Lên Bắc Giang

Khi xe vừa chạm cầu Như Nguyệt, cây cầu mới được mở rộng bắc qua sông Cầu thì nhà thơ Nguyễn Thanh Kim rời chỗ ngồi, ông đứng giữa xe nói hào hứng, đại ý qua cây cầu này là Bắc Giang. Điều rất thú vị, sông Cầu chính là dòng sông phân định địa giới hai tỉnh, bên bờ Nam là tỉnh Bắc Ninh còn bờ Bắc là Bắc Giang - địa phương trong hành trình chúng tôi đang đến.

Một góc KCN vân Trung. Ảnh: VIỆT HƯNG.

Nghe nói tới đây thì tôi chợt nhớ, hồi chia tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như hiện nay thì tỉnh Bắc Ninh với lợi thế về giao thông khi có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua, gần sân bay Nội Bài và hướng ra cảng Hải Phòng rất thuận lợi, đặc biệt có lợi thế gần Thủ đô Hà Nội nên phát triển rất nhanh, trong khi đó Bắc Giang "chạy" chậm hơn bởi nhiều lý do. Tôi đã lâu không lên Bắc Giang nên hỏi nhà thơ Thanh Kim kinh tế Bắc Giang độ này thế nào? Ông nhà thơ vốn quê Bắc Giang, hầu như tháng nào cũng có đôi ba chuyến về quê, hào hứng: “Mấy năm lại đây Bắc Giang bứt tốc mạnh mẽ. Đã có nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư tại Bắc Giang. Chúng ta vừa qua cầu Như Nguyệt là chạm vào thị xã Việt Yên, ở đây hiện có rất nhiều khu công nghiệp. Cũng nhờ phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị nên huyện Việt Yên đã được nâng cấp lên thành thị xã đấy”.

Xem thêm: Đoàn viên thanh niên tham gia chỉnh trang đền thờ, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ

Được biết hiện nay, Việt Yên đang trên đà phát triển. Điển hình là các khu công nghiệp: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu cùng nhiều cụm công nghiệp: Tăng Tiến, Việt Tiến, Hoàng Mai... thu hút hàng chục nghìn lao động trong tỉnh và tỉnh bạn đến làm việc. Việt Yên còn là nơi lưu giữ những làn điệu quan họ của vùng Kinh Bắc xưa; vùng đất khoa bảng mà tiêu biểu là Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói còn mãi với thời gian: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"...

Nhắc tới Việt Yên chợt trong tôi dấy lên những kỷ niệm. Tôi nhớ lần đầu tiên đến Việt Yên, đó là cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Chiều tối hôm đó, anh Trần Minh Chính dẫn chúng tôi về làng Sen Hồ quê anh, làng nằm bên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, dĩ nhiên là bên cả quốc lộ số 1 nữa. Vào nhà, chúng tôi mới biết người anh thứ hai của anh Chính là nhà thơ Trần Ninh Hồ, người mà tôi từng được đọc thơ ông hồi ông còn ở chiến trường miền Nam. Đêm ngủ lại ở làng Sen Hồ năm ấy, chúng tôi lại được nhà nghiên cứu dân ca quan họ Hà Bắc là Trần Linh Quý dành cho buổi nói chuyện đến sáng về quan họ. Ông Trần Linh Quý là anh cả của ông Chính và ông Hồ.

Cách đây độ dăm năm, chúng tôi có về làng Thổ Hà (xã Vân Hà) để thực hiện phim tài liệu về hát quan họ. Nhớ hôm nói chuyện về quan họ, ông Trần Linh Quý đặc biệt tâm đắc về làng Thổ Hà bởi đây là một trong ba mươi sáu làng quan họ đôi bên sông Cầu. Làng Thổ Hà ngày chúng tôi về làm phim còn khá “chân quê”, con đường đê uốn lượn theo dòng sông Cầu đã làm chúng tôi mê mẩn với một bên là dòng sông nước chảy lơ thơ, một bên là những cánh đồng lúa đang thì xanh tốt. Hôm ấy chúng tôi đã “quần” cả một ngày với các liền anh liền chị làng Thổ Hà ở ngay sân đình Thổ Hà.

Nét duyên quan họ Việt Yên.

Xem thêm: Ra mắt bộ sách tôn vinh những anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi

Chúng tôi còn được nghe giới thiệu rằng: Không chỉ chăm chỉ lao động, sản xuất và tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần, người dân Thổ Hà còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, từng nổi tiếng cả nước với nghề gốm cổ truyền. Nơi gắn kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng bằng những ký ức gần gũi, bình dị và thân thương. Tôi đã rất ấn tượng với cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền ở Thổ Hà; được ngắm những cây đa cổ thụ sừng sững vươn lên giữa đất trời, thăm những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo như: Đình, chùa, từ chỉ Thổ Hà, cổng làng, miếu làng, điếm làng, giếng cổ, hay những con ngõ nhỏ cổ kính, rêu phong được làm bằng gạch nung, gốm, tiểu sành; thăm các gia đình làm mì gạo, nấu rượu, làm bánh đa nem... Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo, mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Buổi chiều, chúng tôi được anh cán bộ Báo Bắc Giang đưa về thăm huyện Tân Yên. Khi xe vừa chớm tới cây cầu bắc ngang sông Thương trên tỉnh lộ 295B, để rẽ lên huyện, anh chỉ tay nói: “Khu vực này năm xưa được gọi là bến chia ly”. Tôi ngờ ngợ hỏi: “Sao lại gọi là bến chia ly?”. Anh cười tủm tỉm. Thì ra, sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước tận làng Man ở xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn, chảy qua huyện Hữu Lũng rồi mới chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang, hợp lưu với sông Lục Nam tại Phả Lại; rồi hợp lưu vào sông Cầu tại Lục Đầu Giang tạo thành hệ thống sông Thái Bình mênh mông.

