Làng văn hóa du lịch Chợ Lách: 'Đòn bẩy' phát triển du lịch Bến Tre

Du khách tham quan Làng văn hóa du lịch Chợ Lách. Ảnh: Linh Tâm

“Vương quốc” trái cây, hoa kiểng

Nhờ khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ và tài nguyên nước ngọt dồi dào nên huyện Chợ Lách được ví như “vương quốc” trái cây, hoa kiểng chuyên cung cấp sản phẩm cho vùng Nam Bộ. Đến với Chợ Lách, du khách có dịp tìm hiểu nghề trồng hoa kiểng với các “tác phẩm nghệ thuật” được tạo nên từ đôi tay khéo léo của các nghệ nhân. Vào dịp Tết, cả một vùng Chợ Lách rực rỡ trong sắc hoa. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với các loại cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, bưởi, nhãn, chôm chôm...

Xem thêm: Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

Chợ Lách có tới 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng với hàng nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Mỗi năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trên 17 triệu cây giống và 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Cái nôi của làng nghề là Vườn trái cây Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành đã được “Sách Kỷ lục Việt Nam” công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Xã Vĩnh Thành có 12/12 ấp được công nhận làng nghề. Mỗi năm, cư dân địa phương cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu sản phẩm hoa kiểng. Các làng nghề cây giống, hoa kiểng đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng và là “linh hồn” cho việc phát triển Làng văn hóa du lịch Chợ Lách.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch sinh thái, nông nghiệp, Chợ Lách còn là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời. Minh chứng là những ngôi đình, miếu thờ những người có công khai phá đất đai. Nơi đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; nhà văn hóa dân tộc Trương Vĩnh Ký và “nữ tướng” Nguyễn Thị Định - người gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre và “Đội quân tóc dài” khiến quân thù khiếp sợ. Với tiềm năng đa dạng về văn hóa - lịch sử, Chợ Lách được ví như “nơi lưu giữ ký ức” đặc sắc của vùng đất này.

Kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù

Những tiềm năng, lợi thế trên chính là “chất liệu” để xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao cho Bến Tre. Đây được coi là “đòn bẩy” góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sinh kế bền vững cho người dân. Song song với đó, mô hình Làng văn hóa du lịch Chợ Lách còn góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, quảng bá các sản phẩm địa phương; đồng thời hướng tới mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia.

Từ năm 2020, tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách. Phạm vi triển khai đề án bước đầu được thực hiện ở 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới) và được kết nối thành một vòng tròn khép kín với tổng diện tích hơn 1.490ha, tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng. Bốn ấp này được lựa chọn để xây dựng thiết kế hạ tầng và ý tưởng cảnh quan cho Làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm tạo điểm nhấn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sau đó sẽ triển khai tới các ấp còn lại.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức cho biết, huyện đã triển khai nhiều hạng mục như đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng huyện lộ 34; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện để tăng cường kết nối giao thông trong khu vực và các địa phương lân cận; thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch cồn Cái Gà (xã Long Thới); kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều phối Làng văn hóa du lịch - Trạm dừng chân và Trung tâm thương mại Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách...

Về phía ngành Du lịch địa phương, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho đội ngũ lãnh đạo và công chức văn hóa - xã hội của UBND các xã, thị trấn; tập huấn kỹ năng du lịch và tổ chức các lớp nghề du lịch nông nghiệp cho các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch của 4 ấp trong đề án; xây dựng Bộ quy tắc ứng xử; ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu Làng văn hóa du lịch Chợ Lách...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung, Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách sẽ góp phần hình thành một điểm đến đặc trưng của Bến Tre và Đồng bằng sông Cửu Long khi phát huy tối đa lợi thế về văn hóa, cảnh quan và lối sống của cư dân địa phương. Theo đó, các hộ dân sẽ góp phần tạo ra những nơi lưu trú thân thiện với môi trường bằng các mô hình homestay, farmstay được tôn tạo từ những ngôi nhà ba gian hai chái truyền thống. Các khu nghỉ dưỡng cũng được xây dựng bằng vật liệu thân thiện với cảnh quan nông thôn. Tại đây, du khách không chỉ được tham quan, trải nghiệm các hình thức canh tác nông nghiệp trong các vườn cây ăn quả và hoa kiểng mà còn có thể hòa mình và các không gian thư giãn spa, trị liệu đông y... để chăm sóc sức khỏe.

Xem thêm: Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân

Điểm nhấn của Đề án là Khu điều hành Làng văn hóa du lịch - Điểm dừng chân được phát triển các tiện ích hiện đại, kết nối với trung tâm làng. Đây là nơi trưng bày lịch sử của Làng, giới thiệu các tuyến điểm tham quan, trưng bày các mặt hàng OCOP; đồng thời là trung tâm điều phối tổ chức lễ hội gắn với các di tích tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra trong năm. Việc xây dựng các điểm nhấn và không gian văn hóa đặc trưng này sẽ góp phần kiến tạo điểm đến đặc thù miệt vườn cho Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, đưa nơi đây thực sự trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia và có tính cạnh tranh cao.

Bảo Kha