Nghị quyết... từ lòng dân-Bài 1: Lấy dân làm gốc!

Tính từ ngày tỉnh Bình Trị Thiên chia tách thành 3 tỉnh, Quảng Bình trở về địa giới cũ, thời gian tròn 35 năm. 35 năm ấy, ĐBDTTS Quảng Bình luôn trung trinh với Đảng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống bà con vẫn nghèo! Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 69%. Nghị quyết số 08-NQ/TU chỉ rõ nguyên nhân: Địa bàn sinh sống khắc nghiệt, phân tán; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chưa phát huy tốt hiệu quả; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Trung trinh với Đảng, Bác Hồ

Từ Km35 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi trở lại bản Đoòng, xã Tân Trạch (Bố Trạch). Sau hai giờ đồng hồ đi bộ theo con đường độc đạo xuyên giữa rừng già Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, chúng tôi đến ngôi nhà sàn vững chắc của già làng Nguyễn Soái Trắc, nguyên trưởng bản Đoòng. Già Nguyễn Soái Trắc chính là một trong năm người Bru-Vân Kiều đầu tiên di cư, “khai khẩn” ra bản Đoòng vào năm 1991.

Xem thêm: Bí mật lịch sử của những mảnh sành sứ trang trí cung đình Huế

Với già Nguyễn Soái Trắc, bản Đoòng là máu thịt, là cả cuộc đời mình. Con chim có tổ, con suối có nguồn, con người có gốc… Cái gốc chung đều con cháu Bác Hồ. Cái bụng dân bản Đoòng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ từ bao đời nay, không chút thay đổi. Vì thế... sau 16 năm tạo lập bản Đoòng, vào một sáng đẹp trời năm 2007, già Nguyễn Soái Trắc một mình ngược đường 20 Quyết thắng đi bộ lên tận Km39, trung tâm xã Tân Trạch, xin phép Đảng bộ, chính quyền xã cho bản Đoòng về cùng mái nhà chung với tộc người A Rem anh em. Tính từ thời điểm lập bản năm 1991 đến nay, bản Đoòng có tuổi đời 33 năm.

Nhà văn hóa bản Trung Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), công trình nghĩa tình miền xuôi giúp đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngược đường 20 Quyết thắng, chúng tôi chạm mốc Km39, trung tâm xã Tân Trạch, địa bàn sinh sống của đồng bào A Rem. Người A Rem Tân Trạch “đoạn tuyệt” với hang đá vào năm 1958... ngót nghét 66 năm. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cũng như trên hành trình gian nan vươn lên xóa đói, giảm nghèo, Đảng, Bác Hồ luôn trong lòng người A Rem thật thà, dung dị.

Già làng A Rem Đinh Rầu, người chứng kiến từng bước đi thăng trầm của đồng bào mình vào các ngày lễ trọng, khi chén rượu mềm môi, thường dạy bảo con cháu: “Nếu không có Đảng, Bác Hồ mở lối, dẫn đường, tộc A Rem chắc chắn vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, cái bụng đói dài ngày”.

Năm 2003, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) thăm đồng bào A Rem. Bằng tình cảm, sự sẻ chia, ông vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh xây dựng 47 ngôi nhà mới giúp đồng bào A Rem. Đây chính là ngọn nguồn gốc rễ bền lâu, bước khởi đầu giúp người A Rem vươn lên.

Xa... thật xa, phía tây bắc tỉnh Quảng Bình thuộc huyện Tuyên Hóa, cộng đồng tộc người Mã Liềng định cư tại các bản Kè, Cáo, Chuối (xã Lâm Hóa); Cà Xen, Bạch Tài, Ma Đao, Quạt, Rưng Rưng, Cà Dàn (xã Thanh Hóa). Mốc thời gian khởi đầu hành trình hạ sơn của tộc người Mã Liềng vào năm 1991. Nhưng mãi đến cuối năm 1999, cuộc “thiên di” mới ổn định, dần đi vào nền nếp, “an cư, lạc nghiệp”.

Xem thêm: Mẹo giảm lượng dầu mỡ khi nấu ăn

Nhớ lại những năm tháng khó khăn ấy, Bí thư Chi bộ bản Cáo (xã Lâm Hóa) Phan Thị Lâm kể: Cán bộ làm công tác vận động thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hỏi đồng bào tin Đảng, Bác Hồ không? Người Mã Liềng đáp “Tin chơ!” và đồng thuận đoạn tuyệt núi rừng, về bản định canh, định cư. Lấy năm 1991 làm mốc thời gian khởi đầu cho hành trình hạ sơn, người Mã Liềng có gần 33 năm ổn định cuộc sống mới.

