Mừng thọ - nét đẹp văn hóa của dân tộc

Một tiết mục văn nghệ của người cao tuổi xã Long Hưng, huyện Phú Riềng

Năm nay vừa tròn 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Quế ở thôn 2, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng được Hội người cao tuổi xã phối hợp với gia đình làm lễ mừng thọ. Ông hạnh phúc vì đã có rất đông bạn bè, người thân tới chung vui. Bên cạnh những lời chúc mừng, người cao tuổi trong xã còn biểu diễn các tiết mục văn nghệ làm cho không khí buổi mừng thọ thêm quây quần, đầm ấm. “Thực sự rất vui, bởi năm nay 70 tuổi tôi được tổ chức mừng thọ. Được nhận nhiều lời chúc mừng, lại được bạn bè hát, biểu diễn văn nghệ tặng mình, tôi xúc động lắm” - ông Quế chia sẻ.

Ông Quế quê ở Thái Bình, năm 1973 đi bộ đội, tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1991, ông phục viên, trở về lập nghiệp tại xã Long Hưng. Vừa làm kinh tế, vừa tham gia công tác hội cựu chiến binh rồi hội người cao tuổi của xã, hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Long Hưng.

Xem thêm: Chương trình Thời sự 9h00 | 01/10/2024

Lễ mừng thọ cụ ông Nguyễn Văn Quế ở xã Long Hưng, huyện Phú Riềng

Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày quốc tế người cao tuổi, Hội Người cao tuổi xã Long Hưng cũng tổ chức lễ kỷ niệm và mừng thọ cho các cụ tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi trên địa bàn xã.

Xem thêm: Vợ Duy Mạnh ghi điểm sau lần gây thất vọng

Xã Long Hưng hiện có trên 700 người cao tuổi, trong dịp này có 102 cụ từ 70 tuổi trở lên được xã tổ chức lễ mừng thọ, trong đó có 1 cụ tròn 100 tuổi, 1 cụ 101 tuổi và 1 cụ 102 tuổi. Tại lễ mừng thọ, các cụ đều được tặng quà, trao giấy mừng thọ, xem biểu diễn văn hóa, văn nghệ và được con cháu chúc mừng. Lễ mừng thọ đã trở thành hoạt động văn hóa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ kính lão, trọng thọ.

Người cao tuổi xã Long Hưng, huyện Phú Riềng được tổ chức mừng thọ

Ông Bùi Minh Tuân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Long Hưng cho biết: “Mừng thọ người cao tuổi là hoạt động được xã tổ chức hàng năm và càng ngày càng được chú trọng hơn cả về nội dung và hình thức để góp phần chăm lo cho người cao tuổi, để các cụ sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc với con cháu và gia đình. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương đối với người cao tuổi cả về vật chất và tinh thần”.

Theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được phúc lớn trời ban. Vì có phúc nên mới được sống lâu và có con cháu đuề huề, mừng thọ chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ được thêm niềm vui, niềm tự hào. Thông thường, vào những năm chẵn của tuổi ông bà, con cháu trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ với mong muốn ông bà sống lâu, sống khỏe.

Mừng thọ cùng với nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc người cao tuổi thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi, tấm lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là việc làm nhằm động viên, khích lệ tinh thần người cao tuổi, giúp các cụ sống vui, sống khỏe và trường thọ.

Tại Điều 21, Luật Người cao tuổi quy định về chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi như sau: Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà; UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày: Ngày người cao tuổi Việt Nam (6-6 hằng năm), Ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10 hằng năm), tết Nguyên đán, sinh nhật của người cao tuổi.

Hiền Lương