'Ngày xưa' tái hiện truyện thần thoại Việt Nam

Vở kịch Ngày xưa lấy cảm hứng chủ yếu từ ba sự tích dân gian được chuyển thể thành kịch là Thần trụ trời (sự tích về cội nguồn của thế gian), Con rồng cháu tiên (câu chuyện về sự ra đời của xã hội Việt Nam) và Sự tích trầu cau (minh họa mối liên kết căn bản giữa con người và thiên nhiên).

Được trích từ cuốn Đầm Nhất Dạ và các truyền thuyết khác của Việt Nam của nhà văn Trần Huy Minh, ba sự tích đậm chất thần thoại này vẫn được lưu truyền đến nay và có một điểm chung nổi bật là sự kết hợp hài hòa giữa trí tưởng tượng, sự siêu nhiên và chủ nghĩa hiện thực.

Thuở ấy, chưa có gì được sinh ra, thế gian còn hỗn độn. Thế rồi trời đất phân đôi, mặt trăng, mặt trời được sinh ra, và con người xuất hiện. Họ đã phải đấu tranh cho vùng đất của mình. Ba sự tích kết hợp lại nhằm tạo nên một vở diễn đầy màu sắc, trong đó mỗi câu chuyện lần lượt mở ra và cùng nhau cộng hưởng.

Xem thêm: Tản văn: Ngồi uống trà ở ngã ba Đồng Văn, thoảng mùi hương sen Phố Hiến

Thôi thúc bởi ý tưởng về một loại hình kịch đại chúng mang đến cơ hội tiếp cận văn hóa và giáo dục cho tất cả mọi người, đạo diễn Pháp Quentin Delorme mong muốn đưa khán giả vào một cuộc du hành ảo diệu, kỳ thú trong một tác phẩm kịch phù hợp với mọi lứa tuổi nhờ vào các hình thức biểu đạt đa dạng, mới mẻ.

Thông qua việc tái hiện truyền thuyết về Âu Cơ, về quá trình hình thành Hồ Tây hay đỉnh núi Thạch Môn... khán giả có thể trở về với cội nguồn của một nền văn hóa phong phú, mang tính cộng đồng và nhân văn. Theo đó, việc tái hiện sự tích kinh điển, mang tính nền tảng của văn hóa Việt Nam giúp nêu bật những điểm tương đồng giữa nền văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác trên thế giới. Đồng thời, tạo cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở về nguồn cội, về các giá trị truyền thống, về sự phong phú, đa dạng của các giá trị phi vật thể trong mỗi nền văn hóa.

Vở kịch Ngày xưa quy tụ các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp nối tiếp mục đích kết hợp hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa, các xu hướng thẩm mỹ cùng những quy chiếu lịch sử và đương đại. Bên cạnh những ngôn ngữ sân khấu truyền thống, vở kịch sử dụng các hình thức biểu đạt đa dạng, mới mẻ mà vẫn dễ tiếp cận trong cách dàn dựng và biên đạo, với sự hòa trộn của các chất liệu nghệ thuật từ âm nhạc, múa, trình chiếu video, truyện tranh, nghệ thuật múa rối…

Xem thêm: Tây Du Ký 1986: Trước khi nên duyên huynh đệ, Trư Bát Giới từng 'ghi thù' Tôn Ngộ Không 1 chuyện suốt hơn 500 năm

Vở kịch diễn ra tại trường Pháp quốc tế Alexandre Yersin, 44 Gia Thượng, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Thái Minh