Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 6: Y bác sỹ, điều dưỡng viên lặng thầm

Cô y tá sinh ra, lớn lên tại trung tâm thương binh

Chúng tôi về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành nơi chăm sóc 91 thương bệnh binh mất sức trên 81%; trong đó, hầu hết bị thương cột sống, không tự chủ được trong sinh hoạt.

Trong cái nắng oi ả của tháng 7, mỗi buổi sáng, các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây vẫn thoăn thoắt di chuyển đến những dãy nhà cấp 4 để chăm sóc thương binh. Người lau dọn phòng ở, người tắm rửa, gội đầu, người khám bệnh, truyền thuốc. Công việc được thực hiện nhanh gọn cùng những lời nói ngọt ngào như dành cho chính cha, chú của mình.

Xem thêm: Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tới hồi kết?

Thương binh Nguyễn Văn Cần tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bị mảnh đạn xuyên qua cột sống, khiến cơ thể bị liệt từ bụng trở xuống, không di chuyển được, suốt ngày chỉ nằm sấp trên giường. Vừa bước vào phòng, y tá Nguyễn Thị Lan, giọng nhẹ nhàng, ấm áp, ân cần hỏi ông Cần: “Chú thấy trong người thế nào, có nhẹ nhõm không ạ? Bữa nay chú ăn có thấy ngon không? Cháu vào thay băng cho chú nhé?”.

Bác sĩ chăm sóc răng miệng cho thương binh

Bố mẹ chị Lan đều là những thương binh nặng điều trị ở đây. Trong quá trình điều trị, ông bà nên duyên vợ chồng và sinh sống ở đây đến khi mất. Chị cũng sinh ra, lớn lên tại Trung tâm. Học xong Trung cấp y, chị lại được các chú, các bác quan tâm nhận về công tác, gắn bó, chăm sóc các thương binh ở đây hơn 30 năm nay. “Trung tâm như ngôi nhà của tôi, các chú, các cô thương bệnh binh cũng như bố mẹ tôi vậy. Bằng tình cảm tự nhiên, tôi chăm sóc cô, chú như chăm sóc bố mẹ tôi, cố gắng giúp các cô, chú vơi bớt những cơn đau thể xác và lạc quan hơn trong cuộc sống”, chị Lan tâm sự.

Không chỉ chữa bệnh bằng chuyên môn

Vừa đi thăm thương binh, bác sĩ Ngô Huy Phô (Trưởng Phòng y tế phục hồi chức năng) vừa chia sẻ, các bác thương bệnh binh tại Trung tâm phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, lại mang trên mình những vết thương nặng. Bác sĩ Phô cho biết, vào những hôm trái gió trở trời, vết thương trên thân thể các cô, chú tái phát gây ra những cơn đau nhức nhói ở hốc mắt, mỏm cụt, bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo những cơn co giật, gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ. Những cơn đau dữ dội khiến cô, chú không làm chủ được cảm xúc, nổi nóng với đội ngũ nhân viên. “Những lúc như vậy, chúng tôi luôn cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại, làm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc cho các cô chú thật chu đáo. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu, đồng cảm với những nỗi đau mà các cô chú đang phải trải qua và yêu thương họ từ tận đáy lòng”, bác sĩ Ngô Huy Phô bộc bạch.

Cán bộ y tế trò chuyện, chia sẻ cùng các thương binh

Xem thêm: Vợ cầu thủ Đoàn Văn Hậu có làn da căng mướt, không tì vết nhờ học mẹo của Phạm Băng Băng

Bác sỹ Ngô Huy Phô động viên, chia sẻ cùng các chú thương binh

Bước vào phòng bác sĩ Phô, chúng tôi mới thấy hết được sự vất vả của đội ngũ nhân viên y tế ở đây. Căn phòng của anh được chia làm đôi. Phía trước là chiếc giường ngủ và bàn làm việc cũ kỹ. Phía sau là bếp và khu vệ sinh. Bác sĩ Phô cho biết, nhà anh cách cơ quan 7km, nhưng không mấy khi anh về nhà trọn vẹn một ngày. Thương bệnh binh được chăm sóc tại đây có rất nhiều bệnh như: tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu, loét lưng… thường xuyên xảy ra biến chứng, lên những cơn đau đột ngột nên anh không thể đi lâu.

Bác sĩ Phô trước công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành, năm 2008, anh chuyển về Trung tâm công tác. “Trước khi chuyển về đây công tác, tôi không lường trước được những khó khăn vất vả phía trước. Nhưng rồi qua thời gian gắn bó, công tác, sinh hoạt cùng các cô chú, tình cảm cứ lớn dần và giờ tôi thấy mọi vất vả trở nên bình thường và nơi đây trở thành gia đình thứ 2 của tôi”, bác sĩ Phô chia sẻ.

“Mong muốn bù đắp phần nào những hi sinh, mất mát của thương bệnh binh, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng không quản khó khăn, tận tình chăm sóc thương bệnh binh như những người thân của mình. Những việc làm của chúng tôi hay sự quan tâm của rất nhiều cá nhân, tổ chức khác đến các bác, các chú, các cô là thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha chú không tiếc máu xương, chiến đấu đem lại hòa bình cho đất nước, người dân được sống trong an bình, hạnh phúc”. ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành

Việc chăm sóc, chữa trị cho thương binh phải tuân thủ những quy định đặc thù, những kỹ năng riêng có. Chẳng hạn, thời kỳ đầu, khi các bác về trung tâm điều trị vẫn còn nhiều vết thương hở. Thay vì sử dụng kháng sinh, các bác sỹ ở đây đã áp dụng biện pháp sử dụng đường kính để áp vào vết thương. Nhờ vậy, vết thương nhanh khô, liền sẹo và ít tác dụng phụ hơn.

Việc sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau số lượng lớn ở trung tâm là điều khó tránh khỏi nhưng không vì thế được phép lạm dụng. Có những thương binh vừa được tiêm thuốc giảm đau vài giờ lại tiếp tục lên cơn đau và yêu cầu bác sĩ tiêm giảm đau. Nhưng vì an toàn sức khỏe, tránh để các cô, chú nghiện thuốc giảm đau, không cho phép bác sĩ tiếp tục tiêm thuốc. Nhiều lúc, trong cơn đau, không kiềm chế được, các bác, các chú còn cầm cả gậy đánh y, bác sĩ.

Hiểu được tâm trạng của họ, các y, bác sĩ vẫn phải ân cần, nhẹ nhàng động viên, chia sẻ về những câu chuyện về thời kỳ chiến đấu, những câu chuyện đời thường… thì mới thành công. “Nhiều khi, vừa xoa bóp, vừa kể chuyện. Khi câu chuyện kết thúc cũng là lúc cô chú hết đau, ngủ say rồi”, bác sĩ Phô cho hay.

Về việc xử lý sau khi bị các chú thương binh đánh, anh Phô nói: “Nhiều lần, tôi đã bị các chú cầm gậy đánh vì không cấp thêm thuốc giảm đau. Nhưng khi cơn đau qua đi, các chú thấy mình có lỗi, lại đi xe lăn xuống phòng ngồi uống nước, rồi xin lỗi bác sĩ. Lúc đó, chú cháu lại trao cho nhau những cái ôm, cùng chia sẻ, động viên, giúp các chú quên đi cảm giác mắc lỗi”.

(Còn nữa)

Viết Hà