Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Từ muốn tự vẫn đến “ngôi sao” của trung tâm

Chúng tôi có cơ duyên gặp các thương binh tại các trung tâm nuôi dưỡng thương binh trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim” do báo Tiền Phong tổ chức vào tháng 9/2023. Gặp rồi quen, chúng tôi có hẹn lên thăm lại các bác tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ vào tháng 7 năm nay.

Trời sẩm tối, các bác thương binh ngồi ở ghế đá trung tâm trò chuyện, những cháu nhỏ chạy quanh xe lăn, thi thoảng lại trèo lên lòng ông làm nũng. Tại đây, chúng tôi gặp lại ông Vũ Đình Tiến, người mà chúng tôi đã biết tại chương trình Ánh lửa từ trái tim.

Xem thêm: Loại quả một thời từng 'thất sủng', nay giá cao 'ngất' vẫn đắt hàng

Thương binh Vũ Đình Tiến (thứ 4 trái sang) bên gia đình.

Năm 1983, chàng thanh niên Vũ Đình Tiến viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, được sắp xếp biên chế về Đại đội 23, Sư đoàn 314 (Quân khu 2), đóng ở Vị Xuyên, Hà Giang. Khoảng một năm sau, căn hầm tổ vệ binh trên chốt bị pháo nã sập, ông Tiến bị thương, liệt cột sống, liệt hai chân, phải về tuyến sau điều trị. Dù đã được các y bác sĩ tận tình chữa trị nhưng bệnh tật không thuyên giảm.

Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ hiện đang nuôi dưỡng 28 các thương binh có tỷ lệ thương tật trên 81% từ 6 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội.

Mang trên mình tỷ lệ thương tật 95% lúc mới 19 tuổi, cả tương lai phía trước đối với ông như đổ sụp. “Lưng và chân liệt, không thể làm được gì, mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, rất chán nản. Nếu lúc đó có vốc thuốc ngủ, chắc tôi đã chết rồi”, ông Tiến nhớ lại.

Suốt quãng thời gian nằm một chỗ, không tha thiết gì, niềm vui duy nhất của ông là nghe đài và đọc báo. Nghe tin đồng đội đang chiến đấu tại chiến trường, tấm gương của nhà thơ Đỗ Xuân Khơi, bị viêm đa khớp, dính khớp, teo cơ nhưng vẫn viết thơ, in sách, ông tự vấn: “Tại sao đồng đội luôn phải đối diện với hiểm nguy, những trường hợp còn thương tật nặng hơn, họ vẫn kiên cường, thì sao mình lại bỏ cuộc”. Từ đó, mỗi khi đọc báo, nghe đài, ông cẩn thận chép, học theo từng câu chữ, cách viết trên chiếc xe lăn.

Cơ duyên khi biết đến cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền Phong, ông Tiến gửi bài dự thi và tác phẩm được đăng và đoạt giải. Công việc viết văn, viết báo giúp ông Tiến kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng để thả hồn mình vào câu chữ để quên đi nỗi đau vết thương hành hạ. Năm 1989, vì không muốn mẹ già phải vất vả chăm sóc, ông Tiến chuyển về Trại thương binh K5 Gò Gai (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ). “Nhìn những thương binh lớn tuổi hơn, với tỷ lệ thương tật lớn hơn nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan, tôi có thêm nhiều động lực”, ông Tiến nói.

Ông Tiến là hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Hàng trăm tác phẩm báo chí, văn học của ông được đón nhận nhiệt thành như tập truyện ngắn “Màu thời gian” và tập thơ “Khúc lãng du” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Hay gần đây nhất là loạt bài “Có những người đảng viên như thế” dài 3 kỳ đăng trên tạp chí Văn nghệ Đất tổ giành giải C giải báo chí Phú Thọ, viết về những tấm gương của những người đồng chí, đồng đội ở ngay chính Trung tâm điều dưỡng người có công ông đang sống.

Xem thêm: Làm đẹp địa chỉ đỏ

Đời thường của thương binh Nguyễn Hồng Dậu bên con cháu.

