Người 'mở đất' trên vùng Tây Bắc

Ông Phan Trọng Choắt.

Ông Phan Trọng Choắt, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay sinh sống tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, là một trong những thanh niên đầu tiên của Hưng Yên tham gia xây dựng vùng kinh tế mới tại Sơn La. Ở tuổi 87, ông còn minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn nhớ như in về những ngày đầu “mở đất” ở Sơn La.

Ông Choắt nhớ lại: Năm 1960, khi mới 23 tuổi, với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ nên đã viết đơn xung phong tham gia phong trào lên Tây Bắc. Ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Sơn La là một ngày đông lạnh giá, nhưng tất cả đều mang một khí thế hừng hực của thanh niên, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, những đảng viên, thanh niên của Hưng Yên đã hành quân lên Tây Bắc như đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ngày đó, mỗi người được phát một chiếc balo, một đôi đũa, một đôi dép cao su và lên xe hướng về Tây Bắc. Bà con Hưng Yên, người thân đứng dọc quốc lộ 39 vẫy cờ, hoa tiễn chúng tôi lên đường.

Xem thêm: Trạng nguyên và câu đối 'Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò'

Ông Choắt nhớ như in về cung đường lên Tây Bắc thật khó khăn, đi hết quốc lộ 5, đi qua Hà Nội, Hà Đông, rồi ngược lên Tây Bắc, Hòa Bình, Chợ Bờ, Mộc Châu... càng đi con đường càng hiểm trở, vách cao, vực sâu, ngoằn ngoèo. Đường đi chỉ vừa hai bánh xe, đất bùn nhão nhoét, trơn trượt, hai bên đường là tà luy dựng đứng và vực sâu thăm thẳm, cây cối um tùm, rắn rết, vắt xanh, vắt đỏ... Ngồi trên xe tải xóc như xóc ốc, nhiều người bật khóc không cầm được nước mắt, nhiều người nôn thốc nôn tháo vì lần đầu đi ô tô say xe... Lúc này, cảm giác sợ hãi, lo lắng lẫn lộn vì lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất gọi là “nước Sơn La, ma Vạn Bú”. Cuối cùng, sau 3 ngày 3 đêm dài đằng đẵng, đoàn người đã đặt chân đến mảnh đất Sơn La.

Ông Phan Trọng Choắt (giữa) và đoàn công tác Bảo tàng Sơn La chụp ảnh kỷ niệm bên cây nhãn lồng tại gia đình.

Những ngày đầu trên mảnh đất mới, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, ăn uống kham khổ, anh em chia nhau từng củ sắn, củ khoai, bệnh tật đeo bám, thuốc thang khan hiếm, lại thêm nỗi nhớ nhà nên nhiều người có ý định quay trở về quê. Ông Choắt kể: Lúc đó tôi lại nhớ đến lời căn dặn của Bác “... Công việc của các cô, các chú được Đảng, Chính phủ giao lên Tây Bắc cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng quê hương mới giàu đẹp, văn minh, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho Tây Bắc trở thành phên giậu của quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Chính phủ, do vậy các cô, các chú phải hết sức cố gắng...”. Vì thế, chúng tôi quyết tiến, không lùi, đồng bào miền xuôi vẫn kiên trì, bám đất, từng bước khắc phục khó khăn, đề ra phương hướng phát triển, thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương thứ hai phát triển giàu đẹp.

Trải qua 64 năm, những người khai hoang cùng ông Choắt năm đó, người còn, người mất. Ông luôn nhớ về họ, những người đã cùng ông đặt nhát cuốc đầu tiên lên mảnh đất Sơn La. Đến nay, những gì lưu giữ được là kỷ niệm, hồi ức và cây nhãn lồng cổ, chiếc hòm gỗ lát, cối đá năm xưa.

Hồi ấy, lúc lên Sơn La, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã động viên đoàn và tặng mỗi người 3 quả nhãn lồng, đặc sản của quê hương, ông Choắt để dành đến nơi mới dám ăn. Với mong muốn lưu giữ lại chút hương vị quê hương trên mảnh đất mới, ông đã đem hạt đi trồng, đến nay cây nhãn đã to lớn, hằng năm ra hoa, kết quả sai trĩu. Mỗi khi đến mùa, ông thường chia nhãn cho các con, cháu và hàng xóm, nhắc con cháu phải luôn nhớ về đến quê hương, tổ tiên của mình.

Lãnh đạo Bảo tàng Sơn La trao Giấy chứng nhận hiến tặng hiện vật cho ông Phan Trọng Choắt.

Chỉ cho chúng tôi xem chiếc hòm gỗ lát, ông Choắt hồi tưởng: Năm 1961, tỉnh Hưng Yên có chủ trương vận động và tuyển các thợ thủ công lên Sơn La phát triển sản xuất, tôi được cử làm quản lý đội sản xuất xưởng mộc. Khi đó, tôi đã tự tay chọn gỗ lát, đóng hòm để đựng giấy tờ, quần áo của gia đình.

Từ đó đến nay, chiếc hòm gỗ vẫn được ông Choắt sử dụng, giữ gìn cẩn thận. Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi khi được ông hiến tặng chiếc hòm gỗ lát, cối đá cho Bảo tàng Sơn La để phục vụ công tác trưng bày, qua đó, giới thiệu đến với công chúng về sự lao động thầm lặng của của những người con miền xuôi lên miền núi, để góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La.

Xem thêm: Hòn đảo bí ẩn của Việt Nam từng đại diện châu Á lọt vào top thế giới

Trải qua bao khó khăn, gian nan là vậy, nhưng ông Choắt cùng những người miền xuôi vẫn một lòng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, giương cao ngọn cờ quyết tâm. Đã 64 năm trôi qua, diện mạo của Sơn La nay đã khác, đất hoang đã thành vườn, thành thôn, thành xã với những ngôi nhà cao tầng, con đường trải nhựa, vườn cây ăn quả rộng lớn, đời sống người dân ổn định, ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Hồng Liên (CTV)