Làng làm chuồn chuồn tre Thạch Xá- nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ

Làng nghề làm chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) nằm ngay dưới chân chùa Tây Phương, cách trung tâm Thủ đô chừng 30 km. Với bàn tay khéo léo và điêu luyện, người làng Thạch Xá đã tạo ra những con chuồn chuồn bằng tre, trở thành một món quà quê được nhiều người yêu thích, là một điểm chạm tới ký ức tuổi thơ.

Món quà bình dị của tuổi thơ

Ban đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho bao đứa trẻ, hay là một món quà trong các lễ hội truyền thống. Trẻ con ham thích những sắc màu rực rỡ, sự độc đáo khi chúng có thể đứng trên tay hay trên cành cây bất kỳ, mang tới một niềm thích thú vui vẻ cho tuổi thơ đùa nghịch.

Xem thêm: Không chỉ Phê La mới có trà đặc sản

Với những đứa trẻ lớn lên từ làng, hình ảnh về những chú chuồn chuồn tre là món đồ chơi bình dị, mộc mạc và thân thuộc của tuổi thơ. Chuồn chuồn tre Thạch Xá khiến những ‘đứa trẻ’ xa quê như được sống lại ký ức với đồng ruộng, lũy tre làng.

Hơn 20 năm nay, những người con Thạch Xá vẫn cần mẫn bên những thanh tre và mùi sơn, tỉ mỉ tạo ra thứ quà quê độc đáo này. Gia đình ông Nguyễn Văn Khẩn và bà Nguyễn Thị Chi đã gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre từ những ngày đầu.

Từ những thân tre, người thợ làng Thạch Xá tạo ra những cánh chuồn chuồn độc đáo và đẹp mắt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thời gian cứ dần trôi, đến một xã hội hiện đại hơn nhưng những sản phẩm mang giá trị văn hóa lại không hề mai một bởi chúng đã tạo được chỗ đứng, một dấu ấn chẳng thế phai trong lòng mỗi người. Những đứa trẻ ấy lớn lên nhưng mỗi khi nhắc tới chuồn chuồn tre, thì hẳn trong lòng dội lên bao cảm xúc.

Ông Khẩn bảo, mặc dù hiện nay có rất nhiều món đồ chơi hiện đại nhưng những món đồ chơi truyền thống vẫn có ‘chỗ đứng.’ Nhiều người khi thăm chùa Tây Phương vẫn ‘nhón tay’ một vài chú chuồn chuồn tre làm quà cho con cái.

Ngắm nhìn những chú chuồn chuồn đầy màu sắc, kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về gắn liền với cánh đồng làng quê với cánh diều no gió, những buổi chăn trâu trên triền đê, mải miết đuổi theo những cánh chuồn chuồn bay lượn mỗi buổi chiều.

Món quà mộc mạc gần gũi của người Thạch Xá như một điểm chạm gọi ta về với miền ký ức bình yên.

Xem thêm: Quảng Ninh đón gần 3.500 khách du lịch tàu biển

Tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo ra cánh chuồn tre

Chuồn chuồn tre nhìn thì đơn giản vậy, nhưng nhắc đến công đoạn làm là rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian để tạo nên điều đặc biệt khiến mọi người thích thú. Những con chuồn chuồn tre có thể đậu được ở khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực.

Ông Nguyễn Văn Khẩn cho biết: ‘Nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, tinh tế và đặc biệt là phải có sự đam mê, tâm huyết với nghề mới có thể làm được. Bởi để cho ra đời một con chuồn chuồn tre mất khoảng gần 20 công đoạn.’

Đầu tiên từ khâu chọn tre cũng phải cẩn thận, phải chọn tre bánh tẻ, không quá già hay quá non. Mặc dù địa phương có nhiều tre nhưng những năm gần đây, nguồn hàng khan hiếm nên tre phải nhập thêm từ Hòa Bình, Hà Giang để đảm bảo độ mềm, dẻo, bền. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt.

Mỗi công đoạn đều phải hết sức tỉ mỉ để làm ra một chú chuồn chuồn đạt yêu cầu, có thể thăng bằng được ở mọi địa hình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trải qua mỗi công đoạn, từ cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ... đều có tầm quan trọng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tái, cũng đã hơn 20 năm gắn bó với nghề này, chia sẻ về 'bí kíp' khiến những chú chuồn chuồn tre có thể đậu được ở bất kể đâu, anh cho biết: 'Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân làm sao để con chuồn chuồn đậu lên cây vững vàng, cân đối. Lực đối xứng phải chuẩn thì con chuồn chuồn mới đậu được.'

Ở khâu này, người thợ phải thật khéo léo làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng từ các bộ phận cấu thành như: thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng.

Những người thợ tạo 'phần hồn' cho sản phẩm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Một khâu cũng quan trọng không kém đó là tạo hồn cho sản phẩm. Sau khi hoàn thành sản phẩm ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo 'phần hồn' cho chúng. Để tạo được ấn tượng, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau, công đoạn này, người thợ cần khéo léo để sơn, nếu không sẽ bị loang màu, chất liệu sơn ta sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.

Cũng chính vì sự tỉ mỉ và kỳ công đến vậy nên những cánh chuồn chuồn của làng Thạch Xá đã 'bay' khắp cả nước, từ Bắc vào Nam./.

(Vietnam+)