dòng họ phải đi mời thầy cúng và định thời gian để tổ chức lễ hội Gầu Tào, tạ ơn thần núi, thần sông, tạ ơn trời đất đã đáp ứng lời thỉnh cầu của mình. Nếu gia chủ, dòng họ, thôn bản nào đứng ra tổ chức lễ hội Gầu tào thì phải tổ chức lễ tạ ơn liền trong 3 năm liên tục.

Thanh niên khỏe mạnh được lựa chọn để dựng cây nêu.

Ngày nay, ngoài mục đích cầu tự, đồng bào tổ chức lễ hội Gầu tào để cúng tạ ơn trời đất, thần linh, thổ công, thổ địa phù hộ độ trì ban cho gia chủ con cái khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường; cầu phúc, cầu lộc cho dân làng. Đây cũng là dịp để người người gặp gỡ, tâm tình, vui chơi và thi đấu tài năng như: Thi hát đối các làn điệu dân ca giao duyên hay các điệu múa khèn; thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc... để sẵn sàng bước vào một năm mới gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.

Linh thiêng nghi lễ dựng cây nêu

Theo truyền thống người chủ trì lễ hội Gầu tào là thầy cúng. Ngoài ra, có 2 người phụ giúp thầy cúng, một đôi vợ chồng đại diện cho làng bản tham gia hát đối; 5 thanh niên tham gia cùng dựng cây nêu. Trước đó người Mông phải chuẩn bị cây nêu là cây tre to, cao khoảng 7m, có ngọn và 5 cây tre nhỏ cắm xung quanh.

Lễ vật dâng cúng là những sản vật gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông gồm:1 đầu lợn, 2 con gà, 1 đĩa xôi, hương, giấy mã, 1 bó lúa nếp, 1 bó ngô bắp, 1 bó đậu tương, sợi lanh, vải đỏ, 1 bàn vuông, 1 đèn, chén, 1 lọ cắm hương, 1 chum đựng nước, 1 bầu giót rượu... Đạo cụ như khèn, nỏ, dao… là công cụ người Mông dùng hàng ngày trong lao động, sản xuất.

Xem thêm: Hà Nội: Du khách xuống phố Phan Đình Phùng đón Thu

Cây nêu gửi gắm ước vọng ấm no, hạnh phúc của người Mông.

Đến giờ đẹp, hàng trăm cặp mắt hồi hộp dõi theo thầy cúng thực hành nghi lễ dựng cây nêu. Thầy cúng và những người thực hành di sản tập trung xung quanh khu vực dựng cây nêu và địa điểm đặt mâm lễ. Thầy cúng làm động tác định vị bốn hướng, quyết định điểm cắm cây nêu. Hai vợ chồng dâng thuốc lào, rượu bước đến trước mặt thầy cúng thỉnh cầu:

Những năm trước đây do cuộc sống của gia đình và dân bản còn gặp nhiều khó khăn nên chúng con đã cầu xin với thần linh sông núi phù hộ độ trì ban cho chúng con và dân bản có con cái nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên dòng họ, học hành, công tác thành đạt và mùa vụ được bội thu. Từ đó đến nay chúng con đã được hưởng nhiều điều may mắn, có của ăn, của để... Mùa xuân năm nay con và dân bản sắm được mâm lễ nhờ thầy làm lễ tạ ơn với trời đất, thần linh sông núi để sang xuân mới người người, nhà nhà đều hoan hỉ vui vẻ, làm ăn làm mặc, mùa vụ được bội thu và tấn tài, tấn lộc…”

Thầy cúng nhận thuốc lào, uống hai chén rượu, lấy hương giấy vàng mã làm thủ tục xin thổ công cắm cây nêu mở hội tại đây để bà con dân bản đến đua tài vui xuân. Hai người phụ thầy bên mâm lễ bày lên bàn và rót 4 chén rượu. Thầy cúng đốt hương rồi đổ chén rượu theo bốn hướng xin phép dựng cây nêu và khấn:

Hôm nay tôi thay mặt dân làng xin phép dựng cây nêu mở hội Gầu Tào tại đây. Cầu cho một năm mới người người, nhà nhà khỏe mạnh, con cái chăm ngoan và làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc”.

Cuối cùng, thầy nâng con gà trống lên rồi làm phép, sau đó tung con gà trống bay đi. Khi gà rơi xuống đất, đầu gà quay về hướng nào thì ngọn cây nêu phải quay về hướng đó. Lúc này, năm chàng trai khỏe mạnh nhanh chóng dựng cây nêu theo hướng con gà đã chỉ. Năm ngày sau, Thầy cúng làm lễ hạ cây nêu với mâm lễ gồm: Một con gà luộc chín, một đĩa xôi, rượu, nước…

Hiện thực giấc mơ

Trong lễ hội Gầu Tào, một nghi lễ không thể thiếu sau khi dựng cây nêu là nghi thức bắn nỏ. Thầy cúng dùng cây nỏ bắn lên trời ba mũi tên với mục đích xua đi tà ma, không cho chúng trở về làm hại con người. Mũi tên bắn đi còn tượng trưng cho sức mạnh, khát vọng, ý chí chinh phục thiên nhiên của người Mông. Bởi trong cuộc sống thường nhật, những người đàn ông dùng cây nỏ để săn bắn thú rừng trên rừng sâu. Vì thế, cây nỏ là vũ khí bảo vệ cho cuộc sống được bình yên, xua tan đi những rủi ro bất trắc.

Đồng bào Mông xã Yên Lâm vui hội Gầu tào.

Trong lễ hội Gầu tào, tiếng khèn Mông vang vọng khắp đất trời. Bởi người Mông vẫn truyền nhau câu nói:: “hãy nghe tiếng khèn một ngày, để nhớ tiếng khèn một đời...”. Âm thanh của khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống người Mông khi đương đầu với sự khắc nghiệt nơi núi cao, rừng sâu. Khèn cùng người tấu lên những giai điệu hoang dã, nguyên khôi mà say đắm của núi rừng. Núi vút ngàn cao, rừng bao la rộng, cũng chẳng làm chìm khuất tiếng khèn đầy khát khao, dạt dào sức sống. Chính vì thế, tiếng khèn được thầy cúng tấu lên ngay sau khi dựng thành công cây nêu như thấu tận trời xanh, để biến những điều ước của Mông thành hiện thực.

Đúng thế, ước mơ của hơn 1.000 người Mông ở các thôn Tháng 10, Ngòi Sen, Quảng Tân, Thài Khao của xã Yên Lâm đang ngày càng rộng mở. Ở đây, cùng với những hoạt động phát triển kinh tế, người Mông vẫn gìn giữ phong tục tập quan, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống. Nhờ vậy, các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, đánh cù… vẫn tồn tại trong đời sống người Mông. Các nghề thủ công truyền thống với các sản phẩm độc đáo, thêu may trang phục, rèn đúc công cụ lao động như: dao, cuốc, lưới cày… vẫn là sản phẩm độc đáo, riêng có của người Mông.

Giữa núi rừng Yên Lâm, đồng bào Mông vẫn ngày ngày cần mẫn dựng xây cuộc sống mới, dệt nên những bản làng ấm no, trù phù. Họ luôn biết ơn thần linh đã che chở để có thóc lúa đầy bồ, trâu bò khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc. Tất cả được gửi gắm đầy đủ, sâu sắc qua lễ hội Gầu tào đậm màu sắc dân tộc, linh thiêng, huyền bí.

Bài, ảnh: Hoàng Anh