Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn sau 35 khôi phục và phát triển

Nghi thức khai hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức trang trọng với màn tấu trống, múa cờ thể hiện tinh thần thượng võ của những người con vùng biển. Trước đó, phần lễ của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 đã được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, gồm: Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội; Lễ rước nước; Lễ thần linh,... thể hiện lòng thành kính của người dân Đồ Sơn với các bậc tiền nhân, phản ánh những nét sắc văn hóa đặc trưng của lễ hội.

Các kháp đấu trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 diễn ra sôi động, gay cấn, lôi cuốn đông đảo khán giả

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay có 16 “ông trâu” tham gia thi đấu; trong đó, mỗi phường trên địa bàn quận Đồ Sơn được đăng ký 2 suất trâu; cùng với đó là các suất đăng ký của 4 chủ trâu có trâu đạt giải nhất, nhì và đồng giải ba năm 2023. Các kháp đấu diễn ra sôi động, gay cấn, lôi cuốn đông đảo khán giả trên sân.

Xem thêm: Bí thư T.Ư Đoàn dự Lễ khánh thành và gắn biển công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội

“Lễ hội năm nay diễn ra sau 10 ngày nhưng vẫn có bầu không khí rất hồ hởi, như niềm tự hào của con em Đồ Sơn chúng tôi; các “ông trâu” cống hiến cho khán giả những kháp đấu rất tuyệt vời. Tôi rất tự hào về lễ hội chọi trâu quê hương mình và tôi hy vọng trong tương lai không phải chỉ riêng Lễ hội chọi trâu mà còn nhiều lễ hội khác cũng được bảo tồn giống như Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”, chị Nguyễn Thị Mỵ (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) cho biết.

Màn múa cờ khai hội Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2024

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có từ lâu đời, gắn liền với tục thờ thủy thần, lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc cộng đồng của người dân miền biển Đồ Sơn. Do nhiều lý do, lễ hội đã phải gián đoạn một thời gian; đến năm 1990, lễ hội được khôi phục và tổ chức liên tục đến nay. Đặc biệt, năm 2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Qua 35 năm khôi phục và phát triển, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không ngừng hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng; đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian và các giá trị văn hóa truyền thống.

Trâu số 04 của ông Lưu Đình Khang, phường Hải Sơn (Đồ Sơn) giành giải Nhất, nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2024 cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển Lễ hội theo hướng gắn với du lịch, qua đó quảng bá và lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Xem thêm: Nhớ mùa châu chấu đồng xa

“Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản phi vật thể và trách nhiệm của cấp ủy chính quyền quận Đồ Sơn là tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển lễ hội. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều cách làm để lễ hội phù hợp với các quy định, đảm bảo nguồn lực để tiếp tục động viên các chủ trâu tiếp tục tham gia và phát triển lễ hội, để lễ hội không chỉ là của người Đồ Sơn, Hải Phòng mà được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế”, ông Phạm Hoàng Tuấn nói.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc