Mẹ nghẹn ngào kể về giây phút cuối trước khi con trai bị 'cấm khẩu'

Cuộc sống nhọc nhằn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1976) và ông Nguyễn Văn Minh (SN 1965) những tưởng được an ủi phần nào khi con trai thứ hai trúng tuyển vào Học viện Biên phòng. Nghĩ đến tương lai vốn đang tốt đẹp của con, lại đối diện với biến cố ập đến đẩy gia đình vào cảnh túng quẫn, bà Huyền không khỏi rơi nước mắt.

Em Nguyễn Trọng Bằng mắc căn bệnh hiếm, phải sống cảnh thực vật.

Rời quê hương Nam Định, vợ chồng bà Huyền đến Ninh Bình làm ăn, bươn trải đủ nghề rồi cũng mua được mảnh đất xây nhà. Ông bà có 3 người con, trong đó em Nguyễn Trọng Bằng (SN 1998) là con trai út, trên còn 2 chị gái.

Xem thêm: Đau bụng khi chạy, bác sĩ chỉ ra 2 nguyên nhân

Từ nhỏ, Bằng đã học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán. Em thi đỗ lớp chuyên toán của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), còn được chọn đi thi Olympic Toán Quốc gia và xuất sắc giành huy chương Đồng, trở thành niềm tự hào của gia đình, thầy cô. Cánh cửa tương lai càng rộng mở hơn hơn khi lớp 12, Bằng được nhà trường xét kết nạp Đảng và năm 2016, em trúng tuyển vào Học viên Biên phòng. Vừa vào Đại học, em tiếp tục được chọn đi thi Olympic tiếng Anh khối các trường quân đội và đạt giải khuyến khích.

Em Bằng từng là một một nam sinh viên có thành tích tốt.

Bi kịch đột ngột xảy đến vào mùa hè năm 2019. Thời điểm ấy, Bằng vừa kết thúc năm học thứ 3 thì mắc chứng run chân tay. Vợ chồng bà Huyền vội vã đưa con ra Hà Nội thăm khám tại Bệnh viện Quân y 103 suốt 3 tháng ròng rã nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Cuối cùng, sau khi 4 bệnh viện đầu ngành của quân đội tiến hành hội chẩn, kết quả cho thấy Bằng mắc chứng rối loạn chuyển hóa chất đồng, hay còn gọi là bệnh Wilson. Căn bệnh cực kì hiếm gặp với tỉ lệ 1/30.000 người mắc trên thế giới.

Nguy hiểm hơn, căn bệnh biến chứng quá nhanh dẫn đến việc Bằng bị teo não, xơ gan, cứng hết các khớp tay chân. Trước khi rơi vào tình trạng "cấm khẩu", em dùng chút nhận thức cuối cùng xin bố mẹ cho cầm điện thoại, xem lại những kỷ niệm thời còn đi học.

"Dù bị bệnh hiểm nghèo, con vẫn muốn có ngày khỏi bệnh để tiếp tục hoàn thành chương trình huấn luyện. Chúng tôi động viên con gắng vượt qua nhưng cũng không được nữa rồi. Con cứ nằm im một chỗ thôi", bà Huyền nấc nghẹn.

Sau 9 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108, Bằng được đưa về Viện 5 Ninh Bình. Bởi bệnh không có thuốc đặc trị, em chỉ dùng thuốc để cầm cự, duy trì sự sống qua ngày. Vậy nhưng những loại thuốc này cũng rất tốn kém, nằm ngoài danh mục bảo hiểm hỗ trợ.

Để có tiền lo cho con, vợ chồng bà Huyền đã phải bán căn nhà là tài sản duy nhất của gia đình, nhưng đến nay toàn bộ số tiền đã đổ cả vào mua thuốc. Cuối cùng tay trắng, cả nhà đưa con trở về quê hương Nam Định, sống tại ngôi nhà thừa tự cũ kỹ.

Biến chứng quá nặng khiến Bằng giờ đây không thể ăn uống được, buộc các bác sĩ phải đặt ống xông từ mũi xuống dạ dày. Việc chăm sóc em trở nên hết sức vất vả. Bà Huyền đành ở nhà chăm con, ngoài việc vệ sinh cá nhân thì bà còn hút đờm, tránh làm con bị sặc. Người thanh niên 25 tuổi từng khỏe mạnh, vui vẻ, là niềm hy vọng lớn của cha mẹ nay nằm yên một chỗ.

Em Bằng nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều nhờ cha mẹ.

Mới đây, do nằm quá lâu ngày trên giường, Bằng bị nhiễm trùng máu rất nặng, phải nhập viện truyền đến 9 lít máu, chi phí điều trị lên tới 15 triệu đồng/tháng. Ở tuổi đã gần xế chiều, không còn sức khỏe lao động, nay lại thêm việc chăm con khiến cha mẹ em không đủ sức lo tiền thuốc thang. Chính vì vậy, bà Huyền đã phải vay hơn 300 triệu đồng nữa. Số tiền cũng nhanh chóng cạn kiệt.

Ngày ngày, chứng kiến cảnh con trai sống thực vật nhưng vẫn chịu đau đớn, khổ sở, người mẹ gần 50 tuổi vừa đau buồn xen lẫn sự bất lực.

Ông Lê Nam Thắng, Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố 7 chia sẻ: Gia đình bà Nguyễn Thị Huyền thuộc vào diện đặc biệt khó khăn. Con trai ông bà là em Nguyễn Trọng Bằng từng học rất giỏi nhưng mắc phải bệnh lạ, giờ sống thực vật, thuốc thang tốn kém khiến gia đình kiệt quệ. Rất mong hoàn cảnh của em nhận được sự tương trợ từ phía cộng đồng.

Xem thêm: Kết quả xổ số hôm nay, 20-12: Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Phạm Bắc