Nét đẹp hiếu đạo trong lễ Sene Đôn Ta

Những ngày này, các xóm, ấp có đông đồng bào Khmer như được thay áo mới, người dân tất bật trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Tùy theo điều kiện kinh tế từng gia đình, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là có những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của đồng bào Khmer. Các món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Sene Đôn Ta là cơm nếp, bún nước lèo...

Đồng bào Khmer trên địa bàn xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đến chùa Xẻo Cạn, xã Thạnh Yên dịp lễ Sene Đôn Ta.

Tại gia đình chị Thị Nhỏ, ngụ ấp Vĩnh Trung, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), các thành viên cùng nhau làm việc nhà. Chị Nhỏ và con gái dọn dẹp nhà và nấu ăn, còn chồng chị lau dọn bàn thờ. Bàn thờ được trang trí hoa tươi, trái cây và những món ăn truyền thống của đồng bào Khmer.

Xem thêm: Tác phẩm 'Chuyến hàng rời cảng' đạt giải nhất cuộc thi ảnh TKV

“Lễ Sene Đôn Ta là dịp để chúng tôi bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu trong gia đình sum họp, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp và cầu mong cho gia đình luôn được bình an, hạnh phúc”, chị Nhỏ nói.

Theo truyền thống của đồng bào Khmer, dịp lễ Sene Đôn Ta người dân thường chuẩn bị chu đáo các lễ vật để dâng cúng tại nhà. Trong ngày chính diễn ra lễ, người dân mặc trang phục truyền thống đến chùa dâng cơm đến chư tăng và tham gia các nghi thức truyền thống.

Đồng bào Khmer trên địa bàn xã Nam Thái (An Biên) đến chùa Thứ Năm thực hiện các nghi thức dịp lễ Sene Đôn Ta.

Ông Danh Tiễn - trưởng ban nghi lễ tại chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: “Lễ Sene Đôn Ta diễn ra trong 3 ngày với những nghi thức khác nhau. Ngày thứ nhất người dân thực hiện nghi thức cúng tổ tiên ông bà tại nhà; ngày thứ hai người dân đi chùa dâng cơm đến chư tăng và thực hiện nghi thức tụng kinh cầu siêu; ngày thứ ba dâng cơm cúng đưa tổ tiên quay về nơi nhàn cảnh”.

Sene Đôn Ta không chỉ là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời góp phần duy trì và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, giáo dục thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo, tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Những ngày này, các gia đình sum vầy, vui vẻ chuyện trò bên ấm trà, vài chiếc bánh ngọt, chia sẻ chuyện đời, nói về ý nghĩa thiêng liêng của lễ Sene Đôn Ta, nhắc nhở nhau phải giữ hiếu đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Nét đẹp văn hóa này được đồng bào Khmer gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Xem thêm: Cú hích để Hà Nam bứt phá mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam

“Hàng năm cứ dịp lễ Sene Đôn Ta, con cháu trong gia đình đều tập trung để chuẩn bị cúng mâm cơm cho ông bà, tổ tiên. Dù bận bịu mưu sinh nhưng gia đình tôi luôn trân trọng và gìn giữ nét đẹp truyền thống này để nhắc nhớ con cháu về sự hiếu hạnh, đạo lý uống nước nhớ nguồn”, ông Huỳnh Song, ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nói.

Bài và ảnh: THIỆN HIẾU