Ngoài việc viết văn, viết báo, người thương binh trẻ tuổi ngày đó còn lấn sân sang làm kinh doanh. Từ việc mua bán nhỏ lẻ rồi ông trở thành “ông chủ” đại lý giấy Bãi Bằng, kinh doanh dịch vụ, thương mại và bất động sản… “Tôi may mắn khi làm bất cứ việc gì cũng có chút thành công”, ông Tiến nói. Mọi người ở Trung tâm thân thương gọi ông bằng biệt danh “Tiến xe lăn”. Là người trẻ tuổi nhất ở đây, nhưng ông Tiến luôn được anh em tín nhiệm, gần 30 năm làm Trưởng ban đại diện thương binh của trung tâm.

Kiên cường trong mọi tình huống

Tại đây, chúng tôi cũng được gặp lại thương binh Nguyễn Hồng Dậu, là “đại lão đảng viên cựu chiến binh” theo cách gọi của ông Vũ Đình Tiến. Ông niềm nở đón chúng tôi trong căn phòng tại khu nhà tập thể của trung tâm. Dáng người thương binh như nhỏ hơn trong bộ thường phục, nhưng giọng nói chắc nịch và ánh mắt kiên định.

Đầu năm 1967, khi giặc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Dậu (quê xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây) khi ấy vừa tròn 18 tuổi, viết đơn xung phong nhập ngũ. Anh được biên chế vào đơn vị hỏa lực thuộc Sư đoàn Đồng bằng.

Sau chưa đầy 7 tháng tuổi quân và chưa đủ 19 tuổi đời nhưng người thanh niên ấy đã được gắn trên ve áo quân hàm binh nhì và vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường. Có trận, đơn vị thương vong quá nửa quân số, tạm thời rút ra rồi lại củng cố, bổ sung quân mới rồi lại xông vào chiến đấu. Bản thân ông bị thương tới 3 lần, 2 lần đầu nhẹ hơn, điều trị tạm ổn lại tiếp tục xung trận. “Hôm nay là đồng đội bị thương, mai có thể là tôi, thời điểm cận kề cái chết nhưng lúc nào chúng tôi cũng chỉ có niềm tin duy nhất là phải chiến thắng”, ông Dậu nói.

Lần bị thương thứ 3 là nặng nhất. Mảnh đạn găm khắp người, chân phải bị bay mất mảnh xương cẳng chân, tay phải cũng từ lần đó mà cử động không còn được linh hoạt. Tuy vậy, khi kể lại kỉ niệm bị thương đó, ông vẫn cảm thấy may mắn vì mìn không nổ trúng 5 quả lựu đạn mà ông nhặt được của quân địch, đang buộc ở thắt lưng.

Nhấp cốc nước chè đã nhạt màu trên tay rồi ông lại tiếp: “Cái giây phút sau khi đạp phải mìn và nằm xuống ấy tôi cảm thấy mình vẫn còn tỉnh lắm nhưng cơ thể không còn cảm giác gì và cũng không cử động được. Trong mắt lúc ấy chỉ thấy một màu xanh - màu trời xanh và những ngọn cỏ. Bỗng dưng mình cảm thấy sao mà yêu màu xanh ấy thế vì trong đầu lúc đó cũng đã xác định có thể chỉ ít phút nữa là mình hy sinh rồi”.

Ông được đồng đội đưa về điều trị. Lần ấy, một mình ông đã dùng hết 6 cuộn băng gạc và đấy là tất cả số băng gạc mà tiểu đội 8 người của ông có. Sau lần bị thương đó, ông phải giã từ đồng đội và về điều trị tại Khu điều dưỡng thương binh 5 (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ). Phải rời quân ngũ sớm, ông gần như mất liên lạc với những người đồng đội cùng đơn vị. Ngày ấy, đến tờ giấy để ghi địa chỉ cũng không có. Dần già, qua kết nối thông tin, báo chí cũng có nhiều người ở quê hương, đồng đội cũ tìm đến thăm ông.

Nay đã 75 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, ông vẫn luôn sắt son một lòng tin vào Đảng, được mọi đảng viên trong chi bộ tín nhiệm, tin yêu. Ông cũng thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, địa phương và các trường học trên địa bàn mời tham gia giao lưu, nói chuyện truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, đất nước, truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và những tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”.

(Còn nữa)

Thùy Dương - Thành Đạt