Lênh đênh số phận hàng nghìn trẻ mồ côi ở Gaza

Ước nguyện trong tuyệt vọng của anh em nhà Akeila

Bốn anh em nhà Akeila: Mohammed, Mahmoud, Ahmed và Abdullah đang rất mong được gặp lại cha mẹ mình. Chúng tin rằng điều đó sẽ xảy ra ngay khi chúng có thể trở về Thành phố Gaza, nơi chúng đã lớn lên trước khi chiến tranh san phẳng cuộc sống đó.

Người anh Ahmed, 13 tuổi, và cậu em út Abdullah, 9 tuổi, hai trong số 4 đứa trẻ mồ côi nhà Akeila. Chiều nào Abdullah cũng cầu nguyện với hy vọng gặp lại cha mẹ. Ảnh: New York Times

Xem thêm: Đùa quá trớn, cậu bé bị mắc kẹt trong xô nước và pha giải cứu bất ngờ từ bố mẹ

“Bố và mẹ sẽ đợi chúng cháu ở đó”, lũ trẻ đồng thanh nói với dì Samar, người đang chăm sóc chúng. Nhưng cả bốn đứa cũng đều ngấn lệ sau câu nói ấy, vì trước đấy khá lâu chúng đã được thông báo rằng cha mẹ đã chết sau một cuộc không kích.

Ngoại trừ đứa lớn nhất Ahmed, 13 tuổi, không ai trong số bốn anh em nhìn thấy hình ảnh về thi thể cha mẹ mình. Mỗi buổi tối khi cầu nguyện lúc hoàng hôn, Abdullah, 9 tuổi, nói vẫn rằng em có thể nghe thấy giọng nói của mẹ mình.

Dì của lũ trẻ, Samar al-Jaja, 31 tuổi, người sống chung lều với trẻ em ở thành phố Khan Younis của Gaza, cũng không biết làm gì để an ủi các cháu trong cảnh ngộ này. "Khi bọn trẻ thấy những phụ huynh khác bế con mình và nói chuyện với chúng", cô nói, "chúng sẽ cảm thấy buồn biết nhường nào!"

Cuộc chiến ở Gaza đang cướp trẻ em khỏi cha mẹ và cướp cha mẹ khỏi con cái, phá vỡ trật tự tự nhiên của mọi thứ, phá vỡ đơn vị cơ bản của cuộc sống ở dải đất này. Nó đang khiến rất nhiều trẻ mồ côi rơi vào cảnh hỗn loạn đến mức không một cơ quan hay nhóm cứu trợ nào có thể đếm được.

Nhân viên y tế tại Gaza cho biết trẻ em bị bỏ lại lang thang trong hành lang bệnh viện và tự lo liệu sau khi được đưa đến đó trong tình trạng đầy máu và đơn độc - "đứa trẻ bị thương, không có gia đình nào sống sót", một số bệnh viện mô tả chúng như vậy trong các hồ sơ. Các khoa sơ sinh là nơi ở của những đứa trẻ mà không ai đến nhận.

Ở Khan Younis, một trại do tình nguyện viên điều hành đã mọc lên để che chở cho hơn 1.000 trẻ em đã mất một hoặc cả hai cha mẹ, bao gồm cả gia đình Akeila. Trong trại, có hẳn một khu dành riêng cho “những người sống sót duy nhất”, những đứa trẻ đã mất toàn bộ gia đình. Trại đã kín chỗ. Nhưng vẫn một danh sách chờ dài những đứa trẻ cần được đưa vào đây.

Cô bé bất hạnh và tấm lòng cao cả của nữ điều dưỡng

Trong số những trẻ sinh non đến Bệnh viện Emirati ở thành phố Rafah phía nam Gaza vào tháng 11 năm ngoái có một bé gái 3 tuần tuổi không rõ gia đình.

Theo Amal Abu Khatleh - một nữ hộ sinh tại bệnh viện, hồ sơ của bé cho biết bé được tìm thấy bên cạnh một nhà thờ Hồi giáo ở Thành phố Gaza sau một cuộc không kích khiến hàng chục người thiệt mạng. Các nhân viên gọi bé là “Majhoul”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “không xác định”.

Một bé gái có cha mẹ bị thiệt mạng trong một cuộc không kích đang được dì của mình chăm sóc trong bệnh viện. Ảnh: New York Times

Bực tức vì cái tên quá đơn điệu đó, nữ hộ sinh Abu Khatleh quyết định đặt cho cô bé một cái tên phù hợp hơn: Malak, hay “thiên thần”. Cô đã gọi cho các nhà báo ở phía bắc Gaza để tìm hiểu xem gia đình nào đã mất người thân trong một cuộc không kích gần nơi tìm thấy Malak, sau đó hỏi những bệnh nhân có họ đó về một bé gái mất tích. Nhưng ai cũng lắc đầu.

Xem thêm: Tưởng niệm 22 năm ngày Hòa thượng Thích Thiện Huê, viện chủ chùa Đại Giác (Q.Phú Nhuận) viên tịch

Vào tháng 1, lo lắng về sự phát triển của Malak, Abu Khatleh đã đưa cô bé về nhà. Giống như ở các xã hội Hồi giáo khác, những hạn chế về tôn giáo khiến việc nhận con nuôi hợp pháp ở Gaza là điều không thể, mặc dù mọi người có thể nhận nuôi và tài trợ cho trẻ mồ côi. Tuy nhiên, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của Abu Khatleh đã tập hợp xung quanh cô, quyên góp quần áo, sữa bột và tã.

Abu Khatleh cho biết, trừ khi tìm được cha mẹ của Malak, bà sẽ giữ cô bé lại, bất chấp những rào cản pháp lý. “Tôi cảm thấy Malak là con gái thực sự của tôi", cô nói. “Tôi yêu con bé. Bạn bè tôi thậm chí còn nói rằng con bé trông rất giống tôi”.

Và hàng chục nghìn trẻ mồ côi ở Gaza

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như Malak. Giữa những trận ném bom, những cuộc di tản liên tục từ lều này sang lều khác, từ căn hộ này sang bệnh viện khác rồi từ nơi trú ẩn này sang nơi khác, không ai có thể nói được có bao nhiêu trẻ em đã mất liên lạc với cha mẹ và bao nhiêu trẻ em đã mất cha mẹ mãi mãi.

Sử dụng phương pháp thống kê rút ra từ việc phân tích những cuộc chiến tranh khác, các chuyên gia Liên hợp quốc ước tính rằng hiện nay có ít nhất 19.000 trẻ em Gaza đang phải sống xa cha mẹ. Chúng phải nương tựa vào người thân, người chăm sóc khác hay thậm chí là phải tự sinh tồn.

Bom đạn đã chia cắt hàng chục nghìn trẻ em ở Gaza với cha mẹ chúng, khiến nhiều em phải tự mình tới bệnh viện trong hoảng loạn và đau đớn. Ảnh: New York Times

Nhưng con số thực tế có lẽ còn cao hơn 19.000. “Những cuộc chiến tranh khác không liên quan đến nhiều vụ ném bom và nhiều cuộc di dời như vậy, ở một nơi nhỏ bé và đông đúc như vậy, và với dân số bao gồm tỷ lệ trẻ em cao như vậy”, ông Jonathan Crickx - phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nói.

Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong gần một năm chiến sự ở Gaza: nhiều người trong số đó là trẻ em, nhiều người là cha mẹ. Có tới 41% các gia đình mà cơ quan của ông Crickx khảo sát ở Gaza hồi tháng 4 đang chăm sóc trẻ em không phải con của họ.

Deborah Harrington, một bác sĩ sản khoa người Anh làm tình nguyện viên ở Gaza cho biết một số trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi sau khi người mẹ bị thương của chúng qua đời trong quá trình chuyển dạ. Bản thân nữ bác sĩ này đã chứng kiến hai đứa trẻ chào đời theo cách như vậy hồi tháng 12 năm ngoái.

Tại Gaza, trẻ em và cha mẹ bị chia cắt khi lực lượng Israel bắt giữ cha mẹ chúng, hoặc sau một cuộc không kích, trẻ em phải chạy đến bệnh viện một mình trong lúc hỗn loạn. Các bác sĩ cho biết họ đã điều trị cho nhiều trẻ em mới mồ côi, trong đó có nhiều trẻ bị cụt chi.

“Không có ai ở đó để nắm tay chúng, không có ai ở đó để an ủi chúng trong suốt những ca phẫu thuật đau đớn”, tiến sĩ Irfan Galaria, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đến từ bang Virginia (Mỹ), người đã tình nguyện làm việc tại một bệnh viện ở Gaza vào tháng 2, cho biết.

Trẻ em Palestine tham dự trại hè dành cho trẻ em mồ côi vào tháng trước ở phía bắc Dải Gaza. Ảnh: GI

Các nhân viên cứu trợ cố gắng tìm kiếm cha mẹ, nếu họ còn sống, hoặc người thân của lũ trẻ. Nhưng các hệ thống chính quyền có thể giúp đỡ đã sụp đổ. Hệ thống thông tin liên lạc và truyền thông cũng chẳng còn hoạt động bình thường. Các lệnh sơ tán đã chia cắt cây gia đình, gửi các "mảnh vỡ" theo mọi hướng.

Và lũ trẻ cũng không mang lại nhiều manh mối. Theo Làng trẻ em SOS, một nhóm cứu trợ điều hành trại trẻ mồ côi ở Gaza, một số trẻ nhỏ bị chấn thương đến mức câm lặng và không thể nói tên mình, khiến việc tìm kiếm gần như bất khả thi.

Trong hầu hết các trường hợp, các nhân viên cứu trợ đành gửi những trẻ mất cha mẹ tới những gia đình khác. Những tổ chức nhân đạo sẽ cung cấp một số bữa ăn và tiền mặt cho các gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi.

“Tương lai của những đứa trẻ tội nghiệp này sẽ đi về đâu khi chúng không còn những người yêu thương chúng nhất và chiến tranh cũng chưa biết lúc nào chấm dứt”, ông Jonathan Crickx - phát ngôn viên của UNICEF buồn rầu phát biểu.

Nguyễn Khánh