Ngâm mình dưới làn nước hôi thối, giải cứu những dòng kênh đen kịt ở TP.HCM

Video: Những 'chiến binh' ngâm mình trong nước đen ngòm để lột xác kênh rạch ở TP.HCM

Ngâm mình dưới dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TP.HCM, nhóm bạn trẻ mang tên Sài Gòn Xanh chung tay làm xanh lại những dòng kênh.

Những người đồng hành không biên giới

Xem thêm: Trên mạng có gì: Tình yêu người chiến sĩ

Sáng cuối tuần, nhóm Sài Gòn Xanh tập trung tại cầu Rạch Lăng, một điểm thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm, Bình Thạnh, TP.HCM. Mặc đồ bảo hộ và mang theo dụng cụ cần thiết, họ lần lượt bước xuống dòng kênh đen ngòm, ngập ngụa rác thải. Với rổ, cào, dây thừng, họ bắt đầu nhặt rác, vớt rác trôi nổi, phân loại và mang lên bờ tập kết.

Cầu Rạch Lăng, một điểm thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm, Bình Thạnh luôn trong tình trạng ngập rác thải.

Dù công việc nặng nhọc, nhưng với lòng yêu thành phố, các thành viên không ngại khó ngại khổ. Đối mặt với bùn lầy đặc quánh, những vật sắc nhọn, mảnh vỡ thủy tinh nguy hiểm, nhưng tất cả vẫn kiên trì, cùng nhau biến những dòng kênh đen trở lại sạch đẹp.

Kết thúc buổi sáng, đoạn kênh qua cầu Rạch Lăng đã khoác lên mình màu xanh mới, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của nhóm.

Công việc ý nghĩa của nhóm Sài Gòn Xanh thu hút cả những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam. Javelyn, một CEO người Singapore đang làm việc tại TP.HCM, đã tham gia cùng nhóm từ nhiều tháng nay. Anh chia sẻ rằng không đếm nổi số lần đã tham gia các chiến dịch dọn rác.

“Tôi hài lòng và tự nguyện làm việc này để giúp TP.HCM xanh, sạch hơn. Đây là cách mà tôi trả nợ ân tình của mảnh đất đã bao bọc tôi trong 6 năm qua”, Javelyn chia sẻ.

Anh Javelyn tham gia cùng Sài Gòn Xanh dọn rác từ nhiều tháng nay.

Cũng như Javelyn, các thành viên trong nhóm đều có điểm chung là tình yêu đối với thành phố và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các thành viên khác, dù bận rộn với cuộc sống riêng, vẫn dành thời gian rảnh để tham gia cùng Sài Gòn Xanh.

Chị Nguyễn Thị Uyên, sống ở Đồng Nai, thường xuyên chạy xe lên TP.HCM để dọn rác mỗi khi có thời gian. Từng nhận không ít lời dèm pha, nhưng chị Uyên vẫn quyết tâm đeo đuổi công việc góp phần làm sạch môi trường.

Xem thêm: Làm gì để tăng sức đề kháng cho trẻ khi trời mưa nắng thất thường?

Tôi từng khóc khi có rất nhiều lời bàn tán không hay như: “Sao rảnh quá vậy?”, “Rỗi hơi!”, “Thời gian rảnh sao không đi kiếm tiền nuôi con?”… Tuy nhiên, tôi để ngoài tai. Nếu ai cũng ngần ngại, vì một vài lời ra tiếng vào mà bỏ cuộc thì những dòng kênh sẽ ra sao?”, chị Uyên tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Uyên "ngâm mình" trong dòng nước đen ngòm để vớt rác thải.

Lan tỏa mạnh mẽ

Từ những ngày đầu thành lập, nhóm Sài Gòn Xanh chỉ có hai thành viên, nhưng sau hơn một năm, số lượng tình nguyện viên đã tăng lên đáng kể. Với hơn 500 thành viên chính thức và hơn 10.000 tình nguyện viên, nhóm đã tham gia 150 chiến dịch dọn rác tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, thu gom khoảng 2.000 tấn rác thải.

Nguyễn Lương Ngọc (SN 1996), trưởng nhóm Sài Gòn Xanh cho biết, tháng 12/2022, Ngọc cùng người bạn thân là Hồ Văn Vĩ lập nhóm.

Ban đầu chỉ mong muốn đóng góp chút công sức làm sạch kênh rạch. Thiếu kinh phí, cả hai chỉ sắm được vài bộ quần áo bảo hộ cùng găng tay cao su mỏng manh, nên khi chui xuống cống, rãnh hoặc lội xuống dòng kênh vớt rác thường bị cây sắt nhọn, mảnh thủy tinh… đâm vào cơ thể gây nhiễm trùng, phải đến bệnh viện điều trị.

"Nhiều người bình luận nói nhóm 'làm màu', nhưng chúng tôi quan niệm 'một hành động hơn vạn lời nói', cứ bắt tay vào làm để môi trường trở nên sạch hơn. Quay video chỉ là hình thức lan tỏa thêm thông điệp”, Ngọc chia sẻ.

Thấy việc làm mang ý nghĩa cao đẹp, rất nhiều bạn là sinh viên, thanh niên tình nguyện và cả những người nổi tiếng xin gia nhập nhóm.

Khi đăng tải những clip lên mạng xã hội, Ngọc không ngờ nhận được hơn 100 triệu lượt xem. Lượng chia sẻ tăng chóng mặt. Nhận thấy việc làm mang ý nghĩa cao đẹp, rất nhiều bạn là sinh viên, thanh niên tình nguyện và cả những người nổi tiếng xin gia nhập nhóm.

Nhờ sự ủng hộ đó, nhóm nhận được tài trợ từ các nhà hảo tâm, giúp trang bị thêm dụng cụ bảo hộ chất lượng hơn. Những đôi bao tay chống cắt, ủng cao su và các công cụ khác đã giúp công việc dọn rác trở nên an toàn và hiệu quả hơn.

Sau mỗi chiến dịch thu gom rác dưới kênh, các kênh sẽ được đặt phao chắn rác nhằm hạn chế rác thải chảy về nguồn.

Không chỉ dừng lại ở việc dọn rác, nhóm Sài Gòn Xanh còn tìm tòi và áp dụng các phương pháp khoa học để duy trì độ sạch của dòng kênh sau khi đã được dọn dẹp. Một trong những giải pháp sáng tạo của nhóm là thả những “quả bom” vi sinh xuống dòng kênh. Các vi sinh vật này sau đó sẽ làm nhiệm vụ phân hủy các chất hữu cơ, giúp trả lại sự trong sạch cho dòng nước. Bên cạnh đó, nhóm cũng sử dụng bản đồ kỹ thuật số để theo dõi và ghi nhận sự thay đổi của cảnh quan sau mỗi đợt dọn rác.

Nguyễn Lương Ngọc hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều nhóm bảo vệ môi trường khác ra đời, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường rộng khắp. Anh mong muốn mỗi người dân đều trở thành những "chiến sĩ" bảo vệ môi trường, với tư duy rằng rác không chỉ là thứ bỏ đi mà còn có giá trị nếu biết cách phân loại và tái chế.

Những dòng kênh đen đang dần xanh trở lại nhờ sự nỗ lực của nhóm Sài Gòn Xanh và các tình nguyện viên. Mỗi hành động nhỏ bé của họ đang góp phần xây dựng môi trường sống trong lành hơn cho người dân thành phố. Không chỉ là dọn rác, họ còn truyền cảm hứng cho cộng đồng, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Hoàng Thọ