“Ý Đảng, lòng dân”-Điểm khởi đầu vững chắc trên hành trình hướng Đông

Ngược đường 20 Quyết thắng, chúng tôi có dịp về lại với đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch. Đồng hành cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu thật lòng: “Các anh xem... 10 năm trước, người Ma Coong mình không dám ước mơ rằng: Buổi sáng ở biên giới Việt-Lào, trưa ăn cơm tại TP. Đồng Hới vì làm gì có con đường rộng mở như ngày hôm nay. Và rồi điện lưới quốc gia cũng được kéo lên; đường ô tô đến tận trung tâm 18 bản; các cốt vật chất phục vụ dân sinh, phát triển KT-XH được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng... Đây chính là điểm khởi đầu vững chắc giúp đồng bào vươn lên”.

Chúng tôi biết Y Quyết thời điểm Y Quyết đang làm cán bộ phụ nữ xã Thượng Trạch, bây giờ gặp lại Y Quyết đã là Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã. Bắt tay nhau nói lời chúc mừng, Y Quyết cười bảo: “Phải học thôi anh ạ! Học để làm cán bộ. Học để có kiến thức phát triển kinh tế gia đình. Không học, làm cán bộ tuyên truyền, vận động đồng bào... ai nghe. Không học, biết chi mà làm giàu!”.

Những bản làng định canh, định cư của đồng bào ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, Lệ Thủy).

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình Y Quyết, người Ma Coong ở bản Cà Roòng 1 ai cũng biết: Năm 2009, vay vốn ngân hàng chính sách 20 triệu đồng mua bò; năm 2015, vay thêm 20 triệu đồng nữa chăn nuôi dê; năm 2022, vay tiếp 100 triệu đồng trồng rừng... Đến năm 2024, tiền vay ngân hàng cơ bản trả gần xong, tài sản còn lại gồm 8 con bò, 7 con dê và 10ha rừng trồng keo tràm... “Nhà nước hỗ trợ đồng vốn, còn bản thân tự lực vươn lên, làm gương cho đồng bào mình! Bài học về chiếc cần câu cá hay con cá, giờ đây người Ma Coong Thượng Trạch đều thông”, Y Quyết chia sẻ.

Theo con đường bê tông rộng thoáng đến trung tâm bản Cờ Đỏ, đón chúng tôi dưới chân cầu thang ngôi nhà sàn khang trang nhất bản, già làng Đinh Huôn (SN 1956), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch trải lòng khi chúng tôi hỏi vì sao bản mang tên Cờ Đỏ: “Cờ Đỏ, tên bản có từ thời chiến tranh chống Mỹ. Tên bản giống như ý nguyện đồng bào, hướng theo Đảng, Bác Hồ. Cái tâm đồng bào trước sau không thay đổi, từ đó đoàn kết xây dựng Cờ Đỏ trở thành bản văn hóa như ngày hôm nay”, già Đinh Huôn hào sảng.

“Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bố Trạch ban hành Chương trình hành động số 16-CTHĐ/HU để triển khai; UBND huyện Bố Trạch xây dựng Kế hoạch số 2055/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi huyện Bố Trạch giai đoạn 2022-2025... Đó là ý Đảng! Trên địa bàn xã Thượng Trạch, giai đoạn 2022-2024, đã tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ hơn 38 tỷ đồng. Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở hạ tầng xã Thượng Trạch thay đổi rõ rệt, đồng bào 18 bản được tiếp thêm nguồn sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần, càng quyết tâm hơn trong giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo xã Thượng Trạch giảm nhanh từ 77,25% (năm 2021) xuống còn 65,37% (năm 2023)... Đây chính là lòng dân. Lòng dân đã thuận!”, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu khẳng định.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Võ Ngọc Thanh: ĐBDTTS Quảng Bình có trên 6.759 hộ, 28.284 khẩu, sinh sống tại 102 thôn, bản của 18 xã, thị trấn thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Vùng ĐBDTTS, miền núi, biên giới có diện tích tự nhiên 3.845km2, chung đường biên giới với nước bạn Lào dài trên 222km. Về cơ cấu dân số gồm 2 dân tộc chính: Bru-Vân Kiều (có các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì); Chứt (gồm tộc người Sách, Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng). Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Quảng Bình đã huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư cho vùng ĐBDTTS.

Nhóm P.V Phòng Bạn đọc

>> Bài 2: Giữ rừng... giữ tương lai!