Người bạn trong tim

Mỗi lần nhớ về chị, tôi như thấy nụ cười hiền cố che đi sự mệt mỏi bởi những lần chị phải vào thuốc và cả nụ cười rực sáng hạnh phúc khi chị nói với tôi: “Chị để dành 2 hộp bánh trung thu này mang về cho các con…”.

Tôi nhớ mãi ngày nhập viện tại Bệnh viện K, Hà Nội gần 10 năm trước. Vì đông bệnh nhân và là “lính mới” lại chưa có lịch mổ nên tạm thời tôi chưa có giường bệnh riêng. Điều đó đồng nghĩa với việc đêm tôi phải trải chiếu xuống nền nhà để ngủ. Thế nhưng, chị Xuyến - bệnh nhân cùng phòng, đã cho tôi ngủ chung giường. Chính sự thân thiện, dễ mến và tốt bụng ấy đã khởi đầu cho tình bạn đẹp của hai chị em.

Quê chị Xuyến ở tỉnh Thái Bình. Chị kể nhà chị nghèo lắm, giờ lại mắc bệnh nặng phải nằm viện dài ngày điều trị nên càng khó khăn. Giọng chị nghẹn lại khi nhắc tới chồng và 2 đứa con đang tuổi lớn: “Chị bị K giai đoạn 3 rồi, chẳng biết có kéo dài được lâu không?”. Nghe chị tâm sự, trong tôi như có gì đó bóp nghẹn nơi lồng ngực, khóe mắt cay cay.

Xem thêm: Bình Dương: Cháu trai tưới xăng thiêu sống cậu tại nhà

Tôi có phần may mắn hơn chị bởi các bác sĩ chẩn đoán tôi có khối u ở xương hàm nhưng nhiều khả năng lành tính. Thế rồi, cũng từ đó trong khoảng thời gian chờ được sắp lịch mổ, tôi và chị Xuyến dần trở nên thân thiết. Chị có “thâm niên” ở bệnh viện nên bất kể việc gì liên quan chị đều hướng dẫn tôi tận tình.

Ngày chị Xuyến vào phòng mổ, cả phòng chúc chị “vững tin và may mắn”. Chị cười chứa chan niềm hy vọng. Sau 2 ngày nằm ở phòng hồi sức, chị được đưa về phòng với chúng tôi. Dù sức khỏe còn yếu và chưa thể nói được nhiều nhưng chị vẫn viết trên máy điện thoại với tôi: “Bác sĩ bảo ca mổ của chị thành công”. Tôi cười đầy hạnh phúc.

Sau đó, vì mẹ chị phải về quê lo cho các cháu, chồng chị bận đi làm để trang trải viện phí và sinh hoạt gia đình, vậy là tôi tình nguyện hỗ trợ chị. Dịp ấy cũng gần tết Trung thu. Các nhà từ thiện ngoài suất cháo hằng ngày miễn phí, dịp này còn tặng bệnh nhân phần quà là bánh trung thu và sữa hộp nhằm động viên. Tôi cũng được tặng một phần, nhưng khi ấy con tôi mới 8 tháng tuổi và tôi nghĩ các con chị sẽ vui lắm khi nhận quà trung thu nên đã tặng chị suất của mình. Khóe mắt chị rưng rưng đầy xúc động và ánh mắt ấy vụt sáng hy vọng khi mường tượng niềm vui sướng, tiếng reo hò hân hoan của tụi nhỏ đón mẹ về và còn có quà.

Chị được ra viện và phải tái khám định kỳ. Hai chị em tôi vẫn giữ liên lạc, bất kể khi nào chị cần người trò chuyện, tôi đều lắng nghe. Thế rồi, bệnh của chị có dấu hiệu tái phát. Tôi kìm nén không khóc và chỉ biết dành cho chị những lời động viên. Trong 5 năm ấy có 2 lần tôi và chị cùng hẹn để tái khám. Rồi chúng tôi lại trò chuyện, cùng đến căn-tin bệnh viện gọi suất cơm như những ngày hai chị em gắn bó…

Sức khỏe chị chuyển biến xấu và rồi chị ra đi vào một ngày mùa đông giá rét. Nghe chồng chị báo tin, tôi khóc nghẹn. Những cơn gió lạnh tê tái của mùa đông năm ấy chẳng thể bằng nỗi đau của người thân chị cùng sự trống trải trong tôi.

Xem thêm: Bài học cuộc đời: Học điều mới liệu có khó?

Giờ đây, mỗi mùa trung thu đến tôi vẫn giữ thói quen lần mở những tấm ảnh hai chị em chụp chung như lật giở từng mảnh ký ức về chị. 5 năm tình bạn và những năm tháng sau này tôi cất giữ ký ức về chị đủ để tôi hiểu rằng: Tình bạn là sợi dây gắn kết những con người xa lạ trở nên gắn bó, thân thiết và chị mãi trong tim tôi.

Phạm Thị Yến