Miền Trung trong thơ Hoàng Trần Cương

MIỀN TRUNG
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam

Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi

Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Xem thêm: Việc nhà là việc của chúng ta

Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người

Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.

HOÀNG TRẦN CƯƠNG

Bài thơ Miền Trung của tác giả Hoàng Trần Cương khắc họa một dải đất mạnh mẽ, kiên cường. Những câu thơ gai góc, thô ráp khiến chúng ta thêm yêu và tin miền Trung sẽ vượt qua khó khăn của bão giông.

Miền Trung, nơi được ví như chiếc đòn gánh của hai đầu đất nước với gió Lào cát trắng, quanh năm nắng lửa, bão giông. Bài thơ Miền Trung được Hoàng Trần Cương viết năm 1990 có hình thức như một lời trò chuyện tâm tình của chàng trai xứ Nghệ với một cô gái ở miền quê khác. Những dòng thơ mở đầu như lời ướm hỏi để rồi chàng trai bày tỏ tâm sự của mình về quê hương với những ấn tượng khó khăn, khắc nghiệt, đó không phải sự “lên gân” mà là một thực tế của con người và cuộc sống nơi đây: Bao giờ em về thăm/Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa/Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam. Hình ảnh so sánh làm người đọc ngỡ ngàng nhận ra sự mỏng và sắc của cật nứa cũng như đặc thù mảnh đất nơi đây. Đó là dòng sông Lam mềm mại, màu nước xanh biếc như muốn bao trùm cả biển khơi. Màu xanh làm dịu vợi nắng lửa trưa hè. Con sông gắn với tuổi thơ của cậu bé Hoàng Trần Cương ở làng Đặng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) bên bờ sông Lam: Bữa tôi chào đời trời rạch chớp xanh/Nước sông Lam đã trèo vào cổng/Treo vội con lên chạn/Mẹ xắn quần đi giằng lại cái sanh đồng sứt quai/Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ. Đó là miền Trung của dãy Trường Sơn lởm chởm núi non, những năm bom đạn núi bửa thành máng súng. Những đứa con văng như mảnh đạn.

Trong những năm bom đạn ác liệt chính Hoàng Trần Cương cũng đã rời bỏ giảng đường đại học để cầm súng lên đường, lăn lộn khắp chiến trường với những vết thương hằn trên cơ thể. Ông mang cốt cách can trường của người trai xứ Nghệ bao đời tôi luyện qua khí hậu, thiên tai khắc nghiệt nơi đây: Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn/Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng/ Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi.

Thiên nhiên khắc nghiệt nên con người cũng mang bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, đến những câu ví dặm cũng bỏng nắng và cát. Dù đã qua bao trau chuốt mà như vẫn đầy nhọc nhằn, cay đắng: Câu ví dặm nằm nghiêng/Trên nắng và dưới cát/Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm. Dân gian có câu “Nghèo rớt mồng tơi” còn mảnh đất này nghèo đến nỗi “mồng tơi không kịp rớt”, tôi chợt nhớ câu thơ của Phùng Khắc Bắc: Đất nghèo nuôi trẻ mồ côi/ Khoai lang héo cả mặt người tháng ba. Cái đói, cái nghèo nghe sao cứ đắng đót, xót xa, mảnh đất xứ Nghệ khô cằn đến cây lúa cũng chẳng có thì con gái, chỉ có bão giông là tươi tốt quanh năm: Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người.

Đọc thơ Hoàng Trần Cương thường gặp những hình ảnh của nghèo khó có khi là đĩa rau lang cao ngất che mặt những đứa em. Khi là vại nhút bị vỡ mà muối trắng trên những mảng sành, là chiếc nón mê mẹ đội nửa đời khi thủng chóp lại đem đậy lên vại nhút. Khi là nồi cơm chỏng chơ ngày đói. Hình ảnh đời thường bình dị đi thẳng vào trong thơ ông mà không cần gọt dũa, chính sự thô ráp đó tạo nên nét thơ riêng có của ông, rất khó lẫn với thơ người khác.

Nhà văn Thiên Sơn có lần nhận xét: "Đó là những câu thơ gai góc, xù xì mà ẩn chứa bao tâm trạng, có lúc như thô ráp nhưng thần thái và dụng công tựa có bàn tay điêu khắc”. Mỗi vần thơ của ông là những vỉa tầng trầm tích bao đời của xứ Nghệ, mang hồn thiêng sông núi nơi đây nhưng cũng rất đỗi gần gũi, bình dị và thân thuộc.

Bài thơ Miền Trung có cấu tứ khá đơn giản, không nhiều dụng công nghệ thuật. Những ngôn từ, hình ảnh được khai thác từ cuộc sống bề bộn nên người đọc thấu hiểu và thêm trân quý mảnh đất, con người nơi đây. Câu thơ tự do không bị gò bó về vần luật, đọc có vẻ rời rạc, trúc trắc nhưng lại có một sự liên kết mạch lạc mà người làm thơ non tay không thể làm được.

Xem thêm: Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Quảng Bình

Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin mượn nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về ông: "Thơ Hoàng Trần Cương thường được khởi ra từ những ấn tượng làng quê hay nói cách khác là anh thường nhìn thế giới bằng con mắt của người quê, một người quê đích thực, vừa nhân hậu nghĩa tình, vừa ngang tàng chính trực".

QUỲNH ANH