Lịch sử, nguồn gốc và ý nghĩa Đại lễ Vesak

Lịch sử, nguồn gốc Lễ Vesak

Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là đại lễ văn hóa Phật giáo lớn nhất hàng năm, được tổ chức tại nhiều quốc gia, chủ yếu các nước châu Á có truyền thống theo đạo Phật: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, SriLanka, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Miến Điện,…

Phật Đản (chữ Hán: 佛誕 - nghĩa là ngày sinh của đức Phật) hay là Vesak (tiếng Phạn: Vaisá̄kha, Devanagari: वैशाख, Sinhala: වෙසක් පෝය) là ngày kỷ niệm Thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hoặc 15 tháng 4 hàng năm, tùy theo quốc gia.

Xem thêm: Ăn món ngao xào, người đàn ông cắn được viên ngọc màu tím hiếm thấy

Ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại Hội nghị lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận về chương trình nghị sự mục 174 của chương trình, Đại hội đã chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak hay còn gọi là Lễ Tam Hợp bao gồm: ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của đức Phật.

Trong truyền thống của Phật giáo Nam truyền, Vesak được xem là tháng thiêng liêng nhất, bởi theo truyền thống này đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết Bàn đều vào ngày trăng tròn tháng Vesak. Chính vì vậy, Lễ Vesak (ngày trăng tròn tháng Vesak) trong truyền thống Phật giáo Nam truyền là ngày Đại Lễ vô cùng quan trọng và được gọi là Lễ Tam Hợp.

Trong khi đó, do sử dụng hệ thống lịch riêng, một số quốc gia theo truyền thống Bắc truyền, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, thường cử hành Đại lễ kỷ niệm ba ngày trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm.

Tuy nhiên, từ kỳ Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 1961, ngày Rằm tháng Tư Âm lịch được xem là ngày Đại lễ Phật đản sinh (Đại lễ Vesak) và được các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông chấp nhận.

Một số quốc gia với đa số phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 Âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch. Có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch như năm 2007, có nơi tổ chức ngày Vesak vào ngày trăng tròn đầu tiên (ngày 1 tháng 5) trong khi tại nơi khác lại kỷ niệm vào ngày trăng tròn thứ 2 (ngày 31 tháng 5).[1] Cách tính kỷ nguyên Phật lịch tại các quốc gia theo truyền thống Nam tông cũng khác nhau, nên năm Phật lịch có thể cách nhau một năm.

Trước đây, các nước châu Á theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông) thường tổ chức Đại lễ Phật Đản vào mùng 8 tháng 4 Âm lịch, trong khi các nước theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Nam tông) lại tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Vesak, tương đương với ngày 15 tháng 4 Âm lịch. Sự khác biệt này xuất phát từ việc các nước sử dụng các loại lịch khác nhau.

Tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 25/5 đến ngày 8/6 năm 1950, đại biểu Phật giáo từ 26 nước đã thống nhất lấy ngày Phật đản là ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch cổ Ấn Độ, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch.

Từ năm 1999, Liên Hợp quốc công nhận Phật giáo là tôn giáo điển hình của nhân loại và đức Phật là nhân vật Văn hóa Tôn giáo được tôn vinh. Đại lễ Vesak được Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm hằng năm vào ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch. Đây là Đại lễ tam hợp Đức Phật, kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong đời Đức Phật: Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.

Những hoạt động kỷ niệm được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, thời gian tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 Dương lịch. Hưởng ứng chủ trương của Liên Hợp Quốc, từ năm 2000, Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm nào cũng cử đoàn đại biểu của Phật giáo Việt Nam tham gia Đại lễ Vesak quốc tế được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc hoặc ở tại quốc gia đăng cai.

Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam. Ảnh: st

Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 3 lần, lần thứ 4 là năm 2025

Việt Nam đã ba lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019. Theo truyền thống, Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam được tổ chức trang trọng và thành kính, kéo dài từ đầu tháng đến sau ngày chính lễ là 15/4 Âm lịch.

Lần thứ nhất, Việt Nam đăng cai và phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak 2008 tại Thủ đô Hà Nội.

74 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia với trên 850 vị khách quốc tế là đại biểu chính thức, trên 10.000 tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước tham dự với nhiều diễn đàn và hoạt động.

Lần thứ hai, năm 2014, Đại lễ Vesak được tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) với sự tham gia của 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nguyên thủ, hoàng gia, đại sứ của gần 100 quốc gia và khoảng 10.000 phật tử cùng khách thập phương.

Xem thêm: Bài thơ 'Mẹ vẫn chờ' vào đề kiểm tra định kì Ngữ văn 12

Lần thứ ba, năm 2019, Đại lễ Vesak diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Lần thứ tư, năm 2025, Đại lễ Vesak sẽ được tổ chức từ ngày 08-10/5/2025 tại TP.HCM, Việt Nam, với chủ đề “Đoàn kết, thống nhất và hợp tác: Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Ý nghĩa của Đại lễ Vesak

Ba sự kiện đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn được tưởng niệm trong cùng một ngày. Mỗi sự kiện có những ý nghĩa độc đáo khác nhau. Sự ra đời của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng: Là con người, chúng ta ai ai cũng bắt đầu đời sống một cách bình đẳng như nhau. Tuy nhiên đức Phật đã nỗ lực nuôi dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đặc biệt trong đời sống của mình.

Bản chất ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật được tổ chức trong ngày Đại Lễ Tam Hợp giúp mỗi người phật tử khởi sinh và tăng trưởng niềm tin kính nơi Phật, Pháp, Tăng.

Ý nghĩa thực sự của ba sự kiện này cũng giúp nhắc nhở chúng ta về giáo pháp mà đức Phật đã truyền trao và việc thực hành ứng dụng giáo pháp trong đời sống của mình.

Ảnh: st

Đại lễ tưởng niệm trong ngày Tam Hợp nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa thực sự của sự kiện đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, đồng thời khích lệ mỗi người thực hành giáo pháp một cách nghiêm cẩn để có được niềm an lạc đích thực, chỉ khi ấy sự tôn kính mới thực sự có ý nghĩa và lợi lạc cho đời sống mỗi người và cho xã hội. Đây là giá trị đích thực của Đại lễ Tam Hợp, giúp nhân loại bước vào một kỷ nguyên của tỉnh thức, tăng trưởng và an lành mà đức Phật đã chỉ ra từ hơn 2600 năm trước.

Đại lễ Phật đản có nhiều ý nghĩa đối với xã hội, đặc biệt là những người tin theo Phật giáo, qua đại lễ thể hiện: Sự tôn kính, tri ân và báo ân đối với bậc chí tôn, Giáo chủ của đạo Phật, người được Liên Hợp Quốc tôn vinh, được thế giới tiến bộ ca ngợi về đạo đức từ bi và tinh thần: hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển bền vững, nhân văn. Đây cũng chính là nền tảng của đạo Phật.

Đại lễ Phật đản thể hiện đoàn kết trên tinh thần hợp tác hòa bình, hạnh phúc. Trong mùa Phật đản, những người con Phật khắp nơi thực hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, đề cao tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống an vui mọi người mọi nhà cùng hạnh phúc.

Vào ngày lễ, phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Đây cũng là hành động thể hiện tinh thần từ bi tâm trong Phật giáo, nhắc nhở con người về tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, bao dung.

Cũng vào ngày này, các phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật tôn nghiêm. Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Đồng thời, đây cũng là thời khắc để mỗi người phật tử thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với đức Phật. Hơn nữa, thông qua việc tham gia vào các nghi lễ cúng dường, ngày lễ này còn mang thông điệp về việc sống lành mạnh và chia sẻ sự bình yên, hạnh phúc đến mọi người. Lễ Phật đản cũng là minh chứng cho sự vĩnh cửu của hình ảnh đức Phật trong tâm thức của người Phật tử, một hình ảnh không bao giờ nhạt phai dù thời gian có trôi qua.

Có thể thấy rằng, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) không những là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, mà đã trở thành ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của toàn cầu, mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa; là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; đặc biệt quan trọng hơn là khẳng định được vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hiệp quốc, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Diệu Linh

Tham khảo:

Wikipedia

Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Báo Pháp Luật

Báo Đảng Cộng sản