Sông Thương đã có nhiều tên gọi như: Sông Nhật Đức; cũng có lúc người dân lưu vực sông Thương còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang hay sông Long Nhỡn. Đấy là khi sông chảy qua những địa danh, những nơi chốn. Cái tên sông Thương được định hình có lẽ vì đây là con sông chảy ngang con đường thiên lý đi lên ải Bắc, nay là thành phố Bắc Giang trên quốc lộ số 1.

Thuở xa xưa khi miền biên viễn phía Bắc luôn bị giặc phương Bắc rình rập và tiến quân vào xâm lược nước ta, dòng sông Thương trở thành nơi những người vợ, người mẹ đưa tiễn chồng con đi trấn ải biên thùy hoặc sang sông dẹp giặc. Bến sông từ biệt được gọi là “bến chia ly”, còn dòng sông chảy qua đây được gọi là “Sông Thương”. Cái tên “Sông Thương” như một lời nhắn gửi, một lời tâm tình, một lời hứa hẹn, một lời chung thủy, một lời nghĩa tình, một lòng thương nhớ. Những chàng trai năm xưa đi chiến trận đã để lại sau lưng làng xóm, để lại phía sau những bóng hình cha mẹ, vợ con để ra đi giữ gìn đất đai non sông gấm vóc.

Tại huyện Tân Yên, tiếp chuyện chúng tôi là ông Trần Đình Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện. Ông Dũng quê ở tỉnh Điện Biên nhưng vì yêu người con gái quê Tân Yên nên yêu luôn nơi đây. Ông trở thành “người Tân Yên” với những nghiên cứu khá sâu về mảnh đất này. Tôi “ngây thơ” hỏi: “Tôi cứ ngỡ Nhã Nam mới là thị trấn huyện lỵ?”. Ông Dũng cười vui: “Xưa Tân Yên thuộc huyện Yên Thế. Gọi là Yên Thế Hạ. Sau này tách ra thành hai huyện. Nhưng trên địa bàn huyện Tân Yên có rất nhiều di tích gắn với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Giờ tranh thủ mời các anh tới thăm đình Cao Thượng”. Rất may là chúng tôi được gặp những người trông coi đình Cao Thượng như ông Nhâm, ông Toản và ông Mỹ.

Ông Nhâm cho biết: “Đây là nơi người dân Cao Thượng tôn thờ hai vị tướng của Vua Hùng là Cao Sơn và Quý Minh và được người dân tôn là Thành hoàng làng. Một ngôi đình có tuổi đời gần bốn trăm năm, tuy nhiên do thời gian và một phần do chiến tranh mà hiện đình Cao Thượng không mang phong cách kiến trúc chữ Nhị nữa. Hiện đình chỉ còn giữ được vẻ ngoài theo lối chữ Nhất”. Ông Toản bổ sung thêm: “Quãng cuối những năm tám mươi của thế kỷ mười chín, một cánh của nghĩa quân Yên Thế do Đề Thám chỉ huy (lúc này Đề Thám mới là tướng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Đề Nắm tức Lương Văn Nắm, một người có sức mạnh khác thường quê ở huyện Tân Yên) đã đưa quân về Cao Thượng lập căn cứ. Núi Yên Ngựa trở thành một trong những cứ điểm chính của nghĩa quân.

Đình và chùa Cao Thượng thành nơi nghĩa quân qua lại, lập cơ sở khởi nghĩa. Các ông còn cho hay: “Trên núi Yên Ngựa, phía sau đình, cụ Đề Thám đã cho xây dựng trận địa phòng ngự kiên cố. Núi Yên Ngựa được coi là “chiến địa”. Cụ Đề Thám nhận thấy việc duy trì lực lượng ở Cao Thượng không khả thi nên cho quân số ở núi Yên Ngựa và làng xóm phụ cận rút lui an toàn lên căn cứ chính ở Phồn Xương (Yên Thế). Quân Pháp khi vào được Cao Thượng và núi Yên Ngựa thì chỉ thấy trận địa bỏ không, chúng điên cuồng ùa vào làng xóm đốt phá đình, chùa và nhà dân”. Hiện đình Cao Thượng được công nhận “Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế”.

Nắng chiều đã vãn, buổi nói chuyện vẫn còn dang dở nhưng chúng tôi đành phải tạm biệt. Ông Dũng nói thêm: “Lần tới về đình Cao Thượng, các anh sẽ được dự một buổi họp chợ độc đáo. Đó là chợ âm dương mỗi năm chỉ họp một lần từ nửa đêm mùng Một đến rạng sáng mùng Hai Tết”. Nghe hé lộ nhiều điều lý thú, tôi vội đề nghị: “Hay là các ông nói chuyện luôn thể đi”. Tất cả các ông có mặt đều cười: “Lần về sau mới kể”. Vậy là chúng tôi tạm biệt với lời hẹn: Sẽ về thăm đình Cao Thượng vài lần nữa.

Nguyễn Trọng